Đáp: Chấn thương cột sống do rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ngã cao hay mang vác nặng, từ đó có thể gây các tổn thương cột sống đơn thuần (không có tổn thương tủy) như xẹp thân đốt, vỡ thân đốt, rạn đốt sống, gãy vỡ cung sau, trật khớp cột sống hay tổn thương những thành phần lân cận như rách đứt dây chằng, vỡ, xẹp rách đĩa đệm...
Tùy theo mức độ tổn thương có thể để lại một số di chứng mà trong đó hay gặp nhất là đau lưng, đôi lúc có rối loạn cảm giác và tê bì 2 chi dưới. Việc điều trị cũng như tập luyện cần phải tuân thủ đúng cách cũng như phối hợp nhiều biện pháp như:
- Nằm nghỉ, có đệm, đầu hơi cao, chân hơi gấp, kê gối ở kheo chân.
- Chườm tại chỗ: chườm nóng, đặt parafin, siêu âm, xoa bóp hoặc kích thích điện.
- Tập luyện: việc tập luyện trong giai đoạn hồi phục hoặc giai đoạn mãn tính điều quan trọng là phải có một chương trình luyện tập làm giãn cơ lưng để đỡ các triệu chứng đau và phòng tái phát. Tập mỗi lần 10 phút, 3-4 lần/ngày trong một thời gian dài, tốt nhất nên bắt đầu từ từ rồi tăng dần ở một số tư thế như:
+ Nằm ngửa, chân duỗi, gập chân vào ngực rồi duỗi ra lần luợt từng chân, hay có thể tập như đi xe đạp nhưng ở tư thế nằm ngửa.
+ Ngồi trên ghế: hai gối gấp và dạng ra xa nhau, cúi gập người về phía trước theo hướpng đầu gần với khớp gối.
+ Tư thế nằm ngửa, gối thấp, đầu thân nâng khỏi sàn bằng cách nắm vào đùi, làm đi làm lại như vậy vài lần.
+ Tư thế giữ ghế hoặc tỳ vào bàn ngồi xổm (đầu gối gấp dưới 90 độ) rồi lại đứng dậy.
- Ngoài ra cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa thông thường như: tránh mang vác nặng, cúi liên tục, ngồi xổm hay vặn người.
- Giữ gìn cho cơ thể trong điều kiện tốt về thể lực và duy trì cơ bắp khỏe bằng tập luyện đều đặn như đi bộ, bơi tham gia các hoạt động thích hợp khác.
Cách tốt nhất trong trường hợp của bạn là nếu gần trung tâm vật lý trị liệu hay trung tâm phục hồi chức năng thì nên tới đó để căn cứ vào tình hình cụ thể các bác sĩ sẽ hướng dẫn và lên chương trình tập luyện phù hợp.
BS Bạch Long
Bình luận (0)