Nickname của chính ca sĩ
Ca sĩ may mắn nhất không ai khác ngoài Hồng Nhung. Biệt danh Bống đã trở nên phổ biến đến mức nhiều khán giả và người hâm mộ "quên" mất tên thật của cô mà chỉ gọi là "Bống", giản dị và thân thương. Bây giờ, cá Bống không chỉ được nhắc đến ở sân khấu, mà còn là biểu tượng logo trên các đĩa CD của cô. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thích biệt danh này của Hồng Nhung đến mức sáng tác riêng cho cô một chùm 3 ca khúc: Bống bồng ơi, Thuở Bống là người và Bống không là Bống.
Nickname đến từ phong cách của ca sĩ
Thanh Lam - Người đàn bà hát! Bao nhiêu mỹ từ nồng nàn, đam mê, rực lửa, khát khao dành cho giọng hát này dường như không thể diễn tả bằng bốn từ đơn sơ ấy. Gọi đơn giản là người đàn bà hát cũng làm hài lòng ngay cả bản thân ca sĩ. Giọng hát của Thanh Lam được so sánh như một cá tính tổng thể, một khái niệm bản năng nhất của người đàn bà, kể ra cũng là một sự liên tưởng thú vị. "Người đàn bà hát" thật ra là biệt danh của nữ hoàng nhạc nhẹ nước Nga - Alla Pugacheva, rồi được giới báo chí Việt lấy xài lại, tấn phong cho cả Thanh Lam lẫn NSND Thanh Hoa.
Một cái tên khác nên được nhắc đến, đó là Hà Trần. Bản thân Hà Trần, mặc dù chỉ là viết theo kiểu tên trước họ sau, cũng đã là một nickname nhạc sĩ Trịnh gọi cô để phân biệt với nữ ca sĩ nổi tiếng một thời là Thu Hà (Sài Gòn). Sau Nhật thực, Hà Trần được gọi là “tắc kè hoa” bởi sự biến đổi phong cách nhạc từ pop, đến jazz, dân ca, nhạc quái của Ngọc Đại. Tự Hà Trần thì lại thích ví mình như một con rắn lột xác (cô tuổi Tỵ) vì sự đổi mới của chính mình sau mỗi lần lột xác ấy.
Một cách ngẫu nhiên, búp bê Thanh Thảo đã “cướp” nick của Trần Thu Hà. Cũng là Tắc kè hoa, nhưng Thanh Thảo lại là “tắc kè” trong việc thay đổi hình ảnh bên ngoài hơn là giọng hát. Nghe cô hát nhạc tiền chiến, dân ca vẫn không khác gì Thanh Thảo hát nhạc Thái. Tương tự như thế, “kính vạn hoa” Hiền Thục cũng chỉ đơn giản là ngoại hình thay đổi chứ hoàn toàn không liên quan gì đến giọng hát. Có lẽ, cách Hiền Thục thay đổi hình ảnh làm khán giả có cảm giác từ chóng mặt đến rất chóng mặt. Nhưng không vì thế mà những ca sĩ luôn trung thành với hình ảnh nguyên thủy của mình cảm thấy bị tự ti. Mỹ Linh vẫn luôn tự hào vì được gọi là Tóc ngắn. Mỹ Tâm cho dù tóc đã vàng hoe và môi hồng Lipice nhưng vẫn thích thú khi được gọi là Tóc nâu môi trầm. Khánh Linh thì vẫn ổn định với hình ảnh một con chim họa mi.
Những nickname không cố định và những nickname kỳ cục
Người có biệt danh không cố định gần đây là Ngọc Khuê. Ban đầu là Chuồn chuồn ớt, sau đó là Thị Mầu. Ở Vol.2, khán giả lại thấy bìa đĩa của cô có hình ảnh của một con bướm. Không hiểu Ngọc Khuê sẽ thích được gọi là nickname gì nhất bởi những hình ảnh này dường như không có gì liên quan đến nhau. Nhưng điều đó chưa hài hước bằng một vài biệt danh không giống ai, như là một nam ca sĩ trẻ tự nhận là Hoàng tử đại dương khi ghép cơ thể mình với đuôi của… nàng tiên cá ở bìa đĩa của anh. Nhưng cũng chính trên bìa đĩa này, người ta lại thấy Hoàng tử đại dương đứng ở bên cạnh một… con hổ. Chắc đây cũng là Hổ đại dương chứ không phải Hổ trong rừng. Đó là chưa kể hình ảnh gắn với đuôi cá đã được Mỹ Lệ - Mỹ nhân ngư “độc quyền” trên báo chí từ rất lâu.
Kỳ cục tương tự là một nam ca sĩ rất thích được gọi là công chúa Aikia, trùng tên với một bài hát của anh. Cũng không quá khó hiểu khi anh cũng thường xuyên xuất hiện trên sân khấu với một hình ảnh mặc áo lông, đính cườm và kim tuyến óng ánh nhìn cũng không khác gì “công chúa”.
Sẽ còn nhiều những nickname chưa được nhắc đến trong thế giới của các nghệ sĩ chúng ta. Nhưng gì thì gì, tên hay biệt danh chỉ là cái để người ta gọi một giọng hát, còn để được nhớ đến thì chính khả năng âm nhạc của họ mới là yếu tố quyết định.
Theo Trọng Ninh/Giaidieuxanh
Bình luận (0)