Tôn vinh một bản sắc Tây Nguyên

27/03/2006 22:43 GMT+7

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại - một kiệt tác phi vật thể thứ hai của Việt Nam được công nhận sau Nhã nhạc cung đình Huế.

Trong hai ngày 28 - 29/3, tại TP Pleiku (Gia Lai), lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được tổ chức với quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay để đón nhận niềm vinh dự lớn lao này. Một bản sắc văn hóa ngàn đời của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đang được cả thế giới tôn vinh...

Những ngày này, cả Tây Nguyên đang bừng lên trong không gian lễ hội. Niềm hân hoan, tự hào hiện rõ trên từng khuôn mặt của các chủ nhân di sản văn hóa độc đáo này. Gần 2.000 nghệ nhân khắp các buôn làng Tây Nguyên đã hội tụ về phố núi Pleiku (Gia Lai) từ những ngày qua. Tại đêm lễ hội đón nhận bằng công nhận của UNESCO sẽ đồng loạt xuất hiện 11 đội cồng chiêng xuất sắc nhất của 11 dân tộc anh em: Ba na, Ja rai, Brâu, Giẻ Triêng, Chu ru, K'ho, Ê đê, Mạ, M'nông, Rơ măm và Xơ đăng cùng tấu lên những âm vang cồng chiêng vừa trữ tình sâu lắng vừa hùng tráng của dân tộc mình.

Từ sáng sớm, già K'Bền - dân tộc Mạ, ở làng B'đăng, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), dù đã qua 70 mùa rẫy vẫn hăng hái cùng với các thành viên trong đội cồng chiêng của làng có mặt tại sân vận động Pleiku để hoàn thiện những thao tác trình diễn cuối cùng trong ngày hội tôn vinh bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Khi được hỏi về cảm xúc của mình trước sự kiện hết sức ý nghĩa này, bằng giọng nói tiếng Kinh rành rọt, già K'Bền vui vẻ cho biết: "Cái bụng của già mừng lắm ! Cả người lúc nào cũng trào lên niềm vui sướng. Không biết đã bao lần, làng B'đăng sum vầy trong không khí lễ hội, nhưng chưa bao giờ tiếng cồng chiêng của làng được "trình làng" một cách trang trọng và quy mô như thế này cùng các dân tộc anh em". "Già nghe cán bộ bảo, cồng chiêng của làng bây giờ là một di sản quý, không chỉ của riêng làng B'đăng mà là của chung cả nhân loại rồi. Già sẽ căn dặn lũ nhỏ trong làng ghi nhớ điều này để tất cả cùng giữ gìn và phát huy nó cho đẹp, cho hay hơn", già K'Bền tiếp lời. Ông Vũ Ngọc Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai khẳng định: "Đến nay, cồng chiêng vẫn là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng không thể thiếu đối với các dân tộc Ba na, Ja rai... trên địa bàn Gia Lai cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên. Cồng chiêng là hơi thở, là tiếng nói văn hóa của đồng bào. Không riêng bản thân tôi, mọi người đều vui mừng khôn xiết khi UNESCO tuyên phong di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Chúng ta đang đứng trước một vinh dự lớn lao nhưng cũng đầy thách thức và tinh thần trách nhiệm. Đó là làm sao để di sản văn hóa độc đáo này được lưu truyền, phát huy ngày một tốt hơn và sức lan tỏa của nó cũng ngày một mãnh liệt hơn".

...Đêm nay 28/3, cả cộng đồng Tây Nguyên cùng hân hoan sống trong không khí tưng bừng của lễ hội đậm đà bản sắc, thắm tình hòa hợp anh em. Họ sẽ cùng tấu lên những âm vang cồng chiêng đã kết tinh từ hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ tạo dựng và giữ gìn. Vẻ đẹp từ những nếp nhà sàn đơn sơ, từ những buôn làng yên bình giữa đại ngàn Tây Nguyên huyền thoại, từ những tâm hồn khoáng đạt nơi miền sơn cước..., tất cả sẽ hội tụ và thăng hoa trong ngày hội tôn vinh một bản sắc văn hóa không thể nhạt nhòa.

Hành trình Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tuyên phong là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại:

- Tháng 4/2004, hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chính thức được xác lập.
- Tháng 9/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin trình tập hồ sơ (nặng 6 kg, gồm: báo cáo khoa học đánh giá di sản theo 6 tiêu chuẩn của Unesco, chương trình hành động phục hồi, bảo tồn và phát huy di sản dày 82 trang và một số tài liệu liên quan).
- Từ ngày 21 - 24/11/2005, Hội đồng giám khảo gồm 16 thành viên do Công chúa Jordanie Basma Bint Talal làm chủ tịch nhóm họp để tuyên phong Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
- Ngày 25/11/2005, tại thủ đô Paris (Pháp), ngài Koichiro Matsuura - Tổng giám đốc Unesco chính thức trao bằng công nhận cho đại diện Việt Nam.

* Từ năm 2001 đến nay, có tổng cộng 90 "kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại" ở các quốc gia trên thế giới được Unesco công nhận, trong đó Việt Nam có 2 kiệt tác: Nhã nhạc cung đình Huế và Cồng chiêng Tây Nguyên.

Đình Phú - Trần Công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.