Đến lúc xây dựng thương hiệu "Gạo Việt Nam"

21/02/2006 16:00 GMT+7

Với những hợp đồng đã và đang được chờ ký kết, dự báo thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2006 sẽ rất sôi động so với năm 2005. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới luôn thấp hơn gạo Thái Lan. Đã đến lúc gạo Việt Nam phải có chất lượng cao và đồng nhất mang tính cạnh tranh cao và tiến đến xây dựng thương hiệu chung "Gạo Việt Nam".

GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL cho biết, nếu so sánh với hạt gạo Thái Lan 5 năm trước đây, 1 tấn gạo Việt Nam cùng phẩm cấp thì gạo Việt Nam thua khoảng 20 USD/tấn, thậm chí có lúc lên tới 40 USD/tấn. Nhưng những năm gần đây, chúng ta đã cải tiến về công nghệ hạt giống, đáng mừng nhất là năm 2004, Chính phủ đã có Pháp lệnh về giống cây trồng.

Từ đó, chúng ta đã khắc phục rất nhiều nhược điểm về giống. Đến năm 2005, gạo Việt Nam chỉ còn chênh lệch với gạo Thái Lan khoảng 4 USD/tấn. Đó là thành công rất lớn mà bà con nông dân Việt Nam đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào. Các doanh nghiệp cũng vậy, hiện nay mua gạo xuất khẩu họ rất kén chọn.

Ngoài các giống lúa đặc sản địa phương như: nàng Nhen, thơm chợ Đào,... và Jasmines, có thương lái chuyên thu mua, rồi bán riêng biệt cho các đầu mối chuyên kinh doanh mặt hàng này.

Đối với lúa chất lượng cao, hàng sáo đi thu mua rồi bán qua nhiều trung gian, khi đến tay doanh nghiệp xuất khẩu lúa đã lẫn với rất nhiều giống khác nhau. Vì vậy khi xuất khẩu, gạo Việt Nam được gọi một cái tên chung "gạo trắng Việt Nam". Chưa có thương hiệu cụ thể!

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty lương thực Sông Hậu, thành phố Cần Thơ, cho biết, các nước bao giờ cũng đòi hỏi về chất lượng gạo ngon, cách bảo quản, kèm theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì vậy gạo Việt Nam phải nâng dần chất lượng, phẩm cấp hạt gạo lên mới cạnh tranh được với các nước xuất khẩu gạo trong khu vực. Xu thế chung trên thị trường thế giới cũng như trong nước đang chuyển dần sang sử dụng gạo chất lượng cao. Do đó, nếu bà con nông dân tiếp tục sản xuất và xuất khẩu loại gạo có phẩm cấp thấp đồng nghĩa với việc Việt Nam bị thu hẹp thị trường, giảm hiệu quả kinh tế.

Theo bà Trần Thị Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu, muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, yếu tố quan trọng trước nhất là phải ổn định về chất lượng gạo. Vì vậy rất cần có cơ chế phù hợp hơn trong công tác giống, và cán bộ khoa học kỹ thuật phải đi sâu đi sát hơn nữa trong việc hướng dẫn bà con sử dụng giống. Số các loại giống phải co bóp lại, tùy theo thổ nhưỡng, thủy lợi của từng vùng mà trồng giống lúa thích hợp.

Từ đó, chỉ dùng một vài giống lúa, để tạo yếu tố vùng chuyên canh lúa đồng nhất. Tổ chức tốt các khâu thu mua, chế biến... Nhờ đó chất lượng gạo Việt Nam mới không thua gạo Thái Lan.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Công ty lương thực Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho biết, trên thị trường thế giới tên gọi cho gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn chưa có. Vì trong lãnh vực gạo xuất khẩu, gạo của chúng ta chưa có thương hiệu, chủ yếu chỉ là gạo trắng Việt Nam. Công tác xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải làm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Phải xây dựng các kênh phân phối, kênh tạo thương hiệu cho sản phẩm gạo cả nước chứ không phải cho một hay hai doanh nghiệp.

Năm 2005, Công ty lương thực Thốt Nốt là đơn vị xuất khẩu gạo đứng đầu của thành phố và khu vực, đã xuất khẩu 270.000 tấn gạo, trong đó có đến 140.000 tấn là gạo chất lượng cao, thu về 75 triệu USD. Ngoài loại gạo cao cấp mà công ty đã thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Iran, Trung Đông, Nga, còn xuất khẩu gạo lức sang một số nước ở thị trường châu u. Đây là một mặt hàng mới, có chất lượng dinh dưỡng cao phục vụ cho một tầng lớp dân cư có nhu cầu về loại gạo này.

Theo ông Kiên, cùng một sản lượng gạo nếu bán được loại cao cấp, thì giá trị gia tăng của sản phẩm gạo sẽ tăng lên, đem lại lợi nhuận nhiều cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cũng như cho người sản xuất.

Trên thế giới có nhiều thương hiệu gạo đã thành danh như: Hoa Lài, Jasmines, Cao đắc ma li,... và khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như: Thái Lan,  Ấn Độ,... mà người tiêu dùng trên giới đã biết đến lâu nay. Hạt gạo Việt Nam muốn tìm đến thị trường cao cấp, không có cách nào khác hơn là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng bằng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Vì vậy ngay từ bây giờ các nhà khoa học, nhà quản lý nông dân cùng với doanh nghiệp phải có sự phối hợp đồng bộ, để mới có thể sản xuất ra hạt gạo Việt Nam có chất lượng đồng nhất mang tính cạnh tranh cao.

Theo Nguyễn Huyền/Thời báo Kinh tế Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.