Làm gì để phát triển đô thị bền vững?

18/05/2006 11:34 GMT+7

Thực trạng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị; làm thế nào để kiểm soát được các quy hoạch, phát huy tốt công tác quản lý và xây dựng theo quy hoạch?

GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: đến nay, cả nước đã hình thành 10 vùng đô thị hóa đặc trưng với 718 đô thị lớn nhỏ. Bên cạnh những ưu điểm đạt được, chúng ta không khỏi phân vân lo lắng trước nhiều hiện tượng bất cập trong quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hiện nay.

Việc xây dựng tự phát của một số bộ phận dân cư, hay các cơ quan, xí nghiệp tại đô thị vẫn tiếp diễn không theo quy hoạch đã duyệt. Việc chuẩn bị mặt bằng xây dựng, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật xây dựng như giao thông, điện, nước, cống rãnh, thông tin liên lạc... không được thực hiện đầy đủ, đồng bộ đã làm cho công tác xây dựng vốn đã chắp vá lại càng lộn xộn theo kiểu tùy tiện, mạnh ai người nấy chạy, bất kể đúng sai.

Mặc dù phát triển khá mạnh song các đô thị Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội hóa nhà ở cho mọi đối tượng. Hệ thống các đô thị - trung tâm chưa hình thành đều khắp các vùng. Đa phần dân số đô thị sống ở Hà Nội và TP.HCM. Các đô thị lớn có sức hút mạnh đang tạo ra sự tập trung dân cư, công nghiệp quá tải nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu điều hòa quá trình tăng trưởng đó, trong khi các đô thị nhỏ và vừa thì kém sức hấp dẫn, không có khả năng đảm nhiệm nổi vị trí và vai trò trung tâm của mình trong mạng lưới đô thị quốc gia.

Thêm vào đó, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được các hoạt động phát triển, nhất là đối với lĩnh vực đầu tư tư nhân (nhà ở, khách sạn công trình thương mại, du lịch...). Hơn nữa, công tác quy hoạch cũng còn nhiều bất cập. Việc quy hoạch tiến hành chậm so với thực tế xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị còn thiếu và chất lượng còn hạn chế do thiếu cơ sở tài liệu điều tra cơ bản. Kiến trúc đô thị phát triển chưa có định hướng, nhiều di sản, kiến trúc văn hóa có giá trị của dân tộc đang bị vi phạm và biến dạng nghiêm trọng.

Trong các khu đô thị mới, phần lớn đất đai dành phát triển quỹ nhà ở, xây dựng các công trình dịch vụ để bán và cho thuê, diện tích cây xanh, các khu vui chơi công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt suất đầu tư hạ tầng cơ sở. Xét về lợi ích kinh tế trước mắt, cách đầu tư xây dựng này sẽ giúp chủ đầu tư thu hồi vốn và có lãi nhanh nhất nhưng về lâu dài nó lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường cũng như chất lượng dịch vụ xã hội của khu vực (khu nhà ở ngày càng bị thiếu diện tích vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ, các tuyến đi bộ...). Tuy nhiên đến nay, nhà nước vẫn chưa có bất cứ công cụ hữu hiệu nào để kiểm tra, đánh giá phản hồi hoặc chất vấn những hoạt động quy hoạch như vậy.

Thiếu sự đồng bộ thống nhất giữa nhà quản lý, nhà tư vấn quy hoạch, nhà kiến trúc, nhà xây dựng trong quá trình quản lý quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị đã làm cho cảnh quan đô thị trở nên xấu xí, hỗn tạp, đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị. Cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các khu dân cư đô thị nhìn chung không đồng bộ, mạng lưới giao thông trong và ngoài đô thị chưa phát triển, gây trở ngại cho các mối liên thông giữa đô thị với các vùng lân cận cũng như với hoạt động: làm việc - nghỉ ngơi - sinh hoạt của người dân trong đô thị.

Các chính sách, biện pháp, cơ chế tạo vốn, tạo điều kiện phát huy sức mạnh của cộng đồng vào mục đích xây dựng đô thị còn thiếu, các thủ tục hành chính trong giao đất, cấp phép xây dựng và thẩm định các dự án đầu tư còn nhiều phiền hà. Việc phân công, phân cấp trong quản lý xây dựng đô thị còn chồng chéo, năng lực của chính quyền đô thị chưa tốt, các tồn tại trong quản lý nhà và đất đô thị chậm được giải quyết cũng đang là những trở ngại lớn trong việc thiết lập lại trật tự kỷ cương và tạo nguồn lực phát triển đô thị Việt Nam.

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2020, quy mô đô thị từ mức 19 triệu người, diện tích 1.140km2 năm 2000 sẽ tăng lên 30,4 triệu người và diện tích 2.432km2 vào năm 2010, 40 triệu người và diện tích 4.600km2 (chiếm 45% dân số và 1,4% diện tích cả nước) vào năm 2020. Để công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đi vào nề nếp, có hiệu quả, có giá trị thực tiễn cao, đòi hỏi phải xây dựng được một hệ thống quản lý với những quy chế và thể chế luật lệ thích hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế xã hội mới ở nước ta.

Trong đó cần chú trọng tới sự phối hợp chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực quản lý đất đai đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông công chính, đầu tư xây dựng, quản lý công trình xây dựng... Chính quyền đô thị phải có chế độ chính sách thích hợp để đảm bảo tốt được vấn đề phát triển đô thị hài hòa, hiện thực và hợp lý nhất trong phân công trách nhiệm, tránh sự chống chéo không cần thiết trong xây dựng đô thị.

Huyền Ngân/Thời báo Kinh tế Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.