Hầu hết các cựu DHS, kể cả "thần đồng tiếng Anh" một thời Lê Diệp Kiều Trang (thạc sĩ kinh tế chuyên ngành Tài chính tại Oxford - Anh, hiện là quản trị viên Ngân hàng HSBC tại TP.HCM) cho rằng, rào cản về văn hóa, đặc biệt ngôn ngữ là những khó khăn rất lớn của họ trong thời gian đầu sang du học xứ người. Kiều Trang đúc kết kinh nghiệm: “Trong trường hợp đó, phải thật bình tĩnh để học và học phải có phương pháp. Phải thường xuyên đọc báo, coi ti vi và... chơi nhiều với bạn Tây". Anh Nguyễn Quang Tấn (tiến sĩ Sinh học và Môi trường tại ĐH Oxford, hiện là giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM), người được mệnh danh là "tiến sĩ ong" tâm tình: "Nếu ở lại bên kia, có thể tôi sẽ làm được nhiều điều hơn. Tuy nhiên, tôi thấy hài lòng với công việc hiện tại của mình. Tôi thấy bản thân còn mắc nợ những thế hệ sau, nên tôi sẵn lòng giúp đỡ họ...". Theo anh Phạm Hoàng Nhân (thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ), nước Mỹ "đã phát triển và rộng bao la" nên nếu anh ở lại làm thì cũng chỉ như "con tép giữa đại dương" mà thôi. Trong khi đó, Việt Nam có tương lai phát triển rất mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho các ngành xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ kỹ thuật cao... Chính vì vậy, anh Phạm Hoàng Nhân không ngần ngại trở về nước. Anh là một trong những sáng lập viên Công ty kiến trúc Saigon đồng thời làm trợ giảng tại Trung tâm giáo dục quốc tế thuộc ĐH quốc gia TP.HCM. Còn theo anh Dương Quang Minh (thạc sĩ Công nghệ thông tin tại Mỹ), có nhiều cách để DHS đóng góp cho đất nước và không hẳn những DHS về nước công tác là hay hơn so với những người ở lại. Về vấn đề này, thạc sĩ Lê Diệp Kiều Trang bày tỏ: "Việc ở lại hay về là tùy vào sự lựa chọn của DHS. Tuy nhiên, nếu tất cả DHS ra đi mà không trở về thì cũng... đau lòng cho sự phát triển của đất nước. Riêng tôi, được về sống ở Việt Nam là hạnh phúc nhất!".
Những bạn trẻ có nhu cầu giải đáp những thắc mắc liên quan sẽ được tiếp tục trao đổi thông qua website của CLB du học sinh TP.HCM: www.ovs-hcmc.org và e-mail: contact@ovs-hcmc.org.
La Ngà
Bình luận (0)