Theo Quyết định của Thủ tướng, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ hoàn tất việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước (nhà 61) đến hết ngày 31/12. Hà Nội và TP.HCM cũng đã công khai thông báo đến các hộ dân thuộc diện nhà ở tập thể để làm hồ sơ hóa giá nếu có nhu cầu. Đây là lý do số đơn nộp về Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất Hà Nội và UBND các cấp tại TP.HCM tăng mạnh, song việc giải quyết chẳng được bao nhiêu.
Khó khăn lớn nhất là giá nhà quá cao. Hiện các địa phương được phép áp giá theo các quy định trước ngày 1/1/2005. Tuy nhiên, trước thời điểm này, Hà Nội lại tồn tại hai mức khác nhau, một mức có trước 1/7/2004 (trước khi Luật Đất đai có hiệu lực) và một mức áp dụng từ 1/7/2004 đến 31/12/2004. Mức sau cao gần gấp đôi mức trước lại được UBND TP Hà Nội áp dụng.
Ông Nguyễn Thành Hậu, cán bộ nghỉ hưu ở khu Ngọc Khánh, than thở: “Đầu tiên cứ nghĩ căn hộ tập thể giá 200 triệu đồng cũng cố được để hóa giá cho xong nhưng nay nộp hồ sơ lên cán bộ nhà đất tính toán tới gần 400 triệu đồng. Số tiền dành dụm cả đời hai vợ chồng cộng với cả đi vay mượn cũng không đủ". Nỗi lo nhất của ông là năm nay không hóa giá được thì cả đời sẽ không có nhà, mà có khi còn không được thuê nữa.
Ông Nguyễn Đăng Bình, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất Hà Nội, cho hay, đầu năm 2006 thành phố áp dụng khung giá đất mới năm 2005 theo Luật Đất đai nên giá bán rất cao khiến người dân kêu bất hợp lý. Sau đó UBND thành phố đã đề nghị Chính phủ cho áp dụng khung giá đất 6 tháng cuối năm 2004, thấp hơn khá nhiều. Theo ông Bình, áp như vậy là hợp lý với thị trường và thực tế hiện số đơn xin hóa giá nhà tăng rất mạnh.
Hội đồng bán nhà TP.HCM cũng đang sử dụng mức giá bán theo Quyết định 05 của Chính phủ để áp cho các trường hợp muốn mua nhà sở hữu Nhà nước. Theo đó, mức giá này còn thấp nhiều lần so với khung giá đất năm 2006 nhưng vẫn cao hơn 3 năm trước đến 4-5 lần. Mới đây, để thoáng hơn trong đối tượng được phép mua nhà Nhà nước, UBND thành phố cho phép người thuộc diện KT3 cũng có thể đứng tên nhà. Song trên thực tế, quy định này chưa được thực hiện ở tất cả các quận, huyện.
Thủ tục vòng vèo
Nguyên nhân chính gây ra chậm trễ trong quá trình hóa giá nhà, theo Sở Tài nguyên môi trường nhà đất Hà Nội, là do có sự thay đổi về quy trình bán nhà. Trước đây, Cục thuế cử chuyên viên tham gia duyệt bảng tính giá cho từng hộ, nhưng nay theo quy định mới của UBND thành phố thì việc này chỉ do Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất chịu trách nhiệm. Rắc rối ở chỗ, tiền thuế mua nhà sau đó lại phải gửi qua ngành thuế để rà soát lại và ra thông báo thu lệ phí trước bạ. Đã thế, việc nộp thuế trước được thực hiện ở một nơi, nay phân chia ra 14 quận, huyện. Người dân không phải đi xa nhưng cán bộ nhà đất lại phải phân công nhau đến các điểm, thời gian hoàn thiện hồ sơ do đó càng lâu hơn.
TP.HCM cũng có những quy định tương tự, phức tạp hơn theo như Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng mô tả thì do đất đai có lịch sử lâu đời, nhiều nhà thuộc diện vắng chủ, cải tạo, công tư hợp doanh... nhiều trường hợp Nhà nước đưa vào quỹ nhà cho thuê, nay gia chủ khiếu nại đòi lại gây ra kiện tụng. Các trường hợp lấn chiếm cơi nới trái phép nay đã ở ổn định thì lại ngại cung cấp giấy tờ gốc...
Ngày 21/3, ông Nguyễn Đình An, ngụ ở quận Bình Thạnh, lại mang hồ sơ đến UBND phường 25 để đăng ký hóa giá nhà và đất rộng gần 200m2. Đây là lần thứ 6 trong vòng 1 năm rưỡi, ông mang hồ sơ nhà từ phường đến quận để xin hợp thức hóa. Trước đó, nhà của ông nằm trong khuôn viên đất thuộc hợp tác xã. Hợp tác xã giải thể, đất vốn có nguồn gốc tư nhân nhưng vì thuộc hợp tác xã nên quy thành đất công. Sau khi giải thể hợp tác xã, ông An đã nhiều lần làm thủ tục để tách, hợp thức hóa thành đất tư như trước. Gửi hồ sơ ở UBND quận Bình Thạnh, đến nay, mọi giấy tờ phải bổ sung theo yêu cầu của cán bộ tiếp nhận, hầu như đã được ông hoàn tất nhưng giấy chứng nhận vẫn biệt tăm. 4 hộ láng giềng cũng giống như trường hợp của ông An.
"Lần này tôi nhận được thông báo UBND phường sẽ nhận hồ sơ hợp thức hóa đại trà nên tiếp tục nộp cho được", ông An nói. Tuy nhiên, ông cũng thắc mắc tại sao phiếu đo đạc 1 năm trước được tính với giá 1 triệu đồng, thì lần nộp hồ sơ này lại đòi chi phí đo đạc 3 triệu đồng, với cùng diện tích nhà đất ở.
Tư vấn cho ông An, ông Hạnh, cán bộ nhà đất phường 25, cho biết, chi phí đo đạc hiện được tính 6.000 đồng/m2 nên ông An căn cứ vào diện tích mình sử dụng mà tính. Đồng thời ông Hạnh mách nhỏ: "Nên lên quận hỏi kỹ một lần nữa xem trường hợp của ông có được cấp giấy chứng nhận hay không, chứ đo đạc rất tốn kém nhưng vẫn không cấp sổ được như trước đây nữa thì phí tiền".
Gia đình chị Thủy ở chung cư 60 Nguyễn Trãi, quận 1, lại đang ôm nỗi lo trắng tay khác. Căn hộ đang ở được chị sang tay lại từ năm 2000, đến đời của chị là chủ thứ 4 của căn hộ. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ thuê nhà Nhà nước vẫn đứng tên người chủ đầu tiên trong khi người đó đã dọn nhà đi đâu không ai biết địa chỉ.
Không nắm hồ sơ gốc trong tay, cũng không tìm được chủ đứng tên hợp đồng, cuối tuần trước, chị Thủy đã phải nhờ UBND quận 1 tư vấn xem có cách giải quyết nào linh hoạt hơn. Theo giải thích của cán bộ tiếp nhận tại đây, nếu có đầy đủ hồ sơ thủ tục và trực tiếp là người đứng tên thuê nhà Nhà nước thì chỉ cần mua hồ sơ hóa giá cũng như nộp tại Công ty quản lý nhà của quận. Trường hợp hợp đồng thuê nhà phải sang tên, chị phải tìm cho được người đang đứng tên hợp đồng để cùng nhau lên quận làm thủ tục.
Trả lời câu hỏi của chị Thủy về việc có thể không tìm được người chủ đầu tiên, cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở UBND quận 1 cho biết, chị có thể làm hồ sơ hợp thức hóa nhưng với điều kiện có đầy đủ hồ sơ nguồn gốc sử dụng nhà từ trước đến nay. Còn lại thì... thua. Và chị Thủy bó tay thật vì không tìm được người chủ đứng tên thuê nhà, mà hồ sơ nguồn gốc sử dụng cũng không có gì, trừ bản copy hộ khẩu của họ ở nhà chị bây giờ.
Cuống lên vì sắp hết hạn
Quy trình bán nhà kéo dài tới 52 ngày, nên Sở Tài nguyên Môi trường nhà đất Hà Nội dự kiến chỉ tổ chức nhận hồ sơ mua nhà đến ngày 15/10. Nhiều UBND phường tại TP.HCM cũng gút thời hạn chót nộp hồ sơ vào cuối tháng 3, khiến nhiều người cuống lên vì không kịp bổ túc giấy tờ. "Nếu các thành phố lớn này không có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hóa giá nhà và áp dụng thủ tục một cách linh hoạt hơn, chắc chắn sẽ có nhiều hộ không còn cơ hội để mua nhà của mình nữa", bà Trần Kim Giao, ở chung cư Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1, lo lắng nói.
Theo Phan Anh, Việt Phong/vnexpress
Bình luận (0)