Đau bao tử, ăn lá mơ và lạc sống sẽ khỏi?

09/05/2006 20:44 GMT+7

Hỏi: Tôi bị đau bao tử, có người mách ăn lá mơ (lá mơ leo, màu tím) và lạc sống phơi khô (đậu phộng) trước bữa ăn 20 phút (10-15 lá mơ và 15-20 hạt đậu phộng, nhai lẫn nhau). Tôi thực hiện và thấy có kết quả tốt, tuy nhiên phải ăn lâu dài cho đến khi khỏi. Tôi muốn hỏi cách chữa trên có cơ sở khoa học không và liệu ăn lạc sống trong thời gian dài có ảnh hưởng đến sức khỏe không? (Nguyen Manh Hung - 170 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM)

Đáp: Lá mơ (dây mơ lông) tên khoa học Pea deriatomen tusa, thuộc họ cà phê. Thành phần hóa học trong cây chủ yếu có chứa tinh dầu hăng, một số tác giả cho rằng có 2 chất ancaloid là Peaderin anfa và beta. Công dụng của lá mơ lông chủ yếu để chữa lỵ, ngoài ra ở Ấn Độ còn dùng cây này để uống hoặc xoa bóp chữa tê thấp, lá sắc chữa bệnh sỏi thận, bí tiểu.

Hạt lạc (đậu phộng) gồm 2-3% lớp vỏ lụa với một số thành phần như catechol, leucoanthoxyan làm cho vỏ lạc có tính chất của vitamin P. Thành phần chủ yếu của nhân lạc là 40-50% chất béo (dầu lạc) và các axit béo no và không no; khoảng 50% còn lại là nước, chất vô cơ, gluxit, protide; trong hạt lạc còn có chất cầm máu có tác dụng tốt đối với những bệnh ưa chảy máu. Khô dầu lạc (bã sau khi ép) được dùng trong công nghiệp bánh kẹo, làm thức ăn cho gia súc gia cầm. Khô dầu lạc nếu phơi sấy không tốt sẽ bị ẩm dễ phát sinh một loại nấm có thể gây độc và tổn thương gan. Trong công nghiệp chế biến thuốc, dầu lạc được dùng làm dung môi làm dầu tiêm, dầu xoa ngoài.

Như vậy qua phân tích thành phần cũng như công dụng của lạc cũng như lá mơ lông (theo tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi) cho thấy tác dụng để chữa bệnh bao tử hầu như không có. Bài thuốc mà bạn có được có lẽ là bài thuốc truyền miệng trong dân gian, chưa có cơ sở khoa học. Lạc sống phơi khô nếu không cẩn thận để nấm mốc còn gây độc cho gan và hệ tiêu hóa.

BS Bạch Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.