Phòng học bộ môn: Sẽ xóa bỏ tình trạng dạy chay, học chạy

06/04/2006 22:11 GMT+7

"Một phòng học truyền thống chỉ có bảng đen, phấn trắng, bàn, ghế. Học sinh thụ động trong mỗi giờ học, chỉ có giáo viên bộ môn di chuyển theo thời khóa biểu. Giáo viên tự mang thiết bị dạy học đến lớp nếu nội dung bài giảng cần thiết bị... Cách dạy này chỉ phù hợp với kiểu dạy chay, học chay. Tất cả những vấn đề này sẽ được khắc phục nếu có phòng học bộ môn", ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khẳng định.

Xóa sổ phòng học truyền thống?

Bộ Giáo dục-Đào tạo đang hoàn thiện sửa đổi, bổ sung quy chế phòng học bộ môn (PHBM) trường trung học (bao gồm cả trường THCS và THPT) đạt chuẩn quốc gia. Cụ thể, trường đạt chuẩn phải xây dựng PHBM dành riêng cho từng môn học, và như vậy mỗi tiết học thay vì ngồi học lý thuyết đơn thuần, học sinh sẽ chuyển sang học trong các phòng có tài liệu và thiết bị đặc thù, giúp học sinh thực hiện các hoạt động thực hành cho từng môn học khác nhau. Ông Lê Hoàng Hảo, Giám đốc Công ty thiết bị giáo dục 1 cho biết: "PHBM là xu hướng tất yếu của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Học sinh vừa được học lý thuyết vừa thực hành ngay tại PHBM. Với phòng học kiểu này, thiết bị cũng được bảo quản tốt hơn (do không phải di chuyển quá nhiều), tiết kiệm kinh tế (thiết bị được "quay vòng" nhiều hơn). Song điều quan trọng hơn là tạo được bầu không khí khoa học, nâng cao kỹ năng thực hành của các giáo viên và học sinh, vốn là khâu rất yếu của nền giáo dục Việt Nam.

Nếu trở thành hiện thực thì trong tương lai, một không gian học tập mới sẽ xuất hiện thay thế không gian truyền thống trong các nhà trường. PHBM với các thiết bị hiện đại cũng sẽ thay thế luôn các phòng thí nghiệm lâu nay vẫn tồn tại như kho chứa... đồ cũ, nếu "tử tế" hơn thì được dùng để chứa các loại thiết bị dạy học của đủ các loại môn học. Tuy nhiên, khi vấn đề xây dựng PHBM được đặt ra đã vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, và thực tế đã và đang cho thấy việc triển khai mô hình này không dễ dàng.

Sẽ chỉ là ý tưởng?

Theo dự thảo quy chế về PHBM, trường trung học đạt chuẩn quốc gia phải có diện tích tối thiểu của PHBM Lý, Hóa, Sinh là 72m2; PHBM Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Văn, Toán, Sử, Địa, xưởng thực hành, phòng nghe nhìn là 54m2. Trong hoàn cảnh "tấc đất, tấc vàng" như hiện nay thì với quy định diện tích PHBM như vậy thì có lẽ chỉ là... giấc mơ!

Theo con số thống kê của Dự án phát triển giáo dục THPT thì cả nước có hơn 87% cơ sở vật chất đang sử dụng trong các trường THPT là cũ và không phù hợp. Muốn có PHBM theo tiêu chuẩn, biện pháp được đưa ra là cải tạo phòng học truyền thống thành PHBM. Ví dụ 7 phòng học truyền thống cải tạo lại sẽ được 3 PHBM. Đề xuất này đã vấp phải phản đối của một số địa phương cho rằng, những nơi có cơ sở vật chất quá cũ nếu cải tạo lại sẽ vi phạm thiết kế, thậm chí nếu thay đổi kết cấu sẽ khiến trường... bị sập.

Theo ý kiến của Sở GD-ĐT Hải Phòng thì việc xây dựng mô hình PHBM muốn đạt hiệu quả cao phải căn cứ vào thực tế từng địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục góp ý: Không nên "chốt" diện tích tối thiểu của PHBM là 54m2.

Bên cạnh tiêu chuẩn chuẩn hóa cho từng PHBM, mỗi phòng học với 5 đề mục tối thiểu đã tiêu tốn tới 70 triệu đồng, còn nếu trang bị thêm các thiết bị hiện đại khác con số đầu tư sẽ lên đến 150 triệu đồng/phòng. Với sự đầu tư lớn như vậy thì đến bao giờ các trường phổ thông mới có PHBM hiện đại? Khó khăn trước mắt để các trường THPT và THCS đạt được chuẩn về PHBM còn rất nhiều. Thực tế cho đến thời điểm này vấn đề PHBM mới được đưa ra để "xới xáo" và Bộ GD-ĐT chưa đưa ra được tiêu chuẩn cụ thể cho từng PHBM làm căn cứ cho các địa phương chuẩn hóa. Dẫu vậy, không thể phủ nhận được xu hướng tất yếu của PHBM trong một tương lai gần, đó là xu thế tất yếu của một nền giáo dục tiên tiến mà chúng ta đang hướng tới.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.