Chợ đen nội tạng: Một quả thận giá bao nhiêu?

18/03/2006 20:32 GMT+7

Mỗi năm ở Anh có 400 người chết khi đang chờ được hiến nội tạng. Ở Mỹ, cứ một ngày trôi qua là có 17 người qua đời vì suy tim, gan, thận... Còn tại Israel, thời gian đợi trung bình của một người để được ghép thận là 4 năm. Như một hệ quả khó tránh khỏi, thị trường nội tạng chợ đen được hình thành tự bao giờ, vươn vòi đến khắp các ngóc ngách trên thế giới này. Thời đại toàn cầu hóa, một người Brazil nghèo khổ có thể dễ dàng bán quả thận của mình cho một cư dân Israel ốm yếu nhưng giàu có. Nơi ca cấy ghép được tiến hành lại là Nam Phi.

Người cần tiền

Buổi chiều thật u ám. H.da Silva ngồi lặng lẽ trong quán cà phê đối diện ngôi nhà dột nát của mẹ mà anh cùng vợ và 3 đứa con đang ở nhờ. Nhắm mắt lại, anh vẫn thấy rõ cái trần nhà đầy những vết loang lổ mà ngày mưa thì nước tuôn vào xối xả còn ngày nắng thì vợ con anh phải đội nón. Dưới đất, chuột và gián bò lúc nhúc. Không nghề ngỗng, không một xu dính túi và một tiền án đang đeo bám, da Silva thấy tương lai mình còn u ám hơn cả cảnh chiều. Bỗng anh nghe có tiếng ai đó nói bên tai: "Tôi sẽ trả cho anh 6.000 USD nếu...". Đó là một người đàn ông hói đầu mà da Silva chưa từng gặp. Ông ta không hề bắt anh phải đi ăn cướp hay hại bất kỳ ai mà chỉ muốn một thứ mà da Silva chưa từng bao giờ nghĩ tới: một quả thận. 6.000 USD và một quả thận! Cả 2 thứ đó đều làm da Silva choáng ngợp.

Người đàn ông đầu hói nói với da Silva rằng cắt đi một trái thận, anh ta vẫn sống bình thường, không bị bất kỳ một ảnh hưởng nào. Không đợi giải thích thêm, anh ta vội vã gật đầu, như thể sợ 6.000 USD sẽ bốc hơi biến đi đâu mất. Da Silva bước về nhà mà chân này cứ vấp lập cập vào chân kia. Cái đầu anh ta còn đang bay bổng với giấc mơ sửa cái mái nhà dột nát và tậu một chiếc mô tô thì tâm trí đâu mà điều khiển cái chân đi cho đàng hoàng! Chuyện xảy ra ở Recife, Brazil.

Kẻ cần sống

Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Ảnh: Brookshospital

Cách da Silva 8.000 km, ở bên kia bờ đại dương, Arie Pach, một luật sư người Israel chưa có ngày nào sống vui vẻ kể từ khi biết về bệnh tình của mình. Bác sĩ đã thông báo chức năng thận của ông bắt đầu suy giảm. Mấy tháng sau, ông được phẫu thuật để chuẩn bị chạy thận nhân tạo, một viễn cảnh u ám mà ông không thể chấp nhận. Cứ mỗi lần đến khám định kỳ ở bệnh viện, ông lại phải đi qua khoa chạy thận nhân tạo, nơi những con người xanh xao hốc hác dán chặt tấm thân mỏng dính vào những chiếc ghế móc với chiếc máy đang chạy vù vù. Chiếc máy đang làm việc thay cho những quả thận vô dụng trong cơ thể họ: lọc máu. Một khi bệnh nhân đã bị suy thận mà không tìm được nguồn hiến thích hợp, chạy thận nhân tạo là biện pháp bắt buộc để duy trì cuộc sống. Mỗi người thường phải chạy 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3 giờ đồng hồ. Phần lớn trong số các bệnh nhân kia phải gắn chặt đời mình với quy trình chạy thận nhân tạo cho đến ngày chết, tất nhiên là với điều kiện họ có đủ tiền để trang trải chi phí. Ở Israel, một năm chạy thận nhân tạo sẽ ngốn hết từ 45.000 đến 50.000 USD. Còn theo thống kê của Mỹ, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân chạy thận là sống được trên 10 năm.

"Tôi không muốn như những bệnh nhân kia, nằm tuyệt vọng với những cây kim to tướng đâm vào tay để dẫn máu chạy qua chiếc máy rồi vào lại cơ thể như một chiếc xe đang thay dầu", Pach tự nhủ với chính bản thân mình. Ông có quá nhiều lý do để mà phải sống: phải dẫn vợ đi du lịch nước ngoài như đã hứa, phải gả vợ cho thằng con trai, phải nhìn thấy những đứa cháu ra đời... Nhưng quả thận đang yếu dần trong cơ thể sẽ không chờ ông. Bác sĩ đã cảnh báo rằng máu của ông sẽ sớm bị nhiễm độc và ông chỉ có 2 lựa chọn: chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Nếu được cấy ghép, ông sẽ có cơ hội sống lâu hơn, độc lập hơn và khỏe mạnh hơn. Nhưng ở Israel, để tìm được người cho, mỗi bệnh nhân phải chờ trung bình 4 năm. 2 quả thận đang suy yếu trong cơ thể ông không thể chờ lâu đến thế.

Cung cầu gặp nhau

Các bác sĩ đang ghép thận cho bệnh nhân

Da Silva và Pach chỉ là 2 trong hằng hà sa số người trên khắp hành tinh này muốn bán một phần cơ thể để thoát nghèo hoặc muốn mua nội tạng để thoát chết. Những người này đã gặp nhau, gặp một cách lén lút vì ở hầu hết các nơi trên thế giới, mua bán các bộ phận cơ thể là điều phi pháp. Nhưng họ sẽ không thể gặp nhau nếu không có trung gian. Thế là "ngành kinh doanh" nội tạng ra đời như một xu thế tất yếu với doanh thu cao ngất ngưởng và không ai có thể thống kê hết được. Người được lợi nhất trong những phi vụ này là những kẻ trung gian, kế đó là các bác sĩ bán mình cho những đường dây tội phạm.
Trong trường hợp của da Silva và Pach kể trên, cả 2 đều đã đưa chân đến Nam Phi, đất nước có nhiều bệnh viện danh tiếng với tỷ lệ cấy ghép thành công thuộc loại cao nhất thế giới và luật pháp lỏng lẻo về việc mua bán nội tạng. Trong lúc chờ cắt thận, da Silva gặp khoảng 300 người Brazil và Israel khác qua đây với cùng mục đích như anh. Tất cả đều là những người nghèo muốn đổi đời. Người mà da Silva "hiến" thận là một công dân Israel tên A.Aharoni. Ông này cảm động đến rơi nước mắt gọi da Silva là "vị ân nhân cứu mạng", còn da Silva thì mỉm cười sung sướng với 6.000 USD trong mơ mà cuối cùng anh ta đã chạm tay tới. Cả hai đều hài lòng với vụ mua bán mà những người ngoài cuộc gọi là vô đạo đức này. Riêng ông luật sư Pach kể trên cũng đã trở về Israel trong tâm trạng tràn trề hy vọng sẽ được nhìn thấy những đứa cháu ra đời. Trong bụng ông đã có một quả thận mới.

Kẻ sống trên những quả thận

Da Silva đã bán một phần cơ thể để chạm tay tới giấc mơ 6.000 USD. Còn ông Pach đã mua một quả thận tương tự với... 100.000 USD. Chỉ có một số ít tiền chênh lệch dành cho chi phí đi lại, ăn ở của người mua và kẻ bán. Phần lớn nằm gọn trong những chiếc túi căng phồng của bên trung gian cũng như các bác sĩ. Hồi năm 2003, điều tra của cảnh sát Nam Phi cho thấy những người bán thận, đến từ nhiều nước khác nhau như Brazil, Israel, Nga, Romania... thường chỉ được trả từ 6.000 đến 18.000 USD trong khi một số bác sĩ kiếm đến 450.000 USD sau những ca cấy ghép phi pháp. Một thống kê khác thì cho thấy trước khi cuộc chiến Iraq nổ ra, đất nước vùng Vịnh này chính là một trạm trung chuyển nội tạng khổng lồ đến các quốc gia Ả Rập giàu có lân cận. Nguồn cung là những người Palestine nghèo khó bôn ba qua Iraq để bán một phần cơ thể. Còn ở những khu ổ chuột tại Philippines, nơi giác mạc, gan, phổi cũng được "chào hàng" thường xuyên, một quả thận thường mang về cho chủ nhân của nó 2.000 USD. Ở Israel, một người bán thận có thể kiếm 20.000 USD trong khi con số này ở Mỹ có thể dao động từ 30.000 đến 50.000 USD. Chỉ có một điều chắc chắn: chênh lệch giữa giá mua và bán là một khoảng cách rất xa.

Hợp pháp hóa mua bán nội tạng?

Nội tạng được trữ trong thùng

Trong khi mua bán nội tạng được xem là phi pháp, là điều suy đồi đạo đức, là không thể chấp nhận được... trên khắp thế giới này, nhu cầu về nó là điều có thật ở bất kỳ nơi đâu. Bao nhiêu câu hỏi đang xoay quanh vấn đề này. Ai là chủ sở hữu cơ thể mình? Liệu có nên chấp nhận việc bán nội tạng khi nó có thể cứu tính mạng của một người khác? Vai trò của chính phủ ra sao trong việc bảo vệ người nghèo cần bán nội tạng và người mua cần được sống? Rõ ràng là khi việc mua bán các phần cơ thể không được chấp nhận như hiện nay, kẻ được hưởng lợi nhiều nhất là người trung gian buôn bán nội tạng lậu; người dễ bị hại nhất là người bán (bị "ép giá", tính mạng bị đe dọa bởi khi đang hôn mê trên bàn mổ để lấy thận, biết đâu họ bị cắt luôn phổi hay giác mạc?); người chịu thiệt nhất là người mua (vì mức giá trên trời cũng như bị đe dọa tới tính mạng bởi những quy trình cấy ghép không chính quy).

Ở Mỹ, 2 bác sĩ có nhiều ảnh hưởng hôm 15/3 qua đã viết trên Tạp chí Thận quốc tế và kêu gọi hợp pháp hóa việc mua bán nội tạng. Tuy nhiên, tiếng nói chống đối đang rất lớn. "Mạng sống con người ta đã rẻ rúng lắm rồi. Người ta đang giết nhau chỉ vì một miếng ăn hay mấy đồng bạc lẻ. Nếu bạn bắt đầu công khai cho người ta bán thận lấy tiền, sẽ có nhiều thi thể không còn bất kỳ một cơ quan nội tạng nào bị vất khắp các xó xỉnh", J.Wesssels - một nhà điều tra Nam Phi phẫn nộ phát biểu.

Kiều Oanh
(CSM, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.