Tiết lộ này phù hợp với những thông tin chúng tôi nhận được trước đó vài giờ từ ông X., người đã từng lăn lội gần 30 năm với nghề trầm hương, từng đưa kỳ nam đến Viện Pastuer phân chất, từng "tức cười" khi trong một biên bản thời 1980 người ta định danh kỳ nam là "gỗ mục có mùi thơm". Theo ông, sau khi D. dzịt là người địa phương Phú Yên mua 2.5kg, nhóm "hiệp danh" 4 người của Tu. từ Sài Gòn ra đã đẩy giá lên, mua một cục kỳ gần 8 kg "còn sót bông" nhưng đen bóng, vân nổi cuồn cuộn như cánh tay Lý Đức. Do giá quá hớp, trên 600 triệu đồng/kg nên hầu hết lái địa phương "tắt thở". Sau đó, một cục gần 1kg được cánh Sài Gòn mua luôn.
|
|
Theo ông X., thị trường trầm hương Đài Loan chủ yếu mua đi bán lại sang Trung cận đông và Nhật bản. Nếu ở Đài Loan, Nhật bản, mỗi khi có khách quý, họ đãi rượu ngâm kỳ, gọi là "kỳ nam tửu", nướng gà bằng bột kỳ, gọi là "kỳ nam kê" thì ở các quốc gia theo đạo Hồi, vào tháng 8 mùa nước lớn, người ta thường xông tinh dầu trầm kỳ cúng thánh Ala, xoa lên áo choàng trước khi đến đền thờ hoặc xoa lên người nhằm trừ khí độc trước khi vào khu vực khai thác dầu. Ngược lại ở Ấn độ, người ta chỉ mới dùng đến trầm hương. Thường vào phút chót cuộc hỏa thiêu, người nhà rải bột trầm vào đốm lửa, mùi thơm tỏa lên, người thân tụ vào, lấy tro hài cốt về thờ.
Theo trang web của Công ty DJ (Trung quốc), hầu hết trầm kỳ trên thế giới đều xuất phát từ các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia, Indonesia nhưng chỉ có trầm kỳ Việt Nam "là số một". Vì vậy, không loại trừ giới thương lái mang trầm kỳ từ ngoài biên giới về Việt Nam để xuất đi dưới nhãn hiệu Việt Nam. Còn theo ông X., nếu thập niên 1980 trầm kỳ là hàng quốc cấm thì sau này do rừng "càng ngày càng mỏng" nên chúng được chuyển sang danh mục "mặt hàng do nhà nước thống nhất quản lý" rồi hạ cấp thành "nguyên liệu làm nhang" như hiện nay.
Thức trắng đêm vì tin "vịt" kỳ nam! Đêm ngày 3 rạng sáng 4/5, cả làng Mỹ An (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thức trắng đêm do có tin trúng kỳ. Hầu hết thương lái Đại Lộc và "đội quân tóc dài" có mặt chung quanh nhà anh Bình và Cu Đen. Chờ mãi đến sáng vẫn không thấy kỳ nam đâu mà chỉ có chuyện... kỳ cục. Số là, anh Bình và Cu Đen sau chuyến đi rừng, điện về nhà "chuẩn bị 3 triệu đồng để trả tiền thuê xe". Người anh em cọc chèo của Bình tưởng thiệt liền chuẩn bị lễ tạ thần rừng đồng thời bắn tin nóng cho các thương lái và giới buôn vàng Đại Lộc, Đà Nẵng chuẩn bị tiền lấy kỳ nam. Cuối cùng chỉ có vụ 3 triệu đồng là có thật do anh Bình và Cu Đen bị "rớt ba lô" (tức thất bại) tốn hết chừng ấy tiền! Chỉ là tin vịt nhưng vì sao người ta dễ tin như vậy? Vì trước đây chưa lâu, nhóm Nguyễn Thanh Tuấn ở làng Song Bình cùng xã Đại Quang trúng trên 10kg kỳ tử. Chính ông X. là người đã mua trọn số hàng, bán lại cho các trùm ở Sài Gòn. |
Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)