Chuyện quy hoạch, giải tỏa đền bù vẫn "nóng"

22/02/2006 22:53 GMT+7

Sáng 22.2, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được làm Trưởng đoàn đã có cuộc họp với lãnh đạo và các ban ngành TP.HCM về các vấn đề "nóng" của thành phố như quy hoạch, giải tỏa đền bù, thị trường bất động sản đóng băng...

Quy hoạch chưa gắn với thực tiễn

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua cho rằng quy hoạch (QH) hiện đang là vướng mắc lớn nhất của TP. QH tổng thể sử dụng đất TP từ năm 2006 đến 2020 vẫn đang được điều chỉnh và ngày 15.3.2006 sẽ trình Bộ Tài nguyên - Môi trường bản thuyết minh tổng hợp để thẩm định trước khi trình lên Thủ tướng có ý kiến phê duyệt. Dù vậy, TP cũng đã chủ động trong việc dịch chuyển cơ cấu kinh tế thông qua việc sử dụng đất. Ông Nguyễn Văn Đua dẫn chứng: "Đến nay, TP đã có 3 trung tâm bán sỉ lớn để di dời các chợ đầu mối ở nội thành ra ngoại thành như Trung tâm thương mại Tam Bình (Thủ Đức), Trung tâm thương mại An Sương (Q.12) và đến cuối tháng 3.2006 sẽ đưa Trung tâm thương mại Bình Điền (Q.8) vào hoạt động. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở nội thành ra ngoại thành cũng tạo được một quỹ đất đáng kể để xây dựng các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, góp phần cho bộ mặt đô thị càng văn minh, hiện đại hơn".

Ông Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho rằng, cái khó nhất để xây dựng kế hoạch QH sử dụng đất là do QH sử dụng đất thì mang tính địa phương trong khi QH của các bộ ngành phải tính đến không gian kinh tế toàn vùng nên khó gắn kết với nhau. Vì vậy, yêu cầu cao nhất của QH sử dụng đất là phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài chứ không chỉ trong vòng 15-20 năm. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đồng ý với cách nhìn nhận này và nói: "QH sử dụng đất  không phải là "đóng chốt" mà phải nhìn xa hơn khoảng thời gian 20-30 năm. Tất nhiên là phải có lộ trình linh hoạt. Ví dụ như vấn đề hệ thống cảng, di dời sản xuất, dân cư ra ngoại thành. TP cần phải nhìn vấn đề này như một vấn đề sống còn, vừa làm vừa phải tích lũy kinh nghiệm cho thế hệ mai sau". Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải phân tích: "Hiệu quả do công tác QH đem lại trong những năm qua còn hạn chế. Vấn đề xây dựng tự phát, trái phép tại thành phố còn rất nhiều. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác như QH giao thông, QH công nghiệp, QH thương mại cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được chú trọng khiến cho QH của thành phố vẫn còn gặp nhiều vướng mắc". Ông Lê Thanh Hải cảnh báo: "Tôi đơn cử như vấn đề QH thương mại chúng ta chưa có, trong khi các trung tâm thương mại của nước ngoài phát triển mạnh và nếu mai đây có thêm nhiều trung tâm, siêu thị lớn như Cora, Metro thì việc quyết định doanh nghiệp chúng ta phải sản xuất cái gì cũng đều phải theo ý họ". 

Sẽ lập Quỹ hỗ trợ hậu đền bù

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải kiến nghị Đoàn giám sát của Quốc hội sớm có nghiên cứu hoặc đề xuất phải có cơ chế tài chính cho các doanh nghiệp địa ốc. Ông cho biết, hiện các ngân hàng rất lo lắng khi số dư nợ cho vay để đầu tư vào địa ốc đã lên đến 29.000 tỉ đồng trong khi các dự án đang ngưng trệ. Nếu không có cơ chế tháo gỡ thì hàng loạt DN sẽ phá sản, đất lại tiếp tục bỏ hoang.

Ông Trịnh Huy Quách - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội nêu câu hỏi: "Ngoài vướng mắc về giá đền bù, khi thu hồi đất còn có vướng mắc gì nữa không?". Ông Nguyễn Văn Đua cho biết, TP đã có giải pháp linh hoạt trong việc giải tỏa (nhất là ở các dự án trọng điểm) như đưa ra nhiều phương thức: đền bù bằng tiền cộng với hỗ trợ chi phí công ăn việc làm, lấy đất ở đổi đất nông nghiệp, tái định cư bằng nền đất hoặc chung cư... Bởi nếu chỉ là giá đền bù thôi cũng chưa đủ mà phải tính toán cho dân sau khi bị giải tỏa sống như thế nào. Chính vì vậy, TP đã giao cho Viện Kinh tế nghiên cứu lập Quỹ hỗ trợ hậu đền bù giải tỏa để lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, Luật Đất đai ra đời rất kịp thời nhưng chưa đủ mà phải có các chính sách thuế đi kèm để điều tiết chênh lệch địa tô, lấy nguồn tiền từ loại thuế này để góp phần lo chỗ ở tái định cư, công ăn việc làm ổn định cho người bị giải tỏa. Ông cũng kiến nghị nên nghiên cứu để phân loại thuế đối với từng loại nhà ở như biệt thự, nhà phố, chung cư chứ không nên đóng thuế theo kiểu "cào bằng" hiện nay.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.