“Nguồn nguyên liệu để chế biến tôm xuất khẩu khan hiếm cực kỳ, giá tăng cao chóng mặt nhưng chúng tôi vẫn phải mua để duy trì hoạt động cho nhà máy” - đại diện một doanh nghiệp (DN) chế biến tôm ở ĐBSCL cho biết. Hiện giá tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg ở ĐBSCL đã lên đến 160.000 đồng/kg; loại 30 con/kg: 115.000 đồng/kg, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết. Hầu hết các nhà máy chế biến ở Cà Mau, nơi được xem là "vựa tôm" của cả nước, đang hoạt động chưa tới 50% công suất. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty XNK thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết: “Công ty chúng tôi bình quân mỗi ngày chỉ thu mua được từ 40 - 50 tấn, trước đó lúc cao điểm có thể mua 80 tấn/ngày. Công ty phải giảm giờ làm việc của trên 2.000 công nhân, trước đây làm đến 17h thì nay nghỉ sớm lúc 14 - 15h. Thu nhập của họ vì thế cũng giảm hơn 10%”.
Một viễn cảnh không lạc quan của ngành tôm được ông Nguyễn Văn Kịch dự báo: “Trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Ấn Độ là 2 nước nuôi tôm sú lớn nhất. Tuy nhiên có lẽ nghề nuôi tôm sú ở Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh cao bởi môi trường nuôi tôm ngày càng xấu đi. Thái Lan có kỹ thuật vượt bậc hơn chúng ta nhiều mà cũng chỉ có thể giữ lại một tỷ lệ tôm sú rất nhỏ trong ngành thủy sản. Năm sau và năm sau nữa, nguyên liệu tôm chỉ có thiếu và thiếu. Viễn cảnh nhiều nhà máy phải đóng cửa, đó là điều có thể tiên đoán được”. |
Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Đinh Thiên Cần, một chủ trại tôm lớn ở Sóc Trăng, thì “một phần do một số địa phương cấm ngư dân nuôi tôm nghịch mùa vì sợ tôm bị bệnh chết. Nhiều tỉnh hiện chỉ khuyến khích ngư dân nuôi theo thời vụ (từ tháng 2 - 4 hàng năm). Vì vậy đã dẫn đến tình trạng thiếu tôm nguyên liệu kéo dài từ tháng 12 cho tới nay và dự kiến phải vài tháng nữa nguồn tôm nguyên liệu mới cung ứng đủ”. Ông Nguyễn Văn Kịch cho biết thêm: “Vụ tôm đầu năm vì là nuôi trái vụ nên tỷ lệ tôm chết khá cao, thêm vào đó thời tiết năm nay không thuận lợi, ngày nóng, đêm lạnh nên năng suất không tăng được. Quan trọng nhất là người nuôi tôm trong năm vừa qua thua lỗ nặng, tinh thần giảm sút đồng thời ngân hàng cũng từ chối không cho vay để nuôi lại, chính vì vậy chắc chắn là sản lượng tôm năm nay sẽ giảm sút”. Ông Kịch lo lắng: “Tình hình này có thể sẽ kéo dài đến tháng 7, khi mà vụ khai thác tôm chính năm nay bắt đầu”.
Hiện một số DN đành phải nhập khẩu tôm nguyên liệu từ các nước khác để chế biến. Cách làm này theo ông Nguyễn Văn Kịch là đang vướng phải nhiều rào cản. Ông Kịch cho biết: “Rõ ràng cách tốt nhất giúp cho các DN chế biến tôm hoạt động được trong thời gian trái vụ là cho phép nhập nguyên liệu để gia công, thế nhưng nhà nước lại không khuyến khích như vậy. Số lượng nguyên liệu nhập về mấy ngày qua thực chất không nhiều bởi mức thuế áp dụng là 35% và hàng loạt thủ tục phức tạp. Trong khi các nước khác đã cho phép nhập nguyên liệu thủy sản về chế biến với điều kiện hết sức dễ dàng thì rào cản của các cơ quan quản lý Việt Nam lại gây khó khăn đủ điều, đặt DN vào tình thế khó gỡ hơn”.
Q.Thuần - C.Khả - H.Hùng
Bình luận (0)