Theo tạp chí Money Magazine, ngành thẩm mỹ nằm trong top 50 ngành phát triển nhanh chóng nhất của nước Mỹ trong năm 2005. Với doanh thu vượt qua ngưỡng 60 tỉ đô la hằng năm, ngành thẩm mỹ đang trên đà phát triển rất ổn định. Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ rủi ro mà các nhà đầu tư của ngành dịch vụ này phải gánh chịu thấp hơn các ngành khác. Thống kê ở Mỹ, những người nhập cư gốc Việt hiện chiếm phần lớn số lượng lao động trong ngành chăm sóc sắc đẹp. Tyron Nguyen, một chuyên gia thẩm mỹ Việt kiều nhận định, chỉ tính riêng ngành nail (làm móng) đã có đến 50% số lượng người tham gia là người Việt Nam.
Với ý muốn khuếch trương những thương hiệu Việt trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp tại Mỹ, Tyron Nguyen đã phối hợp với một đồng nghiệp khác là Tham Nguyen đã có ý tưởng cho ra đời Vietnamese Beauty Expo. Lần tổ chức đầu tiên của ngày hội này vào năm 2005 đã đánh dấu mốc quan trọng trong chiến dịch lăng-xê tên tuổi của những người thợ khéo tay và chuyên gia thẩm mỹ uy tín người Việt trong xã hội Mỹ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao ngành này vẫn còn thu hút nhiều kỳ vọng của nhà đầu tư nhỏ sau những thông tin mà báo chí đã từng đưa trong thời gian qua về tình hình cạnh tranh khốc liệt giữa các tiệm tóc và nail của người Việt đã dẫn đến sự xuống giá dịch vụ thê thảm? Theo báo cáo của những "người trong cuộc" tại Vietnamese Beauty Expo, lợi tức trung bình và tiền huê hồng của một tiệm salon thẩm mỹ hiện nay nằm trong khoảng 30.000 đến 50.000 đô la mỗi năm. Con số quả hấp dẫn với đông đảo thành phần dân nhập cư không "giàu có" gì về trình độ tiếng Anh và vốn học vấn.
Tuy việc kinh doanh có phần khó khăn do tình hình "trăm hoa đua nở" dẫn đến hiện tượng mà người ta cho là "tự sát tập thể" của các tiệm làm nail, làm tóc của người Việt ở Hoa Kỳ, các chuyên gia vẫn cho rằng nếu xét theo quy luật cung cầu của thị trường, ngành chăm sóc sắc đẹp vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao. Có đến 56% chủ tiệm cho biết họ luôn cần thêm nhân viên. Tuy nhiên, loại nhân viên họ cần là những người có bằng cấp được công nhận bởi các trung tâm đào tạo chuyên nghiệp lại đang rất khan hiếm.
Anh thợ làm nail Vu Nguyen đang làm đẹp cho bàn tay của khách
Ngày hội Vietnamese Beauty Expo tổ chức hôm 2.4 vừa qua đã trở thành một sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với những người đã và đang có ý định kiếm sống trong ngành thẩm mỹ bao gồm các chuyên gia, học viên và cả những trung tâm đào tạo, hãng cung cấp sản phẩm làm đẹp. Đây cũng là dịp để các chuyên viên trang điểm, làm móng và nhà tạo mẫu tóc gốc Việt phô diễn trình độ tay nghề và khả năng sáng tạo. Với hàng trăm kiểu trang điểm, mẫu in móng tay, mốt tóc ấn tượng được trình diễn tại Vietnamese Beauty Expo, thị trường dịch vụ thẩm mỹ của người Việt ở Mỹ vẫn cho thấy những tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn một khi mọi thứ được tổ chức theo hướng làm ăn chuyên nghiệp và bài bản.
Theo Christine Le, người sáng lập ra Công ty Christrio chuyên cung cấp các sản phẩm dùng trong kỹ nghệ nail ở Little Saigon, bí quyết đi đến thành công chính là việc nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Cô luôn dành nhiều thời gian để tìm hiểu và sáng tạo các mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu luôn thay đổi của khách. Christine Le là ví dụ điển hình cho những doanh nhân Việt nhận thức rằng việc nâng cao chất lượng dịch vụ đóng vai trò sống còn trong việc duy trì sự tồn tại của thương hiệu.
Viet Salon, một trong những công ty quảng cáo có thanh thế trong kỹ nghệ "làm nail" xuất hiện tại Vietnamese Beauty Expo với tư cách là nhà tài trợ đã cam kết đem lại cho khách hàng của mình những chiến dịch quảng bá hình ảnh trọn gói đầy hiệu quả trên các kênh thông tin từ các sản phẩm in ấn cho đến mạng internet.
Trong khi đó, một nhà tài trợ khác là Custom Dream Builders nuôi tham vọng trở thành chuyên gia tư vấn đối với các doanh nghiệp tư nhân muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Công ty Digital Ads, một trong những công ty marketing có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Little Saigon cũng hứa hẹn điều tương tự với hàng trăm khách hàng là chủ các tiệm salon. Thay vì triền miên áp dụng chính sách "đại hạ giá" để hạ gục các đối thủ cạnh tranh, nhưng rốt cuộc phải chịu cảnh "gậy ông đập lưng ông", những người làm nghề nhận thức hơn bao giờ hết họ cần sự trợ giúp từ các công ty quảng cáo để mở rộng phạm vi đối tượng khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ. "Bằng cách nào để tồn tại?" - câu trả lời mà cả cộng đồng nghề của người Việt đang dần nghiệm ra: cái thời làm ăn manh mún, chụp giựt đã qua...
Quỳnh Như
Bình luận (0)