Mở nhiều chương trình nghề nghiệp
Dễ dàng nhận thấy trong thời gian gần đây, hoạt động săn tìm SV giỏi càng trở nên rầm rộ hơn bằng nhiều chương trình do các công ty mở ra. Nếu như từ năm 2000 đến nay, hằng năm Unilever đều tổ chức ngày hội quản trị viên tập sự thì P&G cũng có chương trình Career Camp (huấn luyện nghề nghiệp và học bổng thực tập) để tìm kiếm SV giỏi. Mới đây, Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) tổ chức buổi giao lưu với hơn 300 SV năm cuối. Đây đều là những SV khá, giỏi, có cơ hội được tuyển chọn vào các vị trí nhân viên tư vấn luật, nhân sự, thuế... Ông Damian Clowes - Giám đốc nhân sự PwC - nói: “Nếu không có nhân sự giỏi thì chúng tôi sẽ không có dịch vụ tốt. Vì vậy, chúng tôi luôn muốn tuyển dụng những người giỏi mà đối tượng là các bạnSV trẻ”...
Còn tại Công ty Liên doanh Xi măng Holcim VN đối tượng mà nhà tuyển dụng này hướng đến là SV ĐH Bách khoa TP.HCM. Bà Cao Thị Anh Hoa - Giám đốc nhân sự - cho hay hằng năm công ty tài trợ 120 triệu đồng hỗ trợ học bổng cho SV học giỏi có hoàn cảnh khó khăn của trường. Những SV này đều có trong danh sách ưu tiên tuyển chọn và từ năm 2002 đến nay, đã có 50 SV tốt nghiệp từ trường này được vào Holcim làm việc. Còn theo bà Đặng Thị Thu Hà - phụ trách nhân sự Công ty P&G - ước tính hằng năm công ty chi phí 100 triệu đồng thực hiện những chương trình hỗ trợ SV. Qua đó, SV được trang bị kiến thức, những kỹ năng làm việc và đặc biệt là cơ hội được giữ lại làm nhân viên chính thức.
Cơ hội phát triển nghề nghiệp
Đại diện Công ty BAT cho rằng khi được tuyển chọn làm quản trị viên tập sự, 100% SV sẽ được giữ lại làm nhân viên chính thức với nhiều cơ hội được đào tạo làm nhà quản lý tương lai. Trong đó có thể kể đến những chương trình phát triển kỹ năng chuyên môn, quản lý dự án, kỹ năng về kinh doanh, khả năng lãnh đạo. Ngoài ra, các bạn trẻ còn được tham gia vào các dự án trong và ngoài nước, được tiếp xúc với phương pháp làm việc tối ưu. Ứng viên có năng lực sẽ được đề bạt vào vị trí quản lý sau hai năm làm việc. Và dĩ nhiên để tìm được người giỏi, mỗi năm công ty bỏ ra khoảng 200.000 USD cho việc đào tạo. Còn tại Pepsico, ông Trần Trọng Gia Vinh nói rằng mỗi SV khi được tuyển chọn vào, sẽ được đào tạo qua 3 giai đoạn gồm: hội nhập, đầu tư về chuyên môn và cuối cùng là công việc thực tế. Để đầu tư phát triển nguồn nhân lực hạt nhân này, công ty cũng bỏ ra từ 15% - 17% trong tổng doanh thu để đầu tư cho nhân lực quản lý mới này.
Đãi cát tìm vàng
Dù ngày càng có nhiều công ty mở các chương trình, hoạt động nghề nghiệp, việc làm thu hút đông đảo SV tham gia. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng. Thông qua ngày hội quản trị viên tập sự, hằng năm Unilever thu hút khoảng 2.000 SV về với mình, nhưng qua tuyển chọn chỉ khoảng 20 người, sau đó chỉ vài người được cất nhắc vào các vị trí quản lý. Cách đây hơn một tuần, Công ty Nhân Việt tuyển SV cho chương trình quản trị viên thực tập, 150 SV đăng ký và mục tiêu Nhân Việt đặt ra là thu hút 500 SV. Để được tuyển vào chương trình, các ứng viên phải trải qua các vòng thi khá cam go như trắc nghiệm kiến thức, kiểm tra tư duy, phỏng vấn với bộ phận nhân sự, phỏng vấn vòng 2 tại trung tâm khảo thí và cuối cùng là phỏng vấn với trưởng phòng ban...
Theo đánh giá của một số công ty, thông thường qua các hoạt động săn lùng, tỉ lệ sinh viên trụ được với các công ty chỉ khoảng dưới 5%. Dù số lượng ít, nhưng đây thực sự là những người giỏi, có thể bố trí vào những vị trí quản lý chủ chốt của các công ty trong tương lai.
Theo Huỳnh Nga/báo Người Lao Động
Bình luận (0)