"Liên minh ma quỷ" tại các dự án nghìn tỉ

01/04/2006 00:34 GMT+7

Bài 2: Thế lực ngầm trong ngành giao thông Có người cho rằng, chính cách giao dự án một cách tùy tiện của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tạo điều kiện hình thành một thế lực ngầm, đó chính là các công ty TNHH, công ty cổ phần, thực chất là "sân sau" của các PMU. Các công ty TNHH này sẵn sàng bỏ tiền ra cho Tổng giám đốc PMU đi quan hệ. Khi dự án về PMU, muốn trúng thầu, nhiều doanh nghiệp lớn phải dựa vào các công ty TNHH này.

Trước hết, cần khẳng định rằng chúng tôi không đặt ra vấn đề phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông và cũng không phải các tổng công ty trong ngành giao thông không đủ năng lực để thi công các công trình. Ở đây, việc tham gia của một số công ty TNHH trong các dự án xây dựng giao thông được xem xét ở một góc độ không bình thường: họ là "sân sau" của các ban quản lý dự án.

Thời gian qua, khi theo dõi vụ án Bùi Tiến Dũng, những cái tên như Công ty cổ phần Hoa Việt, Công ty cổ phần Thái Bình Dương, Công ty Bắc Nam đã trở nên quá quen thuộc với bạn đọc. Với giới nhà thầu trong lĩnh vực giao thông thì từ lâu, mỗi khi nghe đến những cái tên này họ đã phải lắc đầu, chùn tay. Anh Nguyễn M.T, giám đốc một công ty thuộc


Tư dinh của Nguyễn Mậu Thôn, một thế lực ngầm trong giới xây dựng công trình giao thông

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8 - Bộ Giao thông vận tải) cho biết: "Đối với một số công trình khi đi đấu thầu, muốn thắng thầu, chúng tôi phải chấp nhận chia sẻ công việc đối với những công ty TNHH". Phải chấp nhận, đơn giản vì tuy là công ty TNHH, tiềm lực họ yếu kém hơn rất nhiều so với các công ty trực thuộc Cienco 8, Cienco 1, Cienco 5... nhưng họ là người của đại diện chủ đầu tư. Còn mạnh hơn cả đại diện chủ đầu tư, đứng đằng sau các công ty này là những nhân vật đầy thế lực, uy quyền của họ đè bẹp cả vai trò của Tổng giám đốc PMU. Đơn cử trường hợp Công ty TNHH Hoa Việt. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, một thành viên HĐQT Công ty TNHH Hoa Việt là em rể của một quan chức cao cấp. Chính vì thế mà các doanh nghiệp thuộc Cienco 8, Cienco 1 và nhiều Cienco khác phải ngậm đắng nuốt cay, đồng ý cho các công ty "sân sau" này làm thầu phụ nhiều hợp đồng. Chỉ riêng với các dự án của PMU 18 thôi, các Cienco đã phải "nhường" cho Hoa Việt, Bắc Nam, Thái Bình Dương thi công nhiều hạng mục, với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Không chỉ có Bùi Tiến Dũng mới có "sân sau", nhiều năm qua trong ngành giao thông, các nhà thầu là doanh nghiệp Nhà nước đã "to nhỏ" than phiền vì chuyện phải chia thầu cho những công ty tư nhân.  Cách đây vài năm, khi ông T.C còn đang giữ cương vị Tổng giám đốc Ban quản lý dự án H (Bộ Giao thông vận tải), người trong ngành đã biết ông ta có tham gia, đứng đằng sau hỗ trợ một doanh nghiệp tư nhân. Đương nhiên là đơn vị này cũng đã làm nhiều hạng mục trong các dự án mà Ban quản lý dự án H làm đại diện chủ đầu tư. Bây giờ, khi nghỉ hưu, việc ông có công ty tư nhân được ông công khai hơn trước. Trong ngành, người ta đánh giá ông là  "cao thủ”.

Thủ tướng Phan Văn Khải không chấp nhận bản kiểm điểm thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT

Cuối giờ chiều qua, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT. Sau khi nghe đọc bản kiểm điểm của Bộ trưởng Đào Đình Bình và của lãnh đạo Bộ, Thủ tướng tỏ ra không hài lòng. Thủ tướng chỉ rõ: Bản kiểm điểm của Bộ trưởng Đào Đình Bình chưa thực sự cầu thị, chưa thấy hết trách nhiệm của người đứng đầu đối với những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại các đơn vị của Bộ trong thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu ông Bình nghiêm túc kiểm điểm theo đúng trách nhiệm của người đứng đầu và nhận trách nhiệm một cách nghiêm khắc.

Nhiều giám đốc có trong tay hàng nghìn quân nhưng khi gặp giám đốc các công ty TNHH "sân sau" vẫn phải nghiêng mình. Đội ngũ kỹ sư, thiết bị máy móc của các doanh nghiệp "sân sau" tuy rất kém nhưng họ lại mang công ăn, việc làm đến cho các doanh nghiệp lớn. Tổng giám đốc một ban quản lý dự án cấp bộ đã nhận xét về các "sân sau" của mình: "Là doanh nghiệp tư nhân, các công ty TNHH có nhiều thế mạnh, họ chủ động về nhiều mặt". Ông M.B, Giám đốc Công ty Công trình 12... của Cienco 1 cho biết: "Các sân sau của sếp có thể hỗ trợ sếp bất cứ lúc nào chứ chúng tôi thì không thể, họ có thể dùng quan hệ cá nhân, bỏ tiền ra theo đuổi dự án ngay từ khi nó còn nằm trên Bộ". Tiền mà Bùi Tiến Dũng dùng để quan hệ với một số quan chức của Bộ Giao thông vận tải để lôi dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 27 về PMU 18 được tập hợp từ các "sân sau" của ông này. Vì thế, khi được giao làm đại diện chủ đầu tư cho dự án này, các "sân sau" của Bùi Tiến Dũng đứng đầu trong danh sách các nhà thầu là đương nhiên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không kể những cái tên như bạn đọc đã biết (Hoa Việt, Bắc Nam, Thái Bình Dương), hiện nay có khoảng hơn chục công ty cổ phần và TNHH thực chất là các doanh nghiệp "sân sau" của các "Tổng" đang là nhà thầu phụ của các dự án, đó là Công ty N.C, Công ty L.S, Công ty T.M... Sự chi phối quá lớn của các công ty này đối với các dự án khiến các doanh nghiệp trong ngành gọi đó là "thế lực ngầm".

PMU là siêu quyền lực ?

Câu hỏi này đã được nhiều người đặt ra. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì PMU chỉ thực sự trở thành siêu quyền lực khi có sự thống nhất, móc ngoặc, được các cơ quan chức năng khác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hậu thuẫn. Sau khi vụ tiêu cực của Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng giám đốc PMU 18 và nhiều nhân vật khác ở PMU này bị bóc trần, chúng tôi đã cố gắng liên lạc và gặp được một số TGĐ các PMU của Bộ GTVT. Các TGĐ này đều khẳng định: "Các ông cứ nói là


Trụ sở PMU 18

PMU là siêu quyền - sai bét".

Ông M.V.M, tổng giám đốc một PMU phân bua: "Chúng tôi chỉ là những ông đốc công, làm gì có siêu quyền lực. Nói cái gì cũng phải theo luật và quyết định của Bộ GTVT, chúng tôi là đại diện cho chủ đầu tư, hoàn toàn không phải là chủ đầu tư và không quyết định được nhiều cái". Ông M. ví dụ: chẳng hạn như một công trình được thiết kế 5 chiếc cọc khoan nhồi nhưng khi thi công, nhà thầu phát hiện ra túi bùn, đề nghị với Ban quản lý dự án cho thi công thêm một cọc khoan nhồi nữa. Trong trường hợp này, PMU chẳng quyết định được gì, ngoài việc làm văn bản trình với Cục Giám định chất lượng và Quản lý công trình giao thông (Bộ GTVT) và nhiều cơ quan chức năng khác có liên quan của Bộ. Thêm cọc hay không thêm cọc là do Bộ quyết định.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, về hợp đồng thi công có hai dạng, loại được điều chỉnh giá vật liệu và hợp đồng trọn gói. Hợp đồng trọn gói, khi giá vật liệu biến động, nhà thầu phải chấp nhận, không được điều chỉnh. Các gói thầu của quốc lộ 18, quốc lộ 2 do PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư thuộc dạng hợp đồng có điều chỉnh giá vật liệu. Chính vì thế, khi Kiểm toán Nhà nước vào đã phát hiện ra giá vật liệu ở đây cao hơn gấp nhiều lần so với giá thị trường khi mở thầu. Trường hợp này Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị xuất toán hàng chục tỉ đồng.

Tổng giám đốc M. khẳng định "một mình PMU 18 không thể và chắc chắn không làm được việc thay đổi giá vật liệu để ăn chênh lệch". Ông M. cho rằng: "Muốn thay đổi vật liệu một giá, chúng tôi cũng phải làm văn bản trình Cục Giám định, Vụ Kế hoạch và Đầu tư của Bộ. Người quyết định cuối cùng có cho phép điều chỉnh hay không là lãnh đạo Bộ".

Xuân Toàn  (Còn tiếp)

Ngày 31/3, ông Nguyễn Việt Tiến tiếp tục phải giải trình về các vấn đề như: duyệt tăng chi phí số tiền 31 tỉ đồng cho dự án cầu Phả Lại; ký cho mượn 5 xe ô tô đắt tiền (Toyota Crown, Toyota LandCruise, Toyota Cressida) gây thất thu 4 tỉ đồng tiền thuế; sử dụng 2 xe dự án đắt tiền; việc cho làm thêm 7,5 km đường vào khu trang trại của mình và một số sếp của PMU 18 ở  xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương và việc chuyển 257 triệu đồng để san nền chợ Văn An (bị nghi ngờ là hình thức trả tiền mua trang trại). CQĐT cũng tiếp tục làm rõ trách nhiệm của ông Tiến trong việc để xảy ra sai phạm ở các dự án: cầu Phả Lại, QL10, Nội Bài - Bắc Ninh, cải tạo QL2 đoạn Thanh Thủy - Vị Xuyên.

Liên quan đến những sai phạm tại PMU 18, CQĐT tiếp tục triệu tập nguyên Trưởng phòng PID3 Vũ Anh Tuấn (thuộc PMU 18) để làm rõ những nghi vấn trong dự án cải tạo, nâng cấp QL2, gói thầu R1 do Công ty Hoa Việt của bị can Nguyễn Mậu Thôn thực hiện, đã xuống cấp nghiêm trọng do bị rút ruột. CQĐT cũng triệu tập ông Lưu Việt Khoa, Kế toán trưởng PMU 18 để làm rõ các tình tiết chung quanh việc PMU 18 từng "chi hỗ trợ" cho một phường thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội số tiền hơn 400 triệu đồng (có sự duyệt chi của Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến). Việc chi tiền này đang bị nghi vấn là một cuộc đổi chác đất đai liên quan đến PMU 18 và Thứ trưởng Tiến.

Nguyễn Bình - Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.