Theo phản ảnh của bạn đọc, đồng 5.000 “khác thường” không tròn trịa mà có phần kim loại thừa ra. Đồng 5.000 "khác thường" này nhẹ hơn đồng 5.000 bình thường nên khi để rơi xuống đất có tiếng kêu khác, các khía ở vành đồng tiền không đều nhau, hoa văn đồng tiền không có chi tiết ngói trên chùa Một Cột.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, Ông Vũ Huy Toản - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết: Cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được bất kỳ tiền kim loại bị làm giả hay có những đặc điểm khác với bình thường. Cũng chưa thấy những đồng tiền kim loại bị biến dạng do bị tác động mạnh bởi ngoại lực. Vì vậy, NH Nhà nước sẽ đổi lại đồng tiền này để tiến hành giám định, trên cơ sở đó mới có kết luận chính thức.
* Người dân nói đồng 5.000 làm bằng đồng thau nên có thể làm giả?
- Tiền kim loại được đúc ở nước ngoài. Mỗi loại mệnh giá có chất liệu và đặc điểm hình dạng khác nhau. Trong đó đồng 5.000 được đúc bằng hợp kim nên có màu sắc vàng ánh đỏ, đồng 1.000 và 2.000 đồng được đúc bằng thép mạ đồng thau có màu vàng đồng thau, đồng 200 và 500 được đúc bằng thép mạ niken có màu trắng bạc.
Về mặt cảm quan thì đồng 5.000 không vàng như đồng thau mà hơi vàng đỏ. Chi tiết trên đồng 5.000 phức tạp hơn với những hoa văn, vành đồng tiền có khía vỏ sò.
Vì chất liệu đồng 5.000 là hợp kim nên có màu đồng nhất và cũng khó làm giả. Hơn nữa các hoa văn trên tiền kim loại sắc sảo, vì thế rất dễ phát hiện trong trường hợp đồng tiền bị biến dạng hoặc bị làm giả.
* Trên thế giới có vụ làm tiền kim loại giả nào bị phát hiện?
- Tiền kim loại có mệnh giá không cao nên phải tốn rất nhiều chi phí đúc mới có thể có được số tiền giả giá trị lớn. Hơn nữa việc làm khuôn để đúc tiền với những chi tiết sắc nét như thế cũng đòi hỏi công nghệ cao và vì thế giá thành cũng cao. Do vậy, xét về mặt tìm kiếm lợi nhuận từ việc đúc tiền giả là không khả thi. Tuy nhiên cũng cần phải giám định để xác định tiền bị biến dạng hay vì các nguyên nhân nào khác...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)