Theo số liệu của SJA, từ năm 2000 đến 2004, cả nước tiêu thụ khoảng 118,4 tấn vàng nữ trang, trong đó TP.HCM chiếm khoảng 70%. Các đơn vị sản xuất vàng nữ trang tại TP.HCM đưa ra thị trường khoảng 2,5 triệu sản phẩm nữ trang mỗi năm. Ông Nguyễn Hữu Thuận - Phó chủ tịch SJA, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nhận định tình trạng kinh doanh nữ trang kém chất lượng trên thị trường hiện đang ngày càng nhiều, đến mức ông Thuận phải gọi đó là một "thực trạng nhức nhối". "Một sản phẩm nữ trang đóng dấu 18K nhưng tuổi vàng chỉ đạt có 68%, 65%, thậm chí là 51%. Riêng vàng trắng (không phải bạch kim) tương đương 14K nhưng nhiều nơi đóng dấu 18K và tuổi vàng chỉ đạt 50%, thậm chí là 30%", ông Thuận dẫn chứng.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nguyễn Hữu Thuận, là do chính sách, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này còn sơ hở. Do vàng nữ trang là loại hàng hóa thông thường nên DN tự đăng ký và chịu trách nhiệm về chất lượng đăng ký. Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước lại không quy định rõ tiêu chuẩn hàm lượng vàng tối thiểu phải đạt cho từng loại là bao nhiêu, điều này tạo "lỗ hổng" cho nhiều cơ sở, tiệm vàng... gian lận. Trong lúc chờ cơ quan chức năng tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng kinh doanh vàng nữ trang theo kiểu lừa dối, "móc túi" người tiêu dùng, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch SJA - cho biết SJA đã đề nghị Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Hà Nội, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam phối hợp thành lập 2 trung tâm kiểm định vàng tại TP.HCM và Hà Nội để người tiêu dùng có thể kiểm tra chất lượng vàng nữ trang. SJA cũng đề nghị hơn 1.600 hội viên đăng ký chất lượng sản phẩm với Hội; các trường hợp vi phạm chất lượng đã đăng ký sẽ bị Hội đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý.
Thanh Xuân
Bình luận (0)