Công nghệ sinh học: Ngành của thế kỷ 21
Công nghệ sinh học vài năm nay đã trở thành ngành yêu thích của thí sinh có tham vọng khám phá cuộc sống.
Tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, các năm 2003, 2004 ngành công nghệ sinh học có điểm chuẩn thuộc loại cao nhất ở cả khối A và khối B. Năm 2005, tỉ lệ “chọi” ngành này cao nhất trong các ngành của trường (thi 10 lấy 1) và điểm chuẩn khối B cao nhất trường (24 điểm), khối A (20 điểm).
Điểm chuẩn tại ĐH Bách khoa TP.HCM cũng luôn xếp vào nhóm các ngành có điểm chuẩn cao.
Năm 2004, ngành công nghệ sinh học của ĐH Nông Lâm TP.HCM có điểm chuẩn cao nhất trường (cả khối A và B). Năm 2005, ngành này cùng với ngành công nghệ hóa dẫn đầu trong số 36 ngành của trường (A: 20 điểm, B: 23 điểm).
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ngành công nghệ sinh học là ngành sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ này.
Công nghệ thực phẩm: Giữ vị trí cao
Góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, thay vì phải xuất thô như hiện nay và phát triển lĩnh vực chế biến thực phẩm, ngành công nghệ thực phẩm những năm gần đây cũng luôn giữ được vị trí cao. Điểm chuẩn ngành này tại ĐH Bách khoa TP.HCM luôn đứng nhất nhì trong các ngành của trường. Năm 2005, ngành này chỉ thua kém ngành cơ điện tử nửa điểm (26,5 điểm).
Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn ngành này đứng thứ hai. Tại ĐH Nông Lâm TP.HCM, ngành này cũng xếp hạng cao về điểm chuẩn.
Cơ điện tử: Sự nhạy bén của sinh viên
Năm 2005, ngành cơ điện tử đã có cuộc bứt phá ngoạn mục với điểm chuẩn cao nhất ĐH Bách khoa TP.HCM là 27 điểm, qua mặt “đối thủ” là ngành công nghệ thông tin (CNTT) (25,5 điểm). Như vậy, với mỗi môn thi bình quân đạt 9 điểm, thí sinh thi vào ngành cơ điện tử của ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2005 mới trúng tuyển.
Năm 2003 ngành CNTT và cơ điện tử có tỷ lệ “chọi” tương đương (thi 6 lấy 1); điểm chuẩn ngành CNTT là 24, cơ điện tử: 24,5; năm 2004, ngành CNTT có điểm chuẩn: 21, cơ điện tử: 20.
Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn ngành cơ điện tử trong 3 năm qua đều ở mức cao, riêng năm 2004 thì cao nhất trường.
PGS-TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhận xét: Học sinh chọn học ngành cơ điện tử là sự nhạy bén nắm bắt xu hướng mới trong lĩnh vực kỹ thuật.
Ngành báo chí: Dẫn đầu khối ngành xã hội
Tại ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, ngành báo chí có tỷ lệ “chọi” cao nhất trường (thi 17 lấy 1) và điểm chuẩn cũng là cao nhất trong các ngành của trường, với khối C: 18, D1: 20 (trong khi đó ngành tiếng Anh D1: 18).
Nhìn lại năm 2003, 2004 ngành báo chí đã giữ ngôi đầu bảng khối xã hội. Năm 2003, ngành báo chí có tỷ lệ “chọi” cao nhất trường (thi 26 lấy 1) và điểm chuẩn cũng cao nhất, với khối C: 18,5, D1: 21,5 (ngành tiếng Anh D1: 20). Năm 2004, điểm chuẩn ngành báo chí vẫn cao nhất trường, với khối C: 18,5, D1: 20 (ngành tiếng Anh: 18,5).
Đông phương học: Khám phá thế giới
Một ngành mà 3 năm qua luôn có điểm chuẩn ngang hàng với ngành tiếng Anh tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM là ngành Đông phương học.
Ngành học này đào tạo sinh viên có kiến thức chung về khu vực học, giỏi ngoại ngữ với chuyên môn sâu về địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và quan hệ quốc tế của một nước. Cơ hội việc làm rộng mở cũng như tính hấp dẫn trong việc khám phá thế giới đã thu hút nhiều thí sinh đến với ngành Đông phương học.
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai, chuyên viên Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: “Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của bản thân sau khi tốt nghiệp THPT là chọn được một ngành học phù hợp với sở thích và năng lực”.
Theo Diệu Hằng/NLĐ
Bình luận (0)