Cờ ngoài, bài trong

24/04/2006 00:30 GMT+7

Tại cuộc họp cấp cao lần thứ 15 tại Tokyo vừa qua, Nhật Bản và EU đã tìm kiếm một bước tiến mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược bằng những chủ đề nội dung nằm ngoài phạm vi quan hệ song phương.

Trên chương trình nghị sự nổi bật vấn đề hạt nhân của Iran, an ninh ở Đông Á, triển vọng kết thúc vòng đàm phán Doha của WTO và xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc. Tất cả những chủ đề ấy hoặc chẳng liên quan trực tiếp gì đến cả hai bên, hoặc chỉ dây mơ rễ má tới một bên.

Về bề ngoài, mọi chuyện giữa hai đối tác này đều có vẻ thuận buồm xuôi gió. Cả vai trò đối tác lẫn tác dụng đối trọng của bên này đối với bên kia đều được các bên tận dụng triệt để. Nhưng trên thực tế không hẳn không có xung khắc lợi ích. Chẳng hạn như Nhật Bản không đồng tình với một vài nước thành viên chủ chốt của EU nỗ lực bỏ  cấm xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc. Hay như EU chẳng thích thú gì khi Nhật Bản là một trong số những nhà đầu tư lớn nhất vào Iran và vì thế có quan hệ hợp tác và ràng buộc lợi ích chặt chẽ với Iran.

Lần này, cả hai bên lại cùng nhau tìm kiếm vai trò và ảnh hưởng ở những chủ đề nội dung mà thật ra họ chỉ được chầu rìa. Trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran họ  bàn đến mà đâu có đóng nổi vai trò  gì! EU đã thất bại trong đối thoại với Iran còn Nhật Bản chỉ thuộc diện ăn theo trong khuôn khổ đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh - mà giờ cũng gần như thất bại - về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trong quan hệ với Trung Quốc thì vướng mắc với Nhật Bản còn nhiều, nan giải và nhạy cảm hơn vướng mắc với EU. Trong việc thúc đẩy kết thúc thành công vòng đàm phán Doha của WTO vào cuối tháng 4 năm nay thì hai bên cũng chẳng đóng vai trò quyết định. Tương tự như vậy trong vấn đề an ninh khu vực và thực hiện Nghị định thư Kyoto về môi trường. Vậy nên, nếu chẳng thuộc diện bài trong thì tự thủ vai cờ ngoài.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.