Những chiếc cầu “VK”
Nhằm thiết thực giúp đỡ đồng bào và chính quyền địa phương cải thiện việc đi lại của đồng bào vùng sâu vùng xa ở đồng bằng sông Cửu Long, một nhóm Việt kiều gồm 11 thành viên đang sống và làm việc ở Canada, Mỹ, Nhật, Pháp và Úc đã tự nguyện đóng góp và vận động bạn bè thế giới đóng góp xây dựng 10 cây cầu bê tông thay cầu khỉ trong vòng 3 năm (2004 - 2005 - 2006). Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà tài trợ, nhóm Việt kiều thiện nguyện đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Ngày 5/3/2006 vừa qua, họ đã khánh thành cây cầu bê tông mang tên VK 12 (có nghĩa là cây cầu thứ 12 do nhóm Việt kiều xây dựng và cũng có nghĩa là 12 cây cầu khỉ đã được xóa), nối liền hai ấp Thới Hòa B và Thới Lộc, xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.
Chỉ một hôm sau ngày khánh thành cầu Cờ Đỏ, đại diện nhóm VK là ông Nguyễn Văn Công - kỹ sư xây dựng ở Pháp và ông Trần Đình Khương - giáo sư tiến sĩ tại Đại học La Val - Canada đã lên đường đi khảo sát các địa điểm xây cầu tiếp theo ở An Giang và Trà Vinh. Hiện nay, nhóm VK đã chuẩn bị đủ kinh phí để xây đến cầu bê tông thứ 22 trong thời gian tới. Được biết, mỗi cây cầu bê tông VK có chiều rộng 1,5m đủ cho hai làn xe máy tránh nhau, trọng tải 1 tấn, kinh phí khoảng 30 triệu đồng và tuổi thọ khoảng 15 - 20 năm. Nhằm tiết kiệm thời gian thi công và kinh phí, nhóm VK tự nghiên cứu thực địa, thiết kế kỹ thuật và hợp tác trực tiếp với chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở địa phương để giải quyết các vấn đề khó khăn còn lại. Khi đến cũng như khi đi, ở đâu họ cũng được tiếp đón nồng nhiệt và chia tay với những tình cảm lưu luyến.
Về những nhà tài trợ
Cầu khỉ ở xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ trước khi được xây bê tông. Trong ảnh là GS-TS Trần Đình Khương (nón lá) và kỹ sư Nguyễn Văn Công (giữa) đang nghiên cứu thực địa để lên phương án thiết kế, thi công |
Trong lễ khánh thành cầu Cờ Đỏ ngày 5/3/2006, nhà tài trợ là bà Phạm Thị Sách, một thương gia ở Mỹ cũng phát biểu rất khiêm tốn: "Việt kiều về nước ngày càng đông, thường thì chỉ dành thời gian thăm viếng bà con, du lịch, tiêu tiền rồi đi. Chúng tôi cũng vậy, nhưng chúng tôi tiêu ít lại một chút để trước khi đi tặng bà con một công trình thiết thực, gọi là thể hiện chút tình cảm đối với quê hương, đồng bào".
Một số nhà tài trợ không muốn nêu tên, họ nhưng muốn ghi tên trường học cũ của mình ở Sài Gòn ngày trước. Vì vậy, sẽ có những cây cầu mang tên Gia Long, Marie Curie, Trưng Vương, Lasan Taberd... Đặc biệt trong danh sách các nhà tài trợ có không ít người nước ngoài ở trong tổ chức STM (Secours Tiers Monde: tổ chức giúp đỡ các người nghèo) như quý ông: Roger Boulé - kỹ sư ở Montréal, Marc Cayer - kỹ sư ở Québec Canada, quý bà: Ann Martell - kỹ sư, G.Gaurin ở Québec. GS Tiến sĩ Trần Đình Khương, đại diện của tổ chức STM cho biết phần lớn quý ông, quý bà nói trên chưa hề đến Việt Nam lần nào, nhưng khi hiểu được mục đích cuộc vận động thì sẵn sàng đóng góp. Nhờ đó, chỉ riêng tổ chức này đã tài trợ được 5 cây cầu.
Trong đoàn Việt kiều có chị Phạm Thị Kim Châu là nhà thơ. Cứ mỗi lần khánh thành một cây cầu, chị lại làm một bài thơ chúc mừng. Ý nghĩa nhất có lẽ là bài thơ đọc trong dịp khánh thành cây cầu VK 10 ở xã Thành An:
Thành An chốn cũ quê xưa
Xây cầu đúc thế cầu dừa năm nao
VK dù ở phương nào
Lòng luôn nhớ đến đồng bào quê hương.
Tấm lòng thiện nguyện của nhóm VK và những cây cầu của họ không chỉ nối liền đôi bờ thôn ấp mà hơn thế nữa, nối vòng tay nhân ái của Việt kiều và bạn bè trên thế giới với quê hương, đồng bào và Tổ quốc Việt Nam.
Danh sách nhóm "VK" 1. Nguyễn Văn Công - kỹ sư xây dựng, Pháp |
Hoàng Phủ Ngọc Phan
Bình luận (0)