Cộng đồng người Do Thái ở Pháp: Phẫn nộ và lo ngại

06/03/2006 00:54 GMT+7

Đa số các nạn nhân của băng "Những kẻ tàn bạo" là người gốc Do Thái, từ các vụ bắt cóc cho đến những vụ tống tiền các bác sĩ, các doanh nhân nổi tiếng. Vì vậy mà cộng đồng người Do Thái đều tin chắc rằng họ là mục tiêu chính của nạn kỳ thị, bài Do Thái.

Nhưng chính quyền Pháp đã tỏ ra rất dè dặt, chỉ công nhận giả thuyết này rất trễ tràng sau đó. Người ta cho rằng vì chính phủ không muốn làm mếch lòng những người Hồi giáo, và một phần do mang nặng mặc cảm, đã từng bán đứng không ít người Do Thái trong thời kỳ bị Đức quốc xã chiếm đóng.

"Tôi là người Do Thái, thì xấu ở chỗ nào?"

Lễ tang của Ilan Halimi được tổ chức tại giáo đường Do Thái giáo Victoire ở Paris. Bên ngoài đầy chật những người muốn đến tham dự, nhiều người đã chen chúc đứng chờ trước đó hàng mấy tiếng đồng hồ. Tiếng loa bên trong kêu gọi: "Trong nhà thờ hiện giờ không còn đến một xăng-ti-mét chỗ đứng, xin quý vị hãy vui lòng trở về nhà". Chỉ có 1.500 người may mắn lọt vào được bên trong dự buổi lễ, với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Jacquec Chirac cùng phu nhân, Thủ tướng Dominique de Villepin và đại diện của tất cả các tôn giáo ở Pháp. Và chủ nhật tuần trước 26.2, hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Paris chống nạn kỳ thị cũng như bài Do Thái.

Những người tổ chức đã kêu gọi  "những người gốc Do Thái và những người không phải là Do Thái" tham gia. Hôm đó, đông đảo người dân đã hưởng ứng, và các đảng phái chính trị cũng đều có mặt. Trên hàng đầu, người ta trông thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nicolas Sarkozy, sát cánh với cựu Thủ tướng cánh tả Lionel Jospin - một hình ảnh hiếm thấy! Kể cả sự hiện diện của những người không hề có thói quen xuống đường, như Đức Hồng y Jean-Marie Lustiger, Tổng giám mục Công giáo. Đoạn đường tuần hành là từ quảng trường République qua quảng trường Nation; khi đi ngang qua cửa hàng điện thoại di động mà Ilan đã làm việc, tiếng kinh cầu hồn rì rầm vang lên, sau đó là quốc thiều Pháp và những cây nến được đốt lên tưởng niệm.

Chỉ có một trục trặc nho nhỏ, đó là khi ông Philippe de Villiers, Chủ tịch đảng “Phong trào vì nước Pháp” (một đảng cánh hữu có khuynh hướng cực đoan) xuất hiện trên những hàng đầu, nhiều người biểu tình đã la hét đòi đuổi ông ra khỏi hàng. Rốt cuộc, ông Villiers đã bị lực lượng trật tự mời ra khỏi đoàn tuần hành; sau đó ông đã đâm đơn kiện tổ chức SOS Racisme, một trong những hiệp hội đã đứng ra tổ chức. Còn đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) của Jean-Marie Le Pen thì khôn khéo hơn, chỉ gửãi một nhóm nhỏ đại diện tham gia một cách kín đáo. Tuy vậy, sự hiện diện của FN cũng đã khiến cho phong trào “chống kỳ thị chủng tộc” rút lui không tham dự.

Nhiều cuộc biểu tình khác cũng diễn ra ở các tỉnh của Pháp và kể cả ở Jérusalem và Luân Đôn, chứng tỏ vụ án Ilan Halimi không còn là một vụ án hình sự thông thường mà đã mang một tầm vóc lớn lao hơn nhiều. Đó là sự phân hóa của xã hội, sự chia cách giữa các cộng đồng. Cái chết của Ilan Halimi đã biểu thị những vùng xám hiện nay: sự hung bạo của các băng đảng, lòng thù hận và nạn bài Do Thái.

Do Thái = Giàu có ?

Youssouf Fofana và những tên trong băng đều khẳng định: không phải chúng kỳ thị người Do Thái, nhưng vì chúng tin rằng những người Do Thái đều giàu có, và cộng đồng này rất tương trợ lẫn nhau nên có thể đóng góp trả tiền chuộc mạng cho các con tin. Libération cho rằng, công thức người Do Thái đồng nghĩa với tiền bạc cho cảm giác “buồn nôn”. Ilan Halimi, một thanh niên Do Thái lương thiện, kiếm sống bằng công việc nhân viên bán hàng, làm việc cật lực một tuần 6 ngày để có đồng lương tối thiểu, đã bị sát hại tàn nhẫn ở tuổi thanh xuân, chỉ vì bọn lưu manh cho rằng có thể khảo ra tiền. Trong khi cả băng “Những kẻ tàn bạo” chỉ có một tên đi làm việc. Ngay cả Youssouf Fofana từ khi ra tù đến nay cũng vẫn nhận được trợ cấp của chính phủ để hội nhập. Trong cuộc biểu tình nói trên, có cả những tấm biểu ngữ như “Tôi là người Do Thái, nhưng tôi chỉ lãnh mức lương tối thiểu”.

Tâm trạng lo sợ lan ra trong cộng đồng người Do Thái tại Pháp. Một bài phóng sự của Le Monde thực hiện tại một khu vực có nhiều tiệm buôn người Do Thái ở Créteil thuộc ngoại ô Paris mô tả: “Henriette Hamias, 32 tuổi, người Pháp gốc Do Thái, để có vẻ ngoài giống người Pháp nhiều hơn, đã mang kính sát tròng màu xanh nhạt để che đi màu mắt nâu, nhuộm vài món tóc màu vàng, và không còn đeo ngôi sao David nơi cổ; đi đứng cũng âm thầm hơn. Làm việc cho một tiệm thực phẩm Do Thái, cô cố gắng tối đa không ra ngoài một mình. Các con đang học ở trường công nhưng Henriette đã xin chuyển sang một trường tư Do Thái. Dì của cô là Lydia, cho biết con cái bà không bao giờ ra đường ban đêm mà không có người đi kèm vì đã nghe quá nhiều chuyện hàng xóm, bạn bè bị hành hung, thóa mạ. Ông Moshé, đội nón kết để che chiếc nón kippa (loại nón màu đen đội sát trên đầu của người Do Thái) đến để đề nghị những tiệm buôn trong khu vực lập một lực lượng bảo vệ riêng, đã được sự ủng hộ của nhiều người. Họ không cho rằng vụ án Ilan Halimi là một vụ án thông thường như bao nhiêu vụ khác mà là hậu quả sự xuống cấp của xã hội. Stéphane Bonan, 24 tuổi, sinh viên ngành luật thì muốn nhấn mạnh thái độ “không nghe, không thấy, không biết” của những người sống ở các khu chung cư ngoại ô phức tạp, làm gợi nhớ thời kỳ đen tối mà người Do Thái từng bị truy lùng trong lịch sử Pháp. Anh nói: “Cái chết của hai thanh niên ở Clichy-sous-Bois đã làm dấy lên những vụ bạo động ở ngoại ô suốt nhiều tuần lễ. Còn chúng tôi thì chỉ biểu tình và chờ đợi ở công lý”.

Ly La (từ Paris)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.