Người chỉ huy cứu nạn trên biển

26/05/2006 00:24 GMT+7

>> Tiếng khóc từ vùng bị nạn >> Thêm 511 ngư dân trở về đất liền an toàn >> Hàng trăm học sinh có nguy cơ mồ côi và bỏ học >> Tính đến 17h ngày 25/5, bạn đọc báo Thanh Niên đóng góp được 1.321.720.000 đồng giúp gia đình những người bị nạn

1. Để dễ phân biệt với những Xin khác, Đỗ Văn Xin được anh em làng biển Xuân Hà gọi chết tên "Xin Nhà Quê". Mồ côi mẹ khi chưa đầy tuổi. Trước mười lăm, Xin lại mồ côi cha. Một lần về thăm quê ở An Bàng - Hội An, thấy cực quá, bà ngoại Tám đưa cháu ra Xuân Hà. Mê biển, học ít nhưng trí Xin rất sáng. Mỗi lần được lên tàu, lên thúng là chàng "nhà quê" sướng mê tơi. Lặn như rái cá, bơi như người nhái và khi cần, anh cũng loay hoay sửa chữa điện đài, máy móc như ai.

Lớn lên, Xin càng rắn rỏi, được lắm người để ý. Không chỉ các cô gái Thanh Khê, chàng trai này còn được mẹ các cô thương. Ngày đổi tiền năm 1985, đám cưới Đỗ Văn Xin - Trần Thị Hà diễn ra. Câu hỏi đầu tiên của cô dâu: "Sao lại gọi Xin Nhà Quê?". Chú rể chỉ cười. Thế rồi họ có con, đến nay đà 4 cháu, 2 trai 2 gái. Khỏe như cha và hiền như mẹ nhưng chưa thấy đứa nào mê đi biển.

2. Ngày 20.5, trong lúc Đỗ Văn Xin và đồng đội đang tham gia cứu nạn ở biển Đông, tôi cùng bác sĩ Lê Sơn, anh vợ thuyền trưởng Phạm Văn Hoa - người đã qua đời trong bão - tìm đến nhà Xin. Trên mặt bàn là những tấm bản đồ dành cho người đi biển, trên tường là những tấm ảnh gia đình phóng lớn. "Độc đáo" nhất là tấm giấy khen do Hội Nông dân quận Thanh Khê cấp cho Đỗ Văn Xin. Hỏi sao không là Hội Ngư dân, chị Trần Thị Hà, vợ anh Xin, cũng chịu. Chị mở đầu câu chuyện: "Khi hay tin tàu bị cày neo, sóng kéo tàu đi, em liền xuống nhà người quen có ICOM nghe ngóng. Hai lần nghe tiếng anh trong máy, thấy yên tâm. Tới 17.5, chẳng nghe tiếng anh trả lời trên ICOM, ruột gan em như lửa đốt...". Hai hôm sau, năm giờ sáng, anh Xin gọi thẳng về điện thoại bàn. Chưa kịp nói chi, chị đã bị rầy: "Gió máy làm sao gọi, đang cùng anh em lo vớt xác ngoài ni. Chết, bị thương nhiều lắm".

Anh Nguyễn Văn Đường, con trai chủ tàu ĐNa 90199 - đã bị bão đánh chìm, nói về Đỗ Văn Xin: "Gần như khi nào có tàu bị nạn là có mặt Xin Nhà Quê. Trận bão này, Xin điều hành các tàu chẳng khác chi trung phong Lê Huỳnh Đức. Tôi nghĩ những anh em như Xin Nhà Quê, Tý Ù, Cu Đen, Xinh Xoài, Thắm Mập, Tư Nhăn, Thương Ke, Phương Khóc, Anh Nụ, Tèo Ròn, Thu Bình Đào và nhiều anh em tài công, bạn nghề ở các tỉnh khác... đều xứng đáng được Nhà nước phong Anh hùng".


Đưa thuyền viên lên bờ

3. Cập cảng số 1 Đà Nẵng rạng sáng 25.5, lo cho anh em bạn nghề đâu vào đấy, Xin Nhà Quê về nhà lúc 2 giờ. Cả nhà, cả xóm khóc mừng. Anh thì tiếc thương người anh em cô cậu Hồ Văn Sơn chỉ còn xác trở về trên tàu QN 28 cùng 2 người chưa nhận diện. "Ba người chỉ có 10 lon muối ướp, đau lắm!" - Xin bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi tại bến cá Thuận Phước - "Đoàn tàu 29 chiếc xuất phát đêm 24.3 âm lịch (tức 21.4.2006). Hành nghề 17 đêm trên vùng biển cách Đà Nẵng 500 hải lý thì Trung tâm Bạch Long Vĩ báo tin gió mùa đông bắc. Tôi cùng anh em chạy một hơi, thấu đảo thuộc Đài Loan. Núp gió từ 12 tới 14.5, bình yên vui vẻ. Đến 15 giờ kém 15 chiều 13.5, Bạch Long Vĩ báo bão số 1, hai vô một ra, tức Tây - Tây Bắc. 10 giờ kém 15 sáng 14.5 báo bão vào 13 độ vĩ Bắc, 117 độ kinh Đông, thẳng hướng Tây. Ai cũng nghĩ bão vô đất liền. Nhưng rồi, 15 giờ kém 15 chiều 14.5, Bạch Long Vĩ đột ngột báo bão chuyển hướng Bắc - Đông Bắc, tức đi theo hình chữ C, trực chỉ chỗ đoàn tàu 40 chiếc của Đà Nẵng, Quảng Ngãi! Không thể tránh, 8 giờ sáng 15.5 chúng tôi dời neo vào trong vịnh. Khi gió cấp 8 bắt đầu "săn", tôi động viên anh em chặt giở giàn, mặc áo phao, chống bão. Đúng 1 giờ sáng 16.5, bão ập tới, sức gió trên cấp 12. Các tài công nổ máy. Chạy gấp đôi công suất 2.000 vòng/tua, mũi tàu đâm thẳng thân con sóng để giữ thăng bằng. Qua ICOM, lúc 2 giờ sáng, tàu ĐNa 90247 bắt đầu kêu cứu. Trời biển mịt mù, sóng cao 30 thước, chẳng biết làm sao. Đến 5 giờ sáng, một số tàu đứt neo, hỏng máy bị sóng kéo vượt qua khỏi đảo, tốc độ 7 hải lý/giờ! ICOM không ngớt vang lên: "Chắc chết! Chết hết rồi, Xin ơi!".

Anh ngừng một lát, thở dài: "Tàu của tôi cũng bị đứt neo, phải neo đi neo lại tới 3 lần. Cầm cự tới 18 giờ tối 16.5, gió giảm còn cấp 9. Kiểm tra lại 29 tàu, mất tích 9. Hết bão, lại tới mưa, hột nào hột nấy to như ngón tay cái, anh em trần mình suốt đêm, đợi sáng 17.5 mới bắt đầu đi tìm kiếm. Tôi lên chiếc ho-bo của cảnh sát Đài Loan, chạy suốt 8 tiếng đồng hồ chỉ thấy tàu QNg 2676 của Quảng Ngãi và tàu ĐNa 90190 ghếch phần mũi trên mỏm đảo. Do triều ròng, không cứu được tàu, ho-bo Đài Loan đưa 26 người của ĐNa 090190 ra ĐNa 90127 và 8 người của QNg 2676 ra QNg 2650. Sau một đêm, anh em bàn hướng đi tìm đồng đội. Cứ mỗi hướng 3 tàu, cự ly tìm trong vòng 60 - 90 hải lý".


Niềm vui của các gia đình ngư dân khi thấy người thân trở về từ biển

Xin Nhà Quê nói: "Sáng sớm 18.5, tôi điều 4 tàu của Cu Đen, Tú, Tèo Ròn và Xinh Xoài ra hướng Đông Bắc tìm tàu và người. Chiếc ĐNa 90111 bị hút bay khỏi đảo nhưng không chìm, tham gia cứu nạn,  phát hiện xác tàu ĐNa 90053 tại 20,03 vĩ Bắc - 117,20 kinh Đông. Trời tối mịt, mưa to, phải treo đèn lên phần mũi tàu nhô lên, làm dấu. Chạy thêm 2 hải lý, tàu này gặp chiếc QNg 2726 bị lút nhưng tìm quanh không thấy thuyền viên, can, phao nào. Tôi cho ĐNa 90111 chạy đến kiểm tra tàu ĐNa 90342 nhưng cũng chẳng thấy dấu vết một ai. 12 giờ khuya 18.5, tàu ĐNa 90145 do Cu Đen cầm lái, theo dấu đèn, tiếp cận tàu ĐNa 90053. Cu Đen vớt được 2 xác thuyền viên, thân cột vào can 30 lít, đang trôi. Sáng hôm sau, 19.5, cả 20 tàu còn lại của Đà Nẵng đổ đến điểm tàu 53, vớt thêm 16 xác. Tàu ĐNa 90351 còn phát hiện tàu QNg 2121 bị lút, cứu được 4 người đang bám cheo leo trên mũi tàu, cách mặt nước biển chỉ 1m. Anh Khánh thuyền trưởng mặt tái xanh, mừng quá, suýt rơi xuống biển. Chúng tôi đưa lên tàu ĐNa 90154, nấu cháo, đổ nước hồ, cứu anh".

"Tối 19.5, chúng tôi dồn tàu, bàn giao 3 xác cho tàu QNg 2660 Quảng Ngãi và 15 xác còn lại lên 3 tàu của Xinh Xoài, Tèo Ròn và Cu Đen. Cứ 3 xác 1 thúng, nằm cạnh nhau phía đuôi tàu, cuối gió. 7 giờ sáng 20.5, tàu ĐNa 90062 vớt thêm 1 xác, không rõ tên, có vết mổ dài 20 cm giữa bụng, tàu ĐNa 90127 vớt 2 xác, trong đó một không rõ tên, một là Hồ Văn Sơn. Sơn đi tàu ĐNa 90154 do bà Phượng làm nghiệp chủ, khi phát hiện chỉ thấy ván, be, nắp hầm... Còn tàu ĐNa 90199 của anh Phạm Văn Hoa thì chỉ còn mặt cabin, phuy, can... nổi lềnh bềnh. Tính ra, chúng tôi đã vớt tổng cộng 21 xác, cứu sống 4 người, chưa kể 34 người được ho-bo Đài Loan đưa khỏi vùng tàu bị đánh bay lên đảo cạn".

Các anh đã được tàu Trung Quốc tiếp viện? Đỗ Văn Xin: "12 giờ trưa 20.5, tàu Trung Quốc cặp mạn tàu tôi. Chúng tôi không biết tiếng, chỉ ra dấu tay xin muối. Họ cho cả đoàn tàu một chai thuốc cỡ 1 xị để ướp xác nhưng chỉ đủ dùng cho 8 người, 11 người còn lại phải dùng muối. Hết muối, bó tay, tôi nghĩ cách dùng trà để ướp. Rồi cũng hết trà!".

...Hơn 30 năm đi biển, ba lần cứu người cứu tàu trên biển, một lần trở về từ cõi chết nhưng chưa bao giờ thuyền trưởng Đỗ Văn Xin bị rơi vào siêu bão với những cảnh tượng quá đỗi kinh hoàng. "Không thể bỏ nghề nhưng chắc chắn anh em tôi sẽ dừng đi biển một thời gian... Những vòng hoa, những danh hiệu xin dành cho những đồng đội của chúng tôi đã chết, đã không còn dù chỉ là thân xác để trở lại đất liền", Xin Nhà Quê trầm ngâm. Tôi như thấy biển trào trong sóng mắt anh.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.