Khi người ta tự mình bôi tro trát trấu!
Đã có chủ đích từ trước, lần này “xuống đường”, tôi tập trung sự chú ý đến những toán thanh niên trang phục rộng thùng thình, áo có nón được trùm kín đầu, một số còn dùng khăn choàng cổ bịt kín mặt, nhìn từ xa, cứ tưởng... ninja xuất hiện ngay giữa “kinh đô ánh sáng” ! Họ đi bên lề đoàn biểu tình, sẵn sàng dừng lại gây gổ với bất kỳ ai lỡ va quệt và khi có thời cơ, họ tiện tay “cầm nhầm” điện thoại di động, máy ảnh của những biểu tình viên chẳng may lạc đoàn. Nhìn họ, những thanh niên con em người nhập cư sống tại vùng ngoại ô Paris, phô trương một cách lố bịch sức mạnh cơ bắp với kẻ cô thế nhưng lại co chân chạy, mặt mũi bịt kín theo kiểu dám làm nhưng còn lâu mới dám nhận, khi đối đầu với cảnh sát, tôi thấy tiếc lắm. Tiếc cho những người bạn gốc châu Phi, Ả Rập mà chúng tôi luôn có ấn tượng tốt đẹp: cô bạn huyền đai judo, từng tham dự giải vô địch quốc gia Pháp, sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ hóa học trong tháng này, anh bạn học năm thứ nhất Master tin học với nụ cười hiền lành luôn nở trên môi... Và còn nhiều lắm, những nỗ lực vượt lên thành kiến, mà tiêu biểu là các vị “anh hùng” từng đưa bóng đá Pháp lên tột đỉnh vinh quang năm 1998, trong số họ, đa phần đều có nguồn cội từ những miền đất xa xôi: Zidane, Thuram, Desailly, Henri... Những kẻ tham gia bạo động có từng nghĩ rằng, khi họ đập phá, không chỉ nhà cửa, xe cộ bị đổ vỡ, mà cả lòng tin và những cái nhìn thiện cảm của mọi người đối với dân nhập cư gốc Phi cũng phần nào sứt mẻ? Vòng lẩn quẩn “phân biệt chủng tộc - tệ nạn xã hội”, như thể “quả trứng và con gà”, đầy rối rắm, phức tạp, khó có thể xác định cho cùng giữa hai bên, bên nào mới là nguồn cơn đích thực...
“Chiến trường” République
Ngay từ điểm xuất phát cuộc biểu tình, tôi đã nghe những lời kêu gọi “vì lý do an toàn, yêu cầu các bạn đi theo đoàn của mình, không nên tách nhóm”. Cả đoàn biểu tình chia thành nhiều nhóm theo các tổ chức công đoàn, trường học khác nhau, mỗi nhóm đều lập một hàng rào tay nối tay, do các thành viên trẻ khỏe đứng bao vòng ngoài. Khi đi đến cuối chân cầu Austerlitz, vừa chớm thấy có biểu hiện đụng độ giữa cảnh sát và toán thanh niên bạo động, “hàng rào” trai tráng của các nhóm biểu tình liền dạt về một bên lề đường, giữ khoảng cách an toàn và một số tức khí bắt đầu... chuyển mục tiêu đả đảo từ CPE sang những kẻ gây rối. Suốt dọc lộ trình cuộc biểu tình, các cửa hàng, quán xá do biết trước đều cửa đóng, then cài, một số tiệm ăn còn “liều mình” mở cửa thì bàn ghế được để sâu bên trong, đồng thời cắt đặt bảo vệ kiểm soát nghiêm ngặt thành phần khách ra vào.
République đón chúng tôi với bầu không khí căng thẳng vì đã có một vài cuộc đụng độ diễn ra trước đó: mảnh vỡ chai lọ văng khắp nơi, từng toán người trùm nón sùm sụp đứng tụm lại. Bao quanh các ngả đường trọng yếu của quảng trường là nhiều hàng cảnh sát, mỗi hàng chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 5, 6 người, gồm 3 người cầm khiên đứng trước, che cho những người đứng sau (một người trong số này mang bình xịt hơi cay), tất cả đều trang bị áo giáp, nón sắt kỹ càng, ma-trắc lăm lăm trên tay, theo lệnh chỉ huy tiến thoái nghiêm cẩn. Khi thì cảnh sát chủ động “bình định” một khu vực lộn xộn, khi thì chính các thanh niên bạo động “xung phong” tấn công cảnh sát trước. Tiếng la hét, gậy gộc, ma-trắc va chạm nhau, tiếng chai lọ bị ném vỡ loảng xoảng, tiếng chân người bỏ chạy khi cảnh sát dùng hơi cay và truy đuổi... Loạn chiến ngay giữa Paris! Tôi phải giữ một cự ly vừa đủ để quan sát và cũng tiện để... chạy khi đám ẩu đả tiến gần về phía mình, chứ không dám “xáp lá cà” như các phóng viên to con người nước ngoài, với nón bảo hộ trên đầu, mặt nạ chống hơi cay bịt kín mắt mũi, lúp xúp vác máy ảnh, máy quay phim xông pha “chiến trận”. Một thanh niên vừa ẩu đả với cảnh sát, đang bỏ chạy thì bị trượt té, chợt có hai thanh niên lực lưỡng tử tế đỡ anh ta đứng dậy và... khóa tay, giải luôn về xe cảnh sát gần đó, cảnh sát chìm ! Ngoài 4.000 cảnh sát cơ động tham gia bảo vệ, có không ít những cảnh sát mặc thường phục được “cài” vào đoàn biểu tình. Không chỉ thế, họ còn cải trang như những kẻ bạo động chính hiệu (tôi từng hú vía khi quay lại thấy một nhóm thanh niên mặt mũi bịt kín, hằm hè tiến về phía mình, nhưng rồi họ đi thẳng về phía... xe cảnh sát, nhìn kỹ hóa ra họ đang áp giải một người khác).
Một vài tiếng sau, phải huy động đến vòi rồng, cảnh sát mới hoàn toàn giải tán được đám đông. Nhìn chung, do cảnh sát và các công đoàn tổ chức biểu tình đã có kinh nghiệm, đồng thời được chuẩn bị trước nên thiệt hại của cuộc ẩu đả giảm phần nào so với ngày 23.3 nhưng vẫn mang lại một hình ảnh không mấy tốt đẹp về nước Pháp, như một tờ báo Mỹ đã bình luận (tuy hơi quá): Paris vào những ngày này không khác mấy với sự lộn xộn tại Iraq.
Thủ tướng Pháp đang “đơn thương độc mã”
Vài triệu người xuống đường biểu tình, nhiều trường đại học đình công đã gần sang tuần thứ 5, các công đoàn từ chối lời mời ngồi vào bàn đàm phán vào ngày 29.3, dù Thủ tướng Villepin đã bắt đầu “xuống nước”: “Tôi sẵn sàng cùng các đại diện công đoàn xem xét khả năng rút ngắn lại khoảng thời gian 2 năm thử việc và thêm vào những hỗ trợ cho người bị sa thải”. Các công đoàn và giới sinh viên, học sinh đang dần thắng thế, họ muốn ép Villepin đến cùng: “Điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc khủng hoảng là rút lại CPE !”.
Có vẻ như cơn ác mộng của Thủ tướng chưa dừng ở đó, trong cuộc họp Quốc hội ngày 28.3, ông đã bị đại biểu các đảng thuộc cánh tả phản đối đồng loạt và yêu cầu ông rút lại CPE. Không chỉ thế, ngay trong nội bộ đảng UMP, Nicolas Sarkozy (tuy cùng một đảng nhưng đang là đối thủ với Villepin để đại diện UMP trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới) dường như muốn thêm dầu vô lửa khi đề nghị: “Tạm đình chỉ CPE để mở đường cho đối thoại”. Làn sóng chống đối ban đầu đang mạnh dần thành “tsunami” trong khi Villepin thân cô thế cô. Có lẽ ông khó cầm cự được lâu dài...
Nguyễn Ngọc Lan Chi
(tường thuật từ Paris)
Bình luận (0)