Học sinh Nhật mê chơi, lười học

15/03/2006 22:57 GMT+7

Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy học sinh trung học Nhật có vẻ ít quan tâm tới các thành tựu trong việc học và quan hệ gia đình hơn so với những học sinh đồng trang lứa ở Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhưng lại vượt trội hẳn về sự say mê... truyện tranh và các trò giải trí.

Cuộc khảo sát được thực hiện bởi Viện nghiên cứu thanh niên Nhật trong bốn quốc gia trên cho thấy chỉ có 1/3 học sinh Nhật quan tâm đến việc cải thiện thứ hạng trong lớp, trong khi ở ba nước còn lại tỷ lệ này chiếm tới 3/4. Tỷ lệ này cũng đồng nghĩa sinh viên Nhật ít quan tâm tới việc tiếp tục học cao hơn, chỉ có 2,8% muốn lấy bằng tiến sĩ - một tỷ lệ quá thấp so với 15% ở Mỹ, 23% ở Trung Quốc và 9% ở Hàn Quốc. Đa số sinh viên Nhật ít suy nghĩ đến việc gì một cách có mục đích vì thế trong cuộc khảo sát họ đạt điểm thấp nhất trong 15 đề tài về sở thích như là nghề nghiệp tương lai, gia đình và các mối quan hệ trong cộng đồng. Mặt khác, hơn 60% sinh viên Nhật lại cực kỳ quan tâm đến truyện tranh, nhạc pop và kịch, một tỷ lệ tương đối cao so với 22% ở Mỹ, 35% ở Trung Quốc và 43% ở Hàn Quốc. Sinh viên Nhật còn tỏ ra ít quan tâm trong việc trở thành người xuất sắc trong mọi công việc, hoàn tất các công việc được giao cũng như ít quan tâm tới các cuộc tham gia hoạt động ngoại khóa và sinh viên Nhật hầu hết bị miễn cưỡng trong việc đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và việc nêu lên ý kiến riêng của mình. Cuộc khảo sát đã cho thấy chỉ có 40% sinh viên Nhật muốn học giỏi so với 67-83% học sinh các 3 nước còn lại, ít hơn 16% muốn trở thành nhà lãnh đạo so với 50% ở 3 nước còn lại.

Trung Quốc kêu gọi nông dân lướt web


Nông dân Trung Quốc.

Hội đồng cố vấn cấp cao Trung Quốc đã kêu gọi toàn quốc giúp đỡ nông dân biết cách thu thập tin tức từ internet để thu hẹp "khoảng cách thông tin" giữa nông thôn và thành thị. Tổ chức này cho biết các thế hệ "Hai Lúa" ở xứ này rất muốn tìm hiểu thông tin nhưng do điều kiện kinh tế, văn hóa không cho phép nên họ không có khả năng tìm các thông tin từ internet để có thể sản xuất ngày một tốt hơn cũng như làm cho cuộc sống của họ ngày càng khấm khá hơn. Ở Trung Quốc, trong 100 triệu người đăng ký sử dụng internet thì ở khu vực nông nghiệp, ngư nghiệp, nông lâm và chăn nuôi, số người đăng ký sử dụng chỉ chiếm có 2,2%. "Khoảng cách thông tin" giữa đô thị và nông thôn đã ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn.

Ấn Độ: Dạy học trên sông

Các nhà giáo dục ở Andra Pradesh đã nghĩ ra ý tưởng về trường học trên sông nước nhằm thu hút những đứa trẻ phải phụ giúp cho gia đình được đến trường học. Đây là vấn đề thường bắt gặp ở Ấn Độ tại các vùng nông thôn, trẻ em phải ở nhà để phụ giúp bố mẹ nên bố mẹ họ thường từ chối việc gửi chúng đến trường học. Do đó, một nhóm nhà giáo dục đã mạnh dạn đề ra việc phương pháp dạy học mới ở ngay nơi những đứa trẻ này sinh sống và cứ 9 giờ mỗi buổi sáng, họ lại cho một chiếc thuyền đến đón con của các ngư dân và dạy học chúng ngay trên thuyền. Một học sinh "bất đắc dĩ" tên là Sita cho biết em phải đi đánh bắt cá phụ giúp gia đình nhưng bây giờ em muốn đi học. Cộng đồng ngư dân ở đây tỏ ra miễn cưỡng khi đưa con em mình tới trường và chỉ muốn con em mình giúp mình công việc nhà thôi. Do đó, Chính quyền đã quyết định đưa trường học đến với mỗi nhà thông qua chương trình Sarva Shiksha Abhiyan. Chương trình này không phải là quá trình dạy học mà mục đích là để giúp tạo ra nhận thức và định hướng cho đám trẻ. Thời gian 10-15 ngày trên thuyền sẽ giúp cho trẻ em có những hoạt động giao hữu với nhau. Giám đốc dự án, ông DN Murthy cho biết sau 15 ngày đó, chính quyền sẽ nhận những đứa trẻ này vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Dự án này đã bắt đầu từ tháng 9.2004 và hiện nay đã có 250 trẻ em đến trường chính quy để học. Rõ ràng là việc dạy học trên sông nước đã cố gắng làm được nhiều điều hơn là chỉ lênh đênh trên con thuyền.


Học sinh Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Cha mẹ có khuynh hướng gửi con đi du học

Một xu hướng đang gia tăng trong nền giáo dục Hàn Quốc là việc tập trung vào học tiếng Anh - vốn được coi là "ngôn ngữ quý hiếm" ở xứ sở kim chi. Các bậc cha mẹ thường gửi con mình đi du học từ lúc còn khá nhỏ, khoảng 12 tuổi với hy vọng con mình sẽ có được nền giáo dục cao hơn và có một tương lai thành công hơn những gì mà chúng đã có. Tuy nhiên, ở độ tuổi này chúng thường bị những ảnh hưởng không tốt bởi thiếu người bầu bạn tâm sự về việc xa nhà và hòa nhập đôi khi thái quá với môi trường mới sống mới trên đất khách. Ông Yang-suk, chuyên viên về lứa tuổi thanh niên cho biết có ít hơn 5% trẻ em đi du học đạt được những thành công đáng chú ý.

 

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.