Nghệ sĩ và nỗi lo phòng thân

25/05/2006 21:40 GMT+7

Càng ngày, fan hâm mộ hoặc khán giả có quan tâm đến đời sống của những nghệ sĩ mình yêu thích lại thấy các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, shop thời trang, mỹ phẩm, rồi công ty, hãng phim... của anh em văn nghệ mọc lên càng nhiều. Từ những cái tên mà tuổi sắp về chiều cho đến lớp trẻ mới vào nghề, hầu hết đều chọn thêm một nghề tay trái, đều chuẩn bị cho mình một "ngã rẽ" khi cái duyên với nghệ thuật không còn...

Làm kinh tế - thử tài kinh doanh

Dẫu biết rằng "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" nhưng dường như không ai không muốn "khám phá" thêm khả năng của mình. Khám phá để thử sức mình ở một lĩnh vực khác, hoặc có khi đơn giản chỉ để "cho vui", hay để thỏa niềm đam mê từ nhỏ. Và đúng là nhìn vào đời sống phía sau sân khấu, bên ngoài trường quay của các ca sĩ, diễn viên, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được không khí rộn ràng của... nghề tay trái. Nào nghệ sĩ Phước Sang - hãng phim Phước Sang, đạo diễn Trinh Hoan - HK phim, đạo diễn Phan Hoàng - Cửu Long phim, diễn viên Ngọc Hiệp - hãng phim Việt (chị là phó giám đốc), người mẫu Trương Ngọc Ánh - Công ty Ánh Việt; diễn viên Chi Bảo, siêu mẫu Xuân Lan, ca sĩ Lam Trường... cũng có công ty riêng; ca sĩ Ánh Tuyết có phòng trà ATB, Mỹ Hạnh có phòng trà 2B, nhạc sĩ Lê Quang cũng mới mở phòng trà Không Tên; ca sĩ Thanh Thảo là chủ của Andy Spa, đạo diễn Lê Cung Bắc mở nhà hàng... Đó là chưa kể những hoạt động kinh doanh "thường thường bậc trung" của rất nhiều những nghệ sĩ khác.


Lê Quang trước phòng trà Không Tên của anh - ảnh: Tư liệu

Khi được hỏi về nghề tay trái - nhưng lại là nguồn thu nhập chính, đa số họ đều có lời đáp như nhau: Bên cạnh nghiệp diễn, nghề ca, họ còn có một đam mê khác, và muốn thử sức với lĩnh vực cũng được mình yêu thích khi có điều kiện. Như ca sĩ trẻ Tùng Dương cho biết: "Ngoài thời gian đi hát, thu âm, đôi lúc thấy mình vẫn còn... rảnh, nên cùng với người bạn mở quán ăn cho vui". Nói là cho vui nhưng "mảnh đất vàng" - quán ăn Golden Land (15 Chả Cá, Hà Nội) của họ đã được đầu tư không ít. Tùng Dương hồ hởi khoe: "Quán ăn được mẹ thiết kế rất công phu, màu sắc dân tộc rất rõ. Thực đơn có cả món tây lẫn ta, khách nước ngoài đến cũng nhiều. Có lao vào kinh doanh, mua bán mới thấy chuyện thành công trong lĩnh vực này là không phải dễ. Chưa biết về sau thế nào nhưng trước mắt thì... rất thú vị". Cũng đang bị lôi cuốn với việc kinh doanh như Tùng Dương là diễn viên Kim Hiền. Trở lại với điện ảnh sau khi bé trai đầu lòng đã cứng cáp, cô diễn viên trẻ này cũng "muốn làm thêm một cái gì đó, muốn được lo cho con đầy đủ hơn để không thua kém ai (cười)" nên cũng mở một shop quần áo chuyên bán "đồ độc, không đụng hàng". Đây cũng là việc làm cô đã dự định từ lâu, bởi Kim Hiền vốn thích sưu tầm "hàng độc". Hỏi về công việc "phụ" này, người mẹ trẻ vui vẻ kể: "Quần áo, giỏ xách, dây đeo... trong cửa hàng được chọn mua từ nhiều nơi, nhiều nước, chủ yếu là từ Hồng Kông, Hàn Quốc. Có những mặt hàng ưng ý, em lại tự thiết kế - đính kết thêm theo ý tưởng của mình, nhưng cũng hợp với thời trang hiện tại, thế là sản phẩm của em trở thành... độc nhất vô nhị. Cô bạn thân Tăng Thanh Hà đi học ở Singapore cũng thường xuyên gửi những mặt hàng trang sức về. Vì hai đứa rất hợp, hiểu nhau nên những kiểu Hà chọn cũng rất "ăn rơ" với ý tưởng thiết kế chúng trên trang phục của em. Mới mở hơn một tháng nên xong việc chụp ảnh, đóng phim là em chạy ù về shop để "chăm sóc" nó, rồi chơi với con. Công việc sáng tạo làm cho em càng thấy thích thú, yêu đời hơn. Có thể ban đầu là sở thích nhưng biết đâu về sau em sẽ chọn nó làm nghề chính". Có thể nói, những người chọn thêm lĩnh vực khác theo sở thích tạm thời hầu hết là người trẻ. Thấy hay, thấy thích và vui thì làm; vậy nên mới có chuyện khi công việc không thuận lợi nữa thì đành gác lại. Như ca sĩ Thái Thùy Linh, mở Link cà phê không bao lâu thì sang chuyển vì "khi có một dự án âm nhạc - vẫn là lĩnh vực ưu tiên, thời gian không cho phép mình... phân thân".

Và kinh doanh để lo cho... hậu vận (?!)


Đôi nghệ sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu - ảnh: T.L

Cùng với sở thích, không ít nghệ sĩ cho rằng con đường nghệ thuật vốn chông chênh, gập ghềnh và cái duyên với nghệ thuật cũng không thắm mãi; nên để "chắc ăn" về sau, đa phần họ đều "thủ" cho mình một ngã rẽ khác. Dù đang ở giai đoạn sung sức của nghề ca hát, ca sĩ Thanh Thảo vẫn quyết định mở Spa, bởi: "Không chỉ riêng Thảo mà các anh em khác cũng vậy, họ đều lo xa. Ai chẳng muốn gắn bó suốt đời với nghề đã chọn, nhưng ca hát cũng có giới hạn, và mình biết nên dừng lúc nào. Có điều kiện thì cứ làm những gì mình muốn. Việc mở Spa giai đoạn này không chỉ lo cho tương lai, mà nó còn là hoạt động nhằm bổ sung tài chính cho những đam mê nghệ thuật của mình. Khi kinh tế ổn định, dư dả, mình sẽ yên tâm hơn và thoải mái tư tưởng hơn trong ca hát". Nhạc sĩ Lê Quang cũng không ngoại lệ. Mơ ước được thực hiện những chương trình âm nhạc theo ý tưởng, sở thích của mình ngày nào nay đã hóa hiện thực. Anh mở phòng trà để thỏa chí... sáng tạo, để làm nơi lui tới cho các anh em đồng nghiệp. Cùng với phòng trà là công ty tổ chức biểu diễn Tam Giao, sẽ "khai trương" bằng tour xuyên Việt làm cho ca sĩ Quang Dũng mang tên Du ca vào tháng 9 tới. Anh cho biết, nhiều nghệ sĩ khác khi tâm sự với anh cũng cho rằng họ không yên tâm khi không có thêm một nghề khác, ngoài nghệ thuật. Và nếu thành công thì sẽ phát triển lâu dài, còn ca hát sẽ được xem như một cuộc chơi nghệ thuật thuần túy. "Khi nghệ thuật không bị chi phối bởi tiền bạc thì sự sáng tạo của người nghệ sĩ sẽ thanh khiết, bay bổng hơn. Vì vậy việc tìm cho mình một nguồn thu nhập ổn định lâu dài của các nghệ sĩ là hoàn toàn hợp lý".

Ngoài kinh doanh, cũng có nhiều con đường khác được chọn để phòng thân. Và, nhìn lại thì đúng là số người làm nghệ thuật chung thủy, sống chết với nghề không nhiều lắm. Đề cập vấn đề này với ca sĩ Cẩm Vân, một điển hình của sự thủy chung với nghề, chị cũng tán thành chuyện "phòng thân" bằng lĩnh vực khác của các nghệ sĩ. "Vẫn biết để đứng vững với nghề ca hát không phải dễ, mà sống bằng nghề ca hát lại càng khó. Nhưng đến giờ này tôi cũng chưa biết nên làm gì, ngoài việc đi hát. Bạn bè cũng bảo tôi "lỳ" thật. Nhưng sau này, nếu có điều kiện, tôi sẽ mở một cửa hàng thời trang cho mọi lứa tuổi, đủ các thành phần. Đồng nghiệp rầm rộ kinh doanh làm mình cũng lo, nhưng hiện giờ tôi cảm thấy hài lòng về công việc và cuộc sống của mình", Cẩm Vân tâm sự.

Trương Ngọc Ánh: “Đẹp không phải là bí quyết để thành công”


Trương Ngọc Ánh              ảnh: D.L

Trong thế giới nghệ sĩ, cho đến nay Trương Ngọc Ánh là nhân vật được nhận xét là thành công ở mọi lĩnh vực. Bên cạnh những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật, "bà chủ" Trương Ngọc Ánh còn được xem là một doanh nhân thành đạt với nhiều chiến lược kinh doanh hiệu quả. Chị đã tâm sự về những gì mà mình tham gia.

* Thành công của Trương Ngọc Ánh đến nay đã có quá nhiều người biết đến: người mẫu, ca sĩ, diễn viên điện ảnh, doanh nhân... Chị có dừng lại ở những vai trò này hay còn tiến xa hơn nữa?

- Có lẽ tạm thời là thế thôi, vì nếu mình ôm đồm nhiều quá cùng một lúc mà không có thời gian để đầu tư thì sẽ bị ảnh hưởng. Ánh cũng đang có những dự định khác nữa nhưng sợ nói trước bước không tới. Bạn hãy chờ thời gian kế tiếp với những hoạt động mới của mình nhé !

*Gần đây, chị liên tục thành công ở lĩnh vực điện ảnh, nhất là ở hai vai diễn trong phim Áo lụa Hà Đông và Hạt mưa rơi bao lâu... Chị có ngại người khác cho rằng nhờ sắc đẹp và tên tuổi mà Trương Ngọc Ánh thành công chứ chưa phải nhờ thực lực?

- Ánh không nghĩ là nhờ sắc đẹp và tên tuổi thì sẽ được thành công.  Ngọc Ánh từng nói rất nhiều lần là sắc đẹp không phải là bí quyết thành công của mình.

* Nhưng chị có công nhận sự thành công của con người không chỉ nhờ trí tuệ mà còn phải nhờ nhan sắc cộng may mắn?

- Đồng ý là vậy, nhưng cũng có thể nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu không có sự nỗ lực từ chính bản thân mình.

* Để có được mọi thứ cho ngày hôm nay, chị có phải trả một cái giá nào đó?

- Nói cái giá phải trả thì có vẻ hơi quá, nhưng Ngọc Ánh đã bị mất đi những ngày tháng sống bên gia đình, bố mẹ và em trai để đi lập nghiệp. Xa quê hương, gia đình quả thật rất buồn nhưng bù vào đó Ngọc Ánh rất vui vì ít nhiều gì thì sự cống hiến của mình đã được người khác biết đến và công nhận.

* Được biết, bản thân Trương Ngọc Ánh nói riêng và công ty của chị nói chung vừa đảm nhận thêm một vai trò khá đặc biệt trong tạp chí Thế giới nghệ sĩ. Chị có thể nói một chút về điều này?

- À! Công ty Ánh hiện đang phụ trách phần đăng quảng cáo cho Tạp chí Thế giới nghệ sĩ. Đối với Ánh thì đây là công việc khá quan trọng và mới mẻ nên chú tâm làm hết sức mình. Mọi công việc xem ra đang tiến triển rất tốt vì công ty mình cũng đang hoạt động về ngành quảng cáo mà.

* Đã lập gia đình rồi lại nhận thêm nhiều vai trò mới, thời gian đâu chị lo cho tổ ấm của mình ở công việc làm vợ, rồi còn làm mẹ nữa?

- Ngọc Ánh cũng đang thu xếp công việc cho ổn định để chuẩn bị cho một vai trò mới trong gia đình đây.

* Sau nhiều năm kinh doanh, chắc chắn Ánh đã vài lần gặp thất bại. Chị phải làm gì để biến thất bại thành thành công?

- Ánh luôn quan niệm rằng, có thất bại thì mới có thành công. Do đó tất cả những gì Ánh làm là niềm khát khao, niềm đam mê. Trong công việc Ánh luôn phải quyết tâm, phải tập trung hết mọi sức lực. Có như vậy thì Ánh mới mong biến thất bại thành thành công dễ dàng.

* Cho đến nay chắc chắn chị sẽ có bí quyết riêng để "làm giàu". Chị có thể chia sẻ với bạn đọc?

- Ngọc Ánh không biết thế nào là đủ, là giàu nữa. Ngọc Ánh cũng đang tìm hiểu học hỏi để làm giàu đây. Mong rằng lúc đó sẽ đưa ra được... bí quyết (cười).

* Xin cảm ơn chị !

Dạ Ly (thực hiện)

NSƯT Hồng Vân: “Nghệ sĩ qua rồi thời có hôm nay mà không có ngày mai...”


Hồng Vân (trái) trong vở Mướn chồng (sân khấu Phú Nhuận) - ảnh: SKPN

Nếu nói đời nghệ sĩ chỉ có hôm nay chứ không có ngày mai như lúc xưa là... xưa rồi. Mỗi thời đại người nghệ sĩ có cái nhìn cuộc sống khác nhau. Nghệ sĩ hôm nay luôn biết nghĩ đến tương lai. Bởi vì tâm lý ai cũng muốn có một sự ổn định về vật chất mới lo làm nghề nổi. Còn nếu làm nghề mà cứ canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền níu kéo thì tâm lý sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đầu tiên, người nghệ sĩ khi kinh doanh thì khách hàng sẽ tìm đến vì lòng hâm mộ, hoặc có thể vì sự... tò mò, thích khám phá. Nhưng đó chỉ mới là lợi thế ban đầu, nếu không đảm bảo chất lượng sản phẩm kinh doanh thì sẽ mất uy tín ngay. Nên cả nhà hàng hay sân khấu của tôi muốn giữ được khán giả, khách hàng thì phải biết chăm lo cho chất lượng vở diễn, địa điểm thuận lợi, tâm lý thoải mái, chất lượng phục vụ và thức ăn ngon... như thế mới mong chiều lòng được khách hàng.

Diễn viên Quyền Linh: “Có thể tôi sẽ thành lập hãng phim, làm băng đĩa”


Quyền Linh - Ảnh: T.L

Kinh doanh mấy lần rồi, nào nhà hàng, chụp ảnh đám cưới... mới rút ra được một điều là tính mình nghệ sĩ quá, cứ dễ dãi, phóng khoáng nên đến giờ vẫn chưa thấy... thành công. Nếu bỏ tính nghệ sĩ đi thì việc kinh doanh đã khác, đằng này lại thêm máu đam mê nghệ thuật, cứ bỏ bê công việc kinh doanh thì kết quả chẳng đâu vào đâu. Bây giờ mở quán cà phê số 135 Lê Thánh Tôn cũng chỉ là để có nơi tiếp khách, tụ họp bạn bè. Còn nếu phải chú tâm vào kinh doanh thì không còn tâm trí với nghệ thuật nữa. Tôi thấy có nhiều nghệ sĩ như vậy, khi đã có danh vọng nghệ thuật ở mức nào đó rồi chuyển qua kinh doanh thì con đường nghệ thuật cũng im tiếng luôn. Phần tôi thì khi kinh doanh thì chỉ thích thú mấy tháng đầu, gọi là có vốn sống của một người kinh doanh, nhưng sau đó là thấy chán. Tôi chỉ thích hợp với vai trò... cố vấn thôi, còn nhất quyết không đụng tay. Nếu từ trước tới giờ tôi có máu mê kinh doanh thì cứ theo Phước Sang, được Phước Sang tạo cơ hội là tôi giàu rồi. Tương lai nếu kinh doanh thì có thể tôi sẽ chọn một hình thức nào đó có liên quan đến nghệ thuật một chút, như thành lập hãng phim, làm băng đĩa... chẳng hạn.

Diễn viên Mỹ Uyên: “Còn trẻ thì phải ráng làm”


Mỹ Uyên trong vở Người đàn ông của trời (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ)        ảnh:  T.L

Ngày trước tôi có mở một cửa hiệu thời trang, hàng thêu may xuất khẩu... sau vì quá bận bịu nên sang lại cho bạn bè. Tôi còn hùn hạp một quán cà phê với Nguyễn Công Trí, nhưng cũng bất thành. Hiện bọn tôi vẫn đang tìm kiếm mặt bằng, hy vọng mở một quán cà phê nào đó để có thể làm nơi tiếp khách, tụ họp bạn bè. Mình làm nghệ thuật thì cuộc sống cũng không đến nỗi nào, nhưng vì còn trẻ nên phải ráng làm, làm được cái gì thì làm. Kinh doanh như thêm một nghề tay trái cũng là cách để ổn định kinh tế. Mà làm kinh tế thì phải có đam mê và động lực mới được. Nếu chọn nghề nào đó để kinh doanh thì tôi vẫn thích cái gì đó có dính dáng đến nghệ thuật hơn, có vậy mới có cảm giác thích thú và nhập tâm được.

Th.An

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.