Điều kinh tởm nhất là sự vô cảm...

20/04/2006 22:10 GMT+7

Chào các bạn, Tôi thật sự biết ơn và cảm ơn các bạn đã dám nói lên được những thực trạng mà đất nước chúng ta đang phải nếm trải. Không còn chối cãi gì nữa, chính sách chiêu mộ, tuyển dụng cũng như đề cử nhân tài của chúng ta không còn phù hợp nữa, thậm chí đã đánh mất đi những nhân tài mà đất nước Việt Nam cần. Bản thân đất nước ta không có lỗi.

Trong thời gian qua, nếu các bạn có theo dõi những vụ bê bối của PMU 18, thì ai cũng phải ngạc nhiên và không khỏi bàng hoàng. Nhưng điều làm tôi kinh tởm nhất không phải là số tiền tham nhũng khủng khiếp ấy, mà là sự vô cảm của không ít người có trách nhiệm. Liệu chúng ta còn bao nhiêu PMU 18 như thế nữa, tôi chắc chắn là còn nhiều. Vậy điều chúng ta cần là có những người có đủ bản lĩnh, sự trong sạch và quyền lực để loại trừ những ổ sâu mọt trong những PMU đó.

Tôi đọc thư của các bạn, và tôi tỏ lòng trân trọng lắm ! Chúng ta hãy tiếp tục đấu tranh vì lẽ phải, vì chân lý, vì thế hệ con cháu chúng ta sau này, và vì một đất nước Việt Nam tràn đầy hy vọng trong con mắt của bạn bè năm châu.

Phan Thanh Trung
(panasonic-2@hcm.vnn.vn)

Chừng nào còn lãng phí, chừng ấy còn là nước nhỏ!

Ở không ít cơ quan Nhà nước, bạn sẽ thấy nhiều điều trái tai gai mắt. Điện chùa, nước chùa. Điện thoại công gọi ngoại tỉnh, quốc tế mà ai tranh thủ được thì cứ việc. Nếu lãng phí của Nhà nước nhưng được việc cho mình tí xíu thôi thì đấy mới là người khôn ngoan, biết tiết kiệm.

Giáo dục nước ta là một trong những ngành lãng phí nhất. Sách giáo khoa, sách bài tập năm nào cũng in hàng trăm triệu bản. Cái lãng phí ở đây là có nhiều loại sách bài tập chỉ sử dụng một lần. Một gia đình có hai con, anh học năm trước, em học năm sau nhưng em không sử dụng được sách của anh. Cứ nhìn vào thị trường sách luyện thi bạt ngàn, ngẫm kỹ bạn sẽ thấy đấy là một loại lãng phí khủng khiếp. Mỗi năm hàng trăm tỉ đồng được ném vào đó chỉ để làm sướng một số ít người nhưng làm khổ hàng chục triệu người học. Giáo sư Hoàng Tụy cũng đã từng lên tiếng rằng, giáo dục nước ta còn nghèo, nhưng không ở đâu xài ngông như ta. Một loại lãng phí nữa là học thêm. Chưa ai thử tính toán mỗi năm người dân cả nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền để con em phải học thêm nhưng chắc chắn rằng đấy là một khoản tiền khổng lồ. Rồi thời gian, sức lực thì sao? Loại lãng phí này xem ra còn đáng sợ hơn lãng phí tiền bạc. Dò bài, tra khảo bài, học vẹt, rèn luyện những kỹ năng vô bổ để thi cử là lãng phí đấy. Vô số đề tài khoa học được xếp loại xuất sắc trưng bày nằm trong tủ kính nhưng vô dụng là lãng phí. Đến cả thay sách giáo khoa, cải tiến cải lùi chữ viết cũng là lãng phí.

Có người chỉ đáng làm bảo vệ, hay chủ xị trên bàn nhậu, nhưng lại được sắp xếp làm giám đốc, cán bộ lãnh đạo. Còn những người tài thực sự, song "ương bướng", không chịu cúi luồn thì bị o ép, thậm chí vùi dập là loại lãng phí mà cứ nghĩ đến là buốt nhói trong tim.

Cái hầm Văn Thánh mới xây đã sập phải sửa đi sửa lại, giờ đang tính phương án làm mới cũng là lãng phí. Còn cái vụ PMU 18 thì đã rõ rồi. Nhiều lắm, nhìn đâu cũng thấy mà xót và giận !

Chừng nào mà chúng ta còn lãng phí thì chừng đó chưa thể nói đến giàu có, chừng đó nước Việt Nam này hãy còn yếu,  còn nhỏ. Vậy thì hãy bắt đầu từ hôm nay đi, cả tôi và bạn, từ mỗi gia đình đến trường học, từ nếp sống đến công việc. Ngoài việc dạy cho những chủ nhân tương lai của đất nước này biết làm giàu, hãy dạy cho họ biết tiết kiệm, biết quý trọng tiền bạc, sức lực và thời gian.

Bá Tử Nam
(quang_dung814@yahoo.com)

4 sự thật và 2 câu hỏi

Tôi xin đề cập đến một lĩnh vực hẹp hơn, nhưng đó là một sự thật, nói đúng hơn: đó là 4 sự thật.

Sự thật 1: Tôi đang làm công tác khoa học, hằng tuần phải lên mạng internet tìm kiếm tài liệu. Hơn một năm làm việc, tôi chưa tìm thấy một tài liệu nào bằng tiếng Việt có liên quan đến chủ đề tôi đang làm.

Sự thật 2: Trong các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, tôi chưa tìm thấy một tác giả hay đồng tác giả nào là người Việt.

Sự thật 3: Để trao đổi đến các vấn đề liên quan đến đề tài, tôi vào các diễn đàn (forum). Tôi chưa gặp người nào là Việt Nam, trong khi nói chuyện tôi thử đặt câu hỏi "Bạn có biết nước Việt Nam không?", rất hiếm câu trả lời: Biết.

Sự thật 4: Khi rảnh rỗi, tôi có vào phòng chat công cộng ở nước ngoài. Trong số những người chat, tỷ lệ người biết Việt Nam cũng rất nhỏ.

Với 4 sự thật trên, chúng ta có một số dữ liệu để trả lời cho một câu hỏi khác "Nước Việt Nam ta đã có nhiều người biết chưa ?".

Muốn đem hình ảnh nước Việt Nam vượt khỏi biên giới hình chữ S, chúng ta cần có chiến lược đưa Việt Nam trở thành con rồng kinh tế, thế lực chính trị... hay nhỏ hơn là cường quốc thể thao, cường quốc khoa học...

Để được như thế, thiết nghĩ các nhà lãnh đạo Việt Nam còn rất nhiều việc để làm. Nhưng theo tôi, có hai câu hỏi quan trọng trong vô số các câu hỏi quan trọng khác cần trả lời:

1. Họ phải làm gì để khơi dậy sức mạnh nội lực của mỗi người dân, phải làm sao để mỗi người Việt luôn tự hào mình là người Việt Nam khi nói chuyện với các bạn bè năm châu ?

2. Nước Việt Nam có thể lớn được không, nếu cứ để các người "nhỏ" làm việc "lớn", những người "lớn" lại làm việc "nhỏ"?

Nhân đây, tôi mạn phép đề nghị Báo Thanh Niên mở thêm một diễn đàn khá hóc búa: "Bạn có tự hào là công dân Việt Nam hay chưa?".

Nguyễn Gia Tuấn Anh
(368 Cao Thắng, Q.10, TP.HCM)

Bài vở tham gia diễn đàn, xin gửi về thanhhang@thanhniennews.com

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.