Kiểm định chất lượng đại học bằng cách nào?

25/04/2006 23:19 GMT+7

Hoạt động kiểm định chất lượng (KĐCL) định kỳ là một trong những biện pháp rất quan trọng và được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Sau một thời gian thử nghiệm với 20 trường ĐH trong cả nước, mới đây đã có liên tiếp hai cuộc hội thảo do ĐH quốc gia TP.HCM và Ban liên lạc các trường ĐH-CĐ Việt Nam (VUN) tổ chức tại TP.HCM và Đà Lạt để đặt ra nhiều vấn đề mà các trường ĐH-CĐ tại VN cần quan tâm về tiến trình KĐCL.

Lúng túng

Tại hội thảo về KĐCL mới đây tại Đà Lạt, không ít lãnh đạo các trường ĐH-CĐ vẫn tỏ ra lúng túng khi chuẩn bị triển khai công việc này ở đơn vị mình. Trong năm 2005, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn 10 trường ĐH công lập tham gia KĐCL đợt 1; đợt 2 trong năm 2006 có 10 trường tham gia, trong đó có 2 trường dân lập là ĐHDL Hải Phòng và ĐHDL Văn Lang. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thành lập đơn vị chuyên trách về khảo thí và đảm bảo chất lượng để triển khai tự đánh giá, xây dựng kế hoạch phấn đấu đạt tiêu chuẩn KĐCL cho từng giai đoạn, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (thông tin về trường, kết quả điều tra tình hình đào tạo, tình hình sinh viên tốt nghiệp hằng năm và sinh viên đã có việc làm...).

Bộ tiêu chuẩn KĐCL theo Quyết định 38 (KĐCL-38) của Bộ GD-ĐT gồm 10 tiêu chuẩn và 40 tiêu chí, quy trình KĐCL có 3 bước cơ bản: 1) Tự đánh giá của trường ĐH (tức "đánh giá trong") - 2) Đánh giá ngoài - 3) Thẩm định và công nhận trường ĐH đạt tiêu chuẩn KĐCL-38.

Các trường ĐH tham gia KĐCL đợt 1 đã hoàn tất khâu đánh giá trong (tự đánh giá của trường ĐH), đang chuyển sang giai đoạn đánh giá ngoài để được công nhận kết quả kiểm định trong năm 2006; dự kiến các trường tham gia đợt 2 sẽ hoàn tất khâu đánh giá trong trước ngày 5/9 năm nay để sau đó chuyển qua khâu đánh giá ngoài và cuối năm được công nhận. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành KĐCL với tất cả các trường ĐH còn lại, dự kiến hoàn tất vào năm 2010.

Ngoài bộ tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT, còn có các tiêu chí đánh giá khác từ các bộ tiêu chuẩn chất lượng của mạng ĐH Đông Nam Á (AUN - gồm 17 thành viên, trong đó VN có 2 thành viên là ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM), tổ chức kiểm định của Ủy ban bằng kỹ sư Pháp (CTI), kiểm định theo tiêu chuẩn ISO... Đề án KĐCL khác của ĐHQG TP.HCM được thông qua vào tháng 3/2004, thời điểm các bộ tiêu chuẩn chất lượng của Bộ GD-ĐT và AUN vẫn còn chưa được ban hành và sau khi bộ tiêu chuẩn AUN được chính thức thông qua thì đề án của ĐHQG TP.HCM đã bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể của AUN, đồng thời cũng đã sử dụng các công cụ và hướng dẫn kỹ thuật của AUN để thực hiện đánh giá đồng cấp tại các đơn vị thành viên. Bộ tiêu chuẩn KĐCL của ĐHQG Hà Nội có một số tiêu chí đặt mức yêu cầu cao hơn bộ tiêu chuẩn KĐCL của Bộ GD-ĐT hiện nay. Chưa kể một số trường đã tự tiếp cận với những mô hình chất lượng quốc tế, trong đó có bộ tiêu chuẩn của ISO. Một số ngành và khoa của các trường ĐH có yếu tố liên kết với nước ngoài đều phải thực hiện các tiêu chuẩn đánh giá của trường liên kết.

"Soi gương" và "chụp ảnh"

Thạc sĩ Đinh Tuấn Dũng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng: "Biên giới quốc gia - trước kia thường được xác định bởi biên giới lãnh thổ - không còn nguyên giá trị, mà còn được nhắc đến những sản phẩm vật chất và phi vật chất như hàng hóa, phim ảnh, văn hóa, trường ĐH danh tiếng...". Chính vì vậy, trường của ông và nhiều trường ĐH khác (ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH bán công Tôn Đức Thắng, ĐH dân lập Hải Phòng, ĐH Đà Lạt, ĐH dân lập Duy Tân Đà Nẵng...) đã lựa chọn phương pháp quản lý theo kiểu công nghiệp là áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO và tiến hành KĐCL của trường.

Suy nghĩ cứ đến bệnh viện "là ra bệnh" đã khiến một số trường chưa muốn KĐCL, ngại công bố công khai, sợ bị xếp hạng... TS Huỳnh Văn Thông (Trường ĐH Đà Lạt) khẳng định kết quả KĐCL chỉ nên hiểu là "ảnh chụp" tại một thời điểm của văn hóa chất lượng ở từng cơ sở giáo dục ĐH, do đó KĐCL chỉ có giá trị khi các cơ sở giáo dục ĐH thật sự mong muốn nắm bắt rõ ràng một cách thường xuyên hình ảnh chất lượng của đơn vị mình để liên tục cải tiến chất lượng.

Về điều này, TS Nguyễn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Văn Lang) nhận định: "Dù có sớm tham gia KĐCL hay không thì mỗi trường ĐH cũng nên tiến hành giai đoạn tự đánh giá, tự "soi gương" (đánh giá trong) để tìm ra mặt mạnh và mặt yếu của mình. Vấn đề là bước qua giai đoạn "chụp ảnh" (đánh giá ngoài) thì cứ để người chụp ảnh chụp thoải mái, muốn chụp chỗ nào cũng được chứ không phải cứ quay chỗ đẹp ra để chụp, cố tình che đi những chỗ xấu!". Vẫn là "chuyện gương soi", PGS-TS Lê Đức Ngọc (ĐHQG Hà Nội) đồng tình: "Bộ tiêu chuẩn KĐCL của Bộ đưa ra như một cái gương để các trường "soi" trường mình đạt được gì, chưa đạt điểm gì để có kế hoạch điều chỉnh. Vì vậy dù chưa có trong danh sách 20 trường đầu tiên tham gia KĐCL-38, các trường còn lại đều nên tự "soi" mình, khi nào hội đủ khá nhiều tiêu chuẩn thì có thể tự viết báo cáo đánh giá trong và yêu cầu được đánh giá ngoài".

Các đại biểu dự hội thảo về kiểm định chất lượng tại Đà Lạt

Ai đánh giá?

Có hai vấn đề được đặt ra trong các cuộc hội thảo là: ai đứng ra xây dựng bộ tiêu chuẩn KĐCL ĐH và ai đứng ra tổ chức KĐCL ĐH? TS Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết hầu hết các quốc gia đều thành lập tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục có cơ chế hoàn toàn độc lập với chính phủ và các trường, theo những quy định và nội dung khác nhau. Nhóm giảng viên Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP.HCM gồm GVC Lê Hoàng Bình, TS Lê Đình Phương và TS Lưu Thanh Tâm đặt vấn đề quy định KĐCL của Bộ có phù hợp với thông lệ quốc tế chưa, và lập luận: "Theo nguyên tắc 3 bên thì bên thứ nhất - trường tự đánh giá theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT; bên thứ hai - tổ chức độc lập đánh giá ngoài chứ không phải cơ quan thuộc Bộ GD-ĐT; bên thứ ba - xã hội công nhận chất lượng. Trên thực tế, công việc của 3 bên hiện nay đều do Bộ GD-ĐT quản lý".

PGS-TS Đỗ Huy Thịnh (Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO tại VN) cho biết: "Ở Mỹ, việc kiểm định là do các tổ chức độc lập, tư nhân, phi lợi nhuận thực hiện. Điều này nói lên tính độc lập của tổ chức kiểm định và làm rạch ròi hai quan điểm giữa một bên cấp phép hoạt động (Nhà nước) và một bên chứng nhận có đảm bảo được hoạt động chất lượng hay không (tư nhân). Một điều cần nói là các trường không kiểm định không thể liên thông với với các trường được kiểm định. Vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng: sinh viên Mỹ khi tìm hiểu trường để đăng ký học thường trước hết xem xét trường đó đã được kiểm định hay chưa". PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa (Giám đốc TT khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM) cung cấp thêm tình hình ở châu Âu: "Trình độ phát triển về đảm bảo chất lượng ở châu Âu có nhiều khác nhau, có nhiều mô hình phong phú nhưng đa số là độc lập với chính phủ"

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa đề nghị nên theo xu hướng chung của thế giới là có một bộ phận cơ quan độc lập đảm nhận việc đánh giá ngoài. Ông nói: "Tiến trình KĐCL dành cho 20 trường đầu tiên tại VN có thể vẫn giữ như cũ nhưng từ năm 2007 trở đi nên giao Hiệp hội các trường ĐH VN sau này đảm nhận việc đánh giá ngoài".

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.