Làm quen với rắc rối của tuổi mới lớn

22/02/2006 21:33 GMT+7

Bệnh viện nhi T.Ư (Hà Nội) mới đưa vào hoạt động phòng khám - tư vấn cho trẻ vị thành niên. PGS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện giải thích: "Một cô bé 15-16 tuổi bắt đầu có những vấn đề về sức khỏe sinh sản. Đến bệnh viện nhi thì không phù hợp mà đến bệnh viện sản thì rất ngại. Vì vậy, nhiều cháu lo lắng về những biến đổi cơ thể nhưng vẫn phải im lặng. Chúng tôi mong muốn phòng khám sẽ là địa chỉ tin cậy với các cháu".

Trước mắt, phòng khám, tư vấn cho vị thành niên của bệnh viện sẽ mở cửa 2 buổi/tuần vào chiều thứ ba và thứ năm. Các bác sĩ và chuyên gia tâm lý tham gia khám hoặc tư vấn cho các em về các vướng mắc cần giãi bày. Bác sĩ Đỗ Minh Loan - công tác tại phòng khám - cho biết: "Các em sẽ được khám và giải thích rõ về các vấn đề sức khỏe của lứa tuổi. Nếu có bất thường, sẽ được chuyển đến các cơ sở chuyên khoa phù hợp".

Các bác sĩ cho rằng, cha mẹ hình như mới chỉ quan tâm nhiều đến tình trạng bệnh tật mà còn xem nhẹ vấn đề tâm tư, tình cảm của các em, hoặc chưa có cách ứng xử thật hợp lý trước những biến đổi tâm lý lứa tuổi. Có trường hợp em gái 13 tuổi, đến phòng khám với tâm trạng nặng nề qua việc trả lời các câu hỏi trắc nghiệm: "Tôi luôn cảm thấy u sầu, hoàn toàn không thể chịu nổi", "Tôi thấy không có hy vọng về tương lai", "Luôn cảm thấy u sầu hoặc buồn không thể thoát ra được". Qua tìm hiểu, các bác sĩ cho rằng em này thường xuyên lo lắng về mối quan hệ không hòa thuận của người lớn trong gia đình. Một trường hợp khác, em gái H., 15 tuổi từ Quảng Ninh được gia đình đưa đến bệnh viện để chữa đau đầu. Tuy nhiên, tất cả các xét nghiệm, chụp, chiếu đều không thể hiện nguyên nhân chính xác gây bệnh. Khi được giới thiệu khám tại phòng khám vị thành niên, em H. mới dần dần tâm sự những khúc mắc trong lòng. Do bố mẹ đi làm xa, em được gửi cho ông bà, cô chú chăm sóc. Mọi người luôn đòi hỏi em phải có được thành tích cao trong học tập, phải đỗ đạt trong khi bản thân em lại thấy mình không thể hoàn thành. H. bày tỏ: "Em luôn thấy căng thẳng, đau đầu và luôn lo lắng". Bác sĩ Loan lưu ý: "Người lớn đừng bao giờ quên, các em đang lớn lên, muốn được mọi người tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ. Nếu chỉ áp đặt một chiều, có  thể các cháu chấp nhận và lo lắng. Nhưng có cháu phản ứng mạnh mẽ, bất hợp tác. Cả hai tâm trạng này đều không tốt cho các em.  Bản thân người lớn hãy cố gắng hiểu con em mình và cố gắng trở thành người bạn tâm tình từ khi con mình còn nhỏ".


Bác sĩ Đỗ Minh Loan tại phòng khám - tư vấn cho vị thành niên. ảnh: Lưu Quang Phổ
Các bác sĩ cũng lưu ý với các bậc cha mẹ một số vấn đề liên quan đến những sự cố có thể xảy ra trong quá trình phát triển giới tính: dậy thì sớm và dậy thì muộn. Đây là bệnh lý có liên quan đến nội tiết nam - nữ. Với em gái sau 13 tuổi và em trai sau 14 tuổi mà chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về sự phát triển giới tính, về những biểu hiện của đặc tính sinh dục phụ thì cha mẹ nên biết để có thể trao đổi với các bác sĩ, từ đó có cách can thiệp hợp lý. Có các nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc trẻ dậy thì muộn: u não, u tuyến thượng thận... và việc điều trị sớm sẽ có hiệu quả tốt hơn. Trường hợp dậy thì muộn có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Tuy nhiên, cũng rất không tốt nếu trẻ dậy thì sớm (trước 8 tuổi ở nữ và trước 9 tuổi ở nam). Trường hợp này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho tuyến nội tiết phát triển quá sớm, bất thường. Dù là bất kỳ nguyên nhân gì, cũng rất cần được phát hiện và điều trị. Trong mọi trường hợp, cả cha mẹ và các em  không nên quá lo lắng, cần đến với bác sĩ chuyên môn để được điều trị phù hợp. Được biết, phòng khám, tư vấn cho vị thành viên của Bệnh viện Nhi đã thiết lập đường dây điện thoại (04.7755622) dành trao đổi thông tin cho các bậc phụ huynh và các em.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.