Ấn tượng về sự chuyên nghiệp
Trước hết, đó là sự chuyên nghiệp của ban tổ chức. Họ sắp xếp toàn bộ hoạt động thật chu đáo từ những tiểu tiết. Các đoàn tham dự hội chợ được quan tâm từ việc ăn, ở, di chuyển hợp lý. Lịch hoạt động từng ngày được cập nhật chi tiết và chính xác, giúp người tham dự có thể lên thời gian biểu cá nhân. Lễ khai mạc diễn ra ngày 20/3/2006 đã tập trung hầu hết các ngôi sao nổi tiếng của điện ảnh Hồng Kông như Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Thành Long, Lương Gia Huy...
Hoạt động mua và bán phim tại hội chợ diễn ra sôi nổi trong sự chuyên nghiệp của các nước tham dự. Người mua lẫn người bán đều được thỏa mãn. Người mua biết sẽ mua được sản phẩm gì một cách rõ ràng. Các gian hàng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá điện ảnh quốc gia mình rất tốt. Đa số gian hàng đều chiếu phim cho khách hàng xem. Thậm chí, có nơi còn chào bán cả những phim đang là... dự án. Phần lớn các phim được mua và bán nhiều tại hội chợ là những phim giải trí. Điều này gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Điểm đặc biệt, năm nay có nhiều khách hàng đến từ châu u tìm kiếm các sản
|
Ấn tượng thứ ba là các hội thảo tại hội chợ. Nhiều quốc gia đã đăng ký với ban tổ chức để tổ chức hội thảo giới thiệu phim nước mình thật công phu. Năm nay, Hàn Quốc tổ chức hội thảo tốt nhất. Đạo diễn, diễn viên trao đổi với khách mời về ý nghĩa giá trị phim và nhiều thứ khác. Riêng Việt Nam của chúng ta chưa thực hiện được hội thảo, có thể do thiếu nhiều điều kiện.
Điện ảnh Hồng Kông: người của mười năm cũ
10 năm trước, tại hội chợ phim này là Thành Long, Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ... 10 năm sau, vẫn những gương mặt này chiếm lĩnh thị trường phim lẫn các giải thưởng điện ảnh. Hồng Kông đang phải đối diện với cơn bão phim đến từ Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác. Theo tôi, điện ảnh Hồng Kông đang bị chững lại, nếu không nói là thụt lùi. Một nền điện ảnh già đi từng ngày và đến một thập niên mà chưa thấy tài năng mới xuất hiện là vấn đề đáng báo động. Phát biểu của Lương Gia Huy tại hội chợ gợi nhiều suy nghĩ: "10 năm trước, tôi nhận giải diễn viên được yêu thích nhất, tôi nghĩ là tôi sẽ không phấn đấu nữa. Nhưng sau đó, tôi hiểu rằng không nên như thế. Tôi sẽ phải chiến đấu với bản thân để có thể vượt lên chính mình”. Hơn lúc nào hết, điện ảnh Hồng Kông cũng cần nhìn lại chính mình để bước lên phía trước, lấy lại vai trò trong khu vực.
Chạnh lòng cho điện ảnh Việt
Trông người mà ngẫm đến ta, tôi thấy lo cho điện ảnh nước nhà. Việt Nam chưa thực sự hình thành thị trường phim đúng nghĩa. Ra bên ngoài, chúng ta vẫn chưa xác định việc sản xuất phim để bán cho ai, không nắm rõ nhu cầu của thị trường như thế nào. Làm thế nào để mua bán hiệu quả tại hội chợ phim quốc tế như Hồng Kông vẫn là nhiệm vụ... bất khả thi. Hiện nay, chúng ta hoạt động theo kiểu manh mún, tự phát, đang nghiệp dư từ sản xuất đến phát hành. Như vậy thì làm sao ngẩng đầu với thế giới? Đi và chứng kiến sự chuyên nghiệp của người, mới thấy thương cho anh em làm nghề nước mình. Tâng bốc hoặc đả phá nhau đều không tốt. Hơn lúc nào hết, mỗi người làm điện ảnh cần phải hợp tác với thiện chí vì sự tiến bộ của điện ảnh nước nhà. Nên chăng, chúng ta tổ chức một hiệp hội các nhà sản xuất và phát hành phim? Hiệp hội sẽ điều hành và điều tiết hoạt động điện ảnh trên phạm vi cả nước. Nếu không, hội điện ảnh cần có sự quan tâm thích đáng đến khâu phát hành trong nước và quốc tế. Đừng để tình trạng mạnh ai nấy bơi như hiện nay, thiệt thòi sẽ thuộc về khán giả.
Thành Long phát biểu tại hội chợ: "Chúng tôi đã đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt để tạo nên những quả ngọt. Và hôm nay, xin tặng những quả ngọt đó cho các bạn khán giả". Tôi muốn bổ sung thêm rằng, những người làm điện ảnh Việt đã quá vất vả để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật. Xin giới lãnh đạo và khán giả hiểu những vất vả đó để nâng bước và hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi có cơ hội dâng tặng khán giả những sản phẩm nghệ thuật tốt nhất.
Đạo diễn Lê Bảo Trung
Bình luận (0)