“Chiến thuật” đánh cát đen
Những ngày cuối tháng 2, tôi tìm đến khu dân cư giáp ranh giữa P.Bình Tân và xã Tân Bình (thị xã Lagi, Bình Thuận), địa điểm gần sát Đồi Dương 1 và cạnh những quả đồi đang bị đào bới loạn xà ngầu để đãi cát đen. Sau khi dò hỏi, tôi tìm đến nhà cặp vợ chồng trẻ chuyên làm thuê cho những trùm khai thác quặng titan trái phép, đang tạm trú trên địa bàn này. Khi tôi đến nơi, anh chồng tên H. cũng vừa đi đánh bạc về. Người vợ xụ mặt, cằn nhằn và ném trả lại mấy chục ngàn đồng mà chồng vừa "giao nộp" lại. Chừng như quên tôi là khách lạ, chị vợ quay sang than vãn: "Tiền không có mua gạo mà ông í cứ đi đánh bạc suốt, không chịu đi làm". Anh chồng bốp chát ngay: "Cô không thấy mấy hôm nay bị động à? Cũng phải biết thức thời lánh mặt ít bữa đã chứ!"... Sau cuộc "khẩu chiến", hai vợ chồng này chợt sựng lại và nhìn tôi đầy cảnh giác. Nhưng khi nghe tôi giới thiệu là nhân viên đi tìm hiểu thị trường cát đen cho một ông chủ mua bán vật liệu xây dựng tại Sài Gòn, H. có vẻ vui mừng hẳn lên. H. bảo tôi nên về thuyết phục ông chủ của mình lên đây xin giấy phép của công an hẳn hoi, rồi sau đó khai thác bao nhiêu thì... có trời mới biết được! H. kể: "Mới đây, trùm Thọ bị công an hốt 18 tấn cát đen nên tạm ngưng vài hôm. Nếu tình hình vẫn căng như thế này thì chắc chắn tụi tui sẽ làm cầm chừng ban ngày và tập trung "đánh" vào ban đêm". Nét ma mãnh hiện lên trên khuôn mặt của H. khi anh ta "bật mí": "Nhưng công an còn lâu mới biết hết những nơi tụi tui cất giấu máy bơm, máng đãi, dây thừngå...!".
Tiếp đó, H. dẫn tôi đi xem những vật dụng đãi cát đen của các trùm cát được chia ra giấu dưới ao nước hoặc chôn dưới cát, phủ bên trên mấy tàu lá dừa khô. H. cho biết, mấy ông trùm cát đen thuê công nhân làm việc cật lực cả đêm lẫn ngày trong mấy ngày Tết Bính Tuất và đã "cất" trót lọt được mấy chuyến ngon lành. Trên những bãi cát bị đào bới ngổn ngang dọc bờ biển, H. giơ tay gạt lớp cát bề mặt làm lộ ra cơ man nào là những bao tải nhỏ đựng cát đen. Đây là số cát đen đã khai thác còn bị "kẹt" lại. Vợ chồng H. cũng "đánh lẻ" được gần chục tấn cát nhưng cũng phải chờ "ngày tốt" để bốc hàng. H. tính nhẩm, mỗi máng đãi có 6 trai tráng khỏe mạnh đảm việc. Một đêm chỉ cần chưa tới chục máng như vậy là có thể hốt "vô tư" 100 tấn cát đen. Theo H., khai thác cát đen là "siêu lợi nhuận" vì mỗi tấn bán được cả triệu bạc. "Khu này đụng đâu cũng gặp cát đen. Mà cát đen nặng lắm, chỉ vài vốc được là mấy ký lô rồi", H. xuýt xoa. Đối với những thợ như H., sau một ngày (hoặc đêm) đãi cát sẽ được các trùm trả công từ 80 ngàn đến 120 ngàn đồng. Khi được hỏi có ý định "giải nghệ" không, H. kinh ngạc: "Cát đen đang ngon ăn thế, bỏ sao được! Đấy, cát đen đã dính chặt gan bàn chân của tui rồi, không sao rửa được...".
Hiểm họa từ “cát tặc”
Những cái máy nổ đãi cát đen trái phép bị lực lượng kiểm tra P.Bình Tân thu giữ. |
Hầu hết những người thợ đãi cát đều trong độ tuổi thanh niên. Họ là một số dân địa phương, các khu vực lân cận và dân tạm trú. Những đêm trăng sáng, nhiều người không ngần ngại đem đồ nghề ra đãi cát công khai dọc bờ biển. Xong việc, họ còn tổ chức nhậu nhẹt rồi gây gổ, ẩu đả nhau, gây mất an ninh trật tự. Một số người còn bắt trộm gà của dân để nhậu. Công an xã Tân Bình xác nhận: Ở những điểm nóng khai thác cát đen trái phép thỉnh thoảng xảy ra tình trạng mâu thuẫn, tranh giành "lãnh địa" giữa những "cát tặc". Tình hình phức tạp hơn khi một số hộ bị "mua" hoặc do lo sợ đã tiếp tay các trùm "cát tặc", cho họ mượn đường, mượn đất và chứa cát đen trong nhà. Thậm chí có nơi khi lực lượng kiểm tra xuất hiện, trùm cát và "cát tặc" xúi giục đàn bà con gái khóc la rùm beng, gây khó dễ cho cơ quan chức năng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường bắn của thị xã Lagi nằm trên địa bàn xã Tân Bình hiện có nguy cơ bị san lấp gần hết. Người dân ở đây bày tỏ lo ngại một ngày nào đó có thể xảy ra tình trạng lạc đạn vì địa hình trường bắn đã bị thay đổi, tầm che chắn an toàn bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Đặc biệt, việc khai thác cát đen ồ ạt vừa qua đã làm sụt lún, xói lở bờ biển và các đồi cát, làm san lấp các kênh nước ngọt tưới tiêu đồng ruộng, tàn phá thảm thực vật vốn được gia cố, giữ gìn mấy trăm năm nay để che chắn gió bão...
Đêm mật phục
Số cát đen khai thác trái phép bị công an xã Tân Bình tịch thu ngày 15.2. ảnh: Như Lịch |
Trước trụ sở UBND xã Tân Bình, tôi lại nhìn thấy ngổn ngang những bao cát. Một cán bộ trong Ban Công an xã Tân Bình (thị xã Lagi) cho biết đó là những tang vật của "cát tặc" mà công an xã mới thu giữ vào ngày 15.2. Theo vị cán bộ này thì từ 7.12.2005 đến nay, công an xã Tân Bình đã hơn 10 lần truy quét "cát tặc" và thu giữ 15 máy bơm nước, 200m dây và 18 tấn cát đen. Xã Tân Bình là một trong những nơi "cát tặc" tập trung tận thu quặng titan, gây ảnh hưởng đến dự án khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân chuẩn bị triển khai dọc theo tuyến biển.
Không chỉ ở P.Bình Tân, xã Tân Bình, tình trạng khai thác cát đen trái phép còn diễn ra rất nóng bỏng ở nhiều khu vực khác thuộc thị xã Lagi (như Tân Hải, Tân Phước, Tân Tiến) và dọc tuyến biển Hàm Tân, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam... Riêng tại thị xã Lagi, theo thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 90 tấn cát đen và 25 máy nổ khai thác trái phép. Cách đây nửa tháng, thị xã Lagi đã thành lập Ban liên ngành kiểm tra khai thác khoáng sản, trong đó chú trọng triển khai những biện pháp để đối phó nạn khai thác cát đen trái phép...
Thế nhưng, trên thực tế những biện pháp này xem ra vẫn chưa đủ "ép phê" để có thể xử lý tận gốc vấn đề. Bởi lẽ, trong khi nhiều "cát tặc" chuyển sang khai thác vào ban đêm thì những buổi tối mật phục như trên vẫn còn quá ít ỏi. Lực lượng tuần tra, mật phục ban đêm cũng còn quá mỏng. Đặc biệt, ngay chính các cơ quan chức năng địa phương đến nay vẫn rất lúng túng trước các câu hỏi bức xúc đặt ra của người dân: Ai tiêu thụ cát đen trái phép? Một số công ty có giấy phép khai thác cát đen trên địa bàn có tiếp tay cho "cát tặc" thông qua việc thu mua số cát đen đó?...
Phóng sự của Như Lịch
Bình luận (0)