Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới

19/04/2006 01:35 GMT+7

* Gương sáng đảng viên * Báo chí quốc tế nói về Đại hội * Sẽ lấy ý kiến thăm dò tất cả đại biểu về chức Tổng bí thư * Đảng viên làm kinh tế tư nhân: Thông điệp là không đổi!

* Coi trọng và tập trung giải quyết tốt vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng

Sáng 18/4, đúng 8h30, tại Hội trường Ba Đình lịch sử đã chính thức khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Đường phố thủ đô Hà Nội tràn ngập cờ hoa, khẩu hiệu, băng-rôn chào mừng Đại hội. Trước lễ khai mạc, từ sáng sớm, các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ. Sau lễ chào cờ, ông Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đọc đề dẫn khai mạc giới thiệu đại biểu và các khách mời của Đại hội.

Tham dự Đại hội ngoài 1.176 đại biểu đại diện cho trên 3,1 triệu đảng viên trên toàn quốc, có các vị khách mời nguyên là các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Trên hàng ghế đầu tiên là các bậc lão thành cách mạng, từng trải qua các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quân đội... như nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Đoàn Chủ tịch của Đại hội gồm 24 vị: Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Phan Diễn, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh, Trương Tấn Sang, Phạm Văn Trà, Trương Quang Được, Trần Đình Hoan, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Văn Chi, Phạm Thế Duyệt, Hà Thị Khiết, Cù Thị Hậu, Đào Ngọc Dung, Nguyễn Hữu Mai, Trần Hanh, Ivêng, Đặng Vũ Minh, Đinh Huy.

Sau lời đề dẫn của ông Phan Diễn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội. Bài diễn văn nêu bật: "Đại hội lần thứ X diễn ra trong thời điểm lịch sử, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, sự nghiệp đổi mới trên đất nước ta đã trải qua 20 năm, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vừa kết thúc thực hiện 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội IX của Đảng và cũng là 5 năm đầu tiên của thế kỷ 21. Tuy nhiên, kinh tế, xã hội của đất nước đã gặp không ít khó khăn, thách thức do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, những khó khăn vốn có của nền kinh tế đang ở trình độ kém phát triển, thiên tai, dịch bệnh và những yếu kém chủ quan trong công tác tổ chức quản lý. Nhưng với sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng lần thứ IX đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Nhìn khái quát 20 năm đổi mới, chúng ta thấy những thành tựu đã đạt được là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đưa lại cho đất nước ta một sự thay đổi cơ bản và toàn diện, làm cho thế và lực, vị trí quốc tế của ta tăng lên nhiều so với trước...

...Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm và đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu, những yếu khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm về việc thực hiện NQ Đại hội lần thứ IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005, chiến lược kinh tế xã hội 10 năm 2001-2010 và nhìn lại 20 năm đổi mới, từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm định ra phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới 2006-2010. Đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng Đảng, bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng, bầu BCH T.Ư Đảng khóa X thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, về đạo đức cách mạng, có đủ năng lực lãnh đạo, thực hiện thắng lợi Đại hội X. Đặc biệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới...".

Sau lời chào mừng của đoàn đại biểu nhân dân thủ đô, Thủ tướng Phan Văn Khải thay mặt Đoàn Chủ tịch cám ơn những đóng góp quý báu của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đã góp ý cho Báo cáo Chính trị và các văn kiện trình Đại hội X.

Tiếp sau đó, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đọc Báo cáo quan trọng của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về các văn kiện trình Đại hội X của Đảng với tiêu đề "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển". Trong đó, có nội dung đánh giá 5 năm thực hiện NQ Đại hội IX và nhìn lại 20 năm đổi mới; Mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2006-2010; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; Giải quyết tốt các vấn đề về xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; Tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế thế giới; Phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bổ sung, sửa đổi điều lệ Đảng...

Trong chương trình làm việc của Đại hội vào cuối buổi sáng, Đại hội đã nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH. TƯ Đảng khóa IX do UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn trình bày. Nội dung chủ yếu của Báo cáo này là kiểm điểm nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong 5 năm qua với các ưu điểm và khuyết điểm được nêu một cách cụ thể và thẳng thắn; kiểm điểm về đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc của BCH.TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Báo cáo nhấn mạnh: "Nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới; sớm cụ thể hóa NQ Đại hội IX của Đảng; vừa bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, vừa tập trung hơn cho những ngành, lĩnh vực và địa bàn trọng tâm, trọng điểm; coi trọng hơn công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, chỉ đạo thực hiện NQ Đại hội IX và các nghị quyết của Trung ương; đã xử lý đúng đắn, kịp thời nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp; đẩy mạnh được đà phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, củng cố được quốc phòng, an ninh, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao được vị thế và uy tín quốc tế của đất nước; chăm lo công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, nhất là cơ sở; tiếp tục phát huy dân chủ trong Đảng và trong nhân dân, giữ gìn kỷ cương trong Đảng và trong xã hội. Nhìn chung, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa IX đã lãnh đạo hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ do NQ Đại hội IX đề ra.

Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn một số khuyết điểm, hạn chế: việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu; chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để khắc phục một số khuyết điểm, yếu kém kéo dài trong kinh tế - xã hội; lãnh đạo cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, cải cách hành chính còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; lãnh đạo, chỉ đạo quốc phòng, an ninh, đối ngoại có lúc, có việc còn bị động, lúng túng; chưa tập trung đúng mức để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng, đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; còn ít đổi mới, cải tiến phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc, v.v.. Những khuyết điểm, thiếu sót nói trên đã hạn chế hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo chung của Đảng, ảnh hưởng nhất định tới tình hình chung của đất nước.

Ban Chấp hành Trung ương, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nói trên".

Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, BCH TƯ khóa IX đề nghị trong thời gian tới cần phải coi trọng và tập trung giải quyết tốt những vấn đề hết sức quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng...

Chiều ngày 18/4, các đoàn đại biểu thảo luận sôi nổi tại đoàn về các văn kiện Đại hội X. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại nhiều đoàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tăng tốc để phát triển và hội nhập; tăng trưởng kinh tế ổn định gắn liền với chính sách mới về an sinh xã hội; tăngcường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấn hưng giáo dục; vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; vấn đề tập trung chống tham nhũng, quan liêu để củng cố niềm tin của nhân dân...

Chương trình làm việc dự kiến của Đại hội

Ngày 19/4: Thảo luận các văn kiện, Thảo luận Quy chế bầu BCH T.Ư khóa X.

Ngày 20/4: ĐH thảo luận các văn kiện, lấy ý kiến đại biểu về dự kiến những vấn đề cần biểu quyết trong các văn kiện ĐH X.

Ngày 21/4: Thảo luận và biểu quyết một số vấn đề liên quan đến việc bầu cử BCH T.Ư khóa X.

Ngày 22/4: ĐH tiếp tục làm việc tại đoàn.

Ngày 23/4: Biểu quyết thông qua danh sách ứng cử, đề cử BCH T.Ư khóa X. Bỏ phiếu bầu cử BCH T.Ư khóa X tại Hội trường.

Ngày 24/4: Nghe Đoàn Chủ tịch giải trình tiếp thu ý kiến các đại biểu về các văn kiện ĐH. sau đó, đại biểu biểu quyết một số vấn đề thuộc nội dung các văn kiện ĐH. Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả bầu cử BCH T.Ư khóa X.

Ngày 25/2: ĐH họp phiên bế mạc.
Báo cáo kết quả một số vấn đề trong các văn kiện ĐH.
Báo cáo kết quả bầu cử Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa X.
BCH T.Ư khóa X ra mắt.
Thông qua toàn văn Điều lệ ĐCSVN.
Thông qua Nghị quyết ĐH X.
Đồng chí Tổng bí thư BCH T.Ư khóa X đọc diễn văn bế mạc ĐH.

Quang Thông - Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.