Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam: Tha hồ mặc cả!

18/03/2006 17:15 GMT+7

Ngày 25/2/2006, chúng tôi đã có bài viết về việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (TTBVQTG) có hay không chuyện khuất tất trong việc thu chi tiền tác quyền. Ngay sau khi bài báo được đăng, nhiều thông tin của các đoàn ca nhạc, nhạc sĩ trong cả nước tiếp tục phản ánh chuyện TTBVQTG vẫn tiếp tục thu tùy tiện tiền tác quyền, nhưng chi thì...?

Mặc cả với TTBVQTG

Ông L.T.S. - Phó đoàn ngoại vụ Đoàn ca nhạc Ngôi sao của Sở VHTT tỉnh Tây Ninh - thắc mắc vì hợp đồng sử dụng tác phẩm thông qua TTBVQTG được ký kết với các mức giá rất tùy tiện. Đơn cử: chương trình biểu diễn tại Bình Phước trong ba đêm 19, 20, 21/2/2006, TTBVQTG đã "ra giá" 2.000.000đ/đêm diễn cho 6 tác phẩm. Chi phí đó vẫn còn "ngất ngưởng" nên ông S. kiên trì mặc cả. Và cuối cùng thì TTBVQTG chỉ thu 600.000đ/đêm diễn nhân với ba đêm là 1.800.000đ (HĐ số 22/HĐ-BD ký ngày 16/2/2006). Đến ngày 1/3/2006, hợp đồng số 31/HĐ-BD giữa đoàn Ngôi Sao và TTBVQTG lại thỏa thuận mức giá 1.800.000đ cho ba đêm diễn 5, 6 và 7/3/2006 tại Bình Thuận với 7 tiết mục! Điều lạ lùng là TTBVQTG không hề có qui định cụ thể tiền tác quyền cho ca khúc sử dụng trong chương trình. Lúc thì thu 100.000đ/bài. Lúc khác lại thu dưới số đó.

Một trường hợp khác. Ông N.H. - Phụ trách ngoại vụ đoàn ca nhạc Hoàng Dương Anh - cũng xác nhận: "Tôi cũng từng trả giá với TTBVQTG sau khi họ đòi đến 2.000.000đ/đêm. Cuối cùng họ chấp nhận giá 1.500.000đ/đêm cho chương trình gồm 20 tiết mục. Sau này, tôi năn nỉ quá họ bớt còn 700.000đ đến 800.000đ/đêm diễn cho 16 đến 20 tác phẩm". Thử làm phép so sánh, như vậy đoàn Hoàng Dương Anh được TTBVQTG "ưu ái" khi chấp nhận 800.000đ/đêm cho 16 tiết mục trong khi đoàn Ngôi Sao phải đóng 700.000đ/đêm cho 7 tiết mục!

Bầu T.Thasô cũng nhìn nhận rằng nhiều trường hợp ca sĩ Đan Trường biểu diễn những bài hát đã được mua độc quyền nhưng vẫn phải trả tiền tác quyền thông qua hợp đồng với TTBVQTG thì mới có giấy phép tổ chức chương trình. Sau đó ông đã gửi công văn đến TTBVQTG phía Nam khiếu nại chuyện này thì thỉnh thoảng được trung tâm mời đến để trả lại 100.000-200.000đ. Riêng anh D. - người có thâm niên trong ngành tổ chức biểu diễn - thì cho biết là anh phải trả từ 150.000 đến 200.000đ/ca khúc tiền tác quyền. Thật là một cách thu rất tùy tiện của TTBVQTG.

Và nhạc sĩ ở các tỉnh nói gì?

Hầu hết những nhạc sĩ ở các tỉnh chúng tôi gặp đều khẳng định là họ chưa nhận được bất cứ đồng nào từ TTBVQTG hoặc nếu có thì chỉ "thi thoảng". Và điều quan trọng là TTBVQTG đưa bao nhiêu họ lĩnh bấy nhiêu!

Nhạc sĩ Việt Đức, Trưởng Khoa m nhạc Trường ĐHNT Huế, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ VN tại Thừa Thiên - Huế: "Tuy ở Huế đời sống âm nhạc không được sôi động như TP.HCM và Hà Nội, nhưng chúng tôi cũng có khoảng 30 nhạc sĩ là hội viên của Hội Nhạc sĩ VN. Trong những năm vừa qua, TTBVQTG đã yêu cầu chúng tôi gửi tác phẩm, đăng ký bản quyền và đã có một số nhạc sĩ như Khắc Yên, Dương Bích Hà, Vĩnh Phúc... nhận được các khoản tiền thù lao cho tác phẩm của mình từ TTBVQTG chi trả. Nhưng số tiền này quá ít so với trước đây các đơn vị sử dụng trực tiếp chi trả. Việc chi trả của trung tâm được thực hiện như thế nào thì chúng tôi hoàn toàn không được biết. Điều này khiến nhiều nhạc sĩ đã có cảm giác như quyền lợi hợp pháp của mình đang bị bóc lột. Đấy là điều mà anh em ở Huế cũng đang rất bức xúc".

Nhạc sĩ Lê Phùng, Giám đốc Nhà văn hóa TP Huế, Chi hội phó Chi hội NSVN tại Thừa Thiên - Huế: "Sau khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) thành lập TTBVQTG, tôi nhận thấy đây là một việc làm quá hay, đáp ứng lòng mong mỏi của hầu hết anh em nhạc sĩ, nên ở  Huế ai có tác phẩm cũng đều đăng ký và sau đó TTBVQTG có gửi cho chúng tôi một bản hợp đồng khống chỉ và chúng tôi đã ký kết. Thực ra mà nói, lúc ấy không ai nghĩ đến chuyện tính phần trăm bao nhiêu gì cả, vì ai làm sáng tác cũng muốn đứa con tinh thần của mình được đến với công chúng. Sau đó, thi thoảng hai ba quý (bản thân tôi có hai lần) chúng tôi có nhận được giấy mời lĩnh tiền ở bưu điện, và mỗi lần nhận như vậy khoảng hơn bốn mươi ngàn đồng! Có khi tôi nhận và có khi tôi cũng không muốn nhận vì thấy nó quá buồn cười, không ra làm sao cả. Vả lại khi nhận số tiền này, chúng tôi cũng chỉ nhận, chứ không biết là tác phẩm của mình được ai sử dụng, được phát ở đâu và phát khi nào. Trước đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đều trả tác quyền khi đài phát sóng tác phẩm của tôi. Các trung tâm sản xuất băng đĩa đều trả tác quyền khoảng 1.000.000 đồng/bài. Từ khi có TTBVQTG, thì ở Huế không ai nhận được khoản tiền này nữa. Điều này quá vô lý, chúng tôi mong TTBVQTG phải làm đúng chức năng của mình, đó là bảo vệ cho lợi ích chính đáng và hợp pháp của người sáng tác".

Nhạc sĩ Vũ Trung - Trung tá, Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Bình Định, nguyên Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ VN khóa 6: "Là nhạc sĩ trong ngành Công an Nhân dân, tôi luôn tâm niệm rằng, ca khúc mà mình sáng tác cũng là để phục vụ nhân dân. Mặc dù không quan tâm đến chuyện tiền nong, nhưng tôi thật sự bất bình trước những việc làm khuất tất của TTBVQTG mà báo Thanh Niên đã đề cập. Là hội viên Hội Nhạc sĩ VN nhưng từ trước đến nay tôi chưa hề đăng ký bản quyền, cũng không ủy quyền cho ai thu hộ tiền tác quyền của mình. Còn nhớ hồi TTBVQTG chưa ra đời, mỗi khi tác phẩm của mình được phát sóng trên Truyền hình VN, nhà Đài đều gửi nhuận bút cho tôi. Nhưng từ khi có TTBVQTG, có ít nhất 5 ca khúc của tôi được phát trên các chương trình của VTV đã không được trả nhuận bút. Đọc báo Thanh Niên tôi mới biết TTBVQTG còn giữ đến 1,3 tỉ đồng tiền tác quyền của các nhạc sĩ trong nước nhưng chi trả không minh bạch. Nếu thực tế đúng như vậy thì quá... bôi bác, gây ảnh hưởng xấu đến tâm hồn và làm tầm thường hóa người nhạc sĩ. Tôi phản ứng cách làm này".

NS Thái Nghĩa - Chủ tịch Hội m nhạc TP Đà Nẵng: "Thời gian qua, nhiều bầu sô, bầu băng đĩa, các chủ bar ca nhạc, nhà hàng karaoke... đều vịn vào cớ này hoặc cớ khác để công khai, hoặc "lơ lơ, lửng lửng" gian lận tiền tác phẩm của các tác giả. Họ tự cho phép mình có quyền trưng dụng tác phẩm, và chiêu bài của họ là luôn miệng than van lỗ lã, để rồi họ mang các nhạc sĩ ra nhằm "bù lỗ" cho chính cuộc sống của họ. Thật đáng tiếc khi TTBVQTG - một cơ quan mà tôi hết sức ủng hộ - chưa thực thi đầy đủ và đúng đắn chức năng bảo vệ quyền cho giới nhạc sĩ  để chấn chỉnh tình trạng tệ hại trên".

NS Nguyễn Đức: "Việc ra đời của TTBVQTG để bảo vệ quyền tác giả là cần thiết. Đã có nhiều hãng băng đĩa và nhà xuất bản tự thấy phải thay đổi hành vi. Tuy nhiên, TTBVQTG hầu như chưa làm gì để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài ra còn có biểu hiện xoa dịu tình hình bằng cách trao cho mỗi tác giả vài ba trăm ngàn đồng, thậm chí chỉ vài chục ngàn đồng và chỉ một lần rồi thôi. Như nhạc sĩ Quang Trung, chưa ủy quyền, vừa được nhận khoảng 40.000đ. Ngược lại, như tôi, đã đăng ký ủy quyền nhưng 2 năm rồi vẫn chưa nhận được gì! Chúng tôi nghĩ TTBVQTG cần nhanh chóng hội đủ các yếu tố pháp lý trong hoạt động để hoàn thiện mình!".

Đặng Ngọc Khoa, Ngọc Toàn, Bùi Ngọc Long, Đỗ Tuấn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.