Người trẻ và nỗi đau bệnh thành tích

01/06/2006 12:07 GMT+7

Tôi có một người bạn tốt nghiệp Sư phạm, được phân công về một trường, tuy không phải là trường điểm song thành tích giảng dạy được đánh giá khá tốt. Nhưng ngay lập tức cô nhận thấy...

Những giọt nước mắt nức nở

Trong trường cao đẳng, H. bạn tôi đã được dạy rằng, trách nhiệm lớn lao của người thầy là phải dạy dỗ học sinh kiến thức và lòng trung thực. Ra trường, một cô giáo còn rất trẻ, mới 22 tuổi H. đầy tràn ước mơ.

H. háo hức nhận công việc tại một trường cấp hai ở một huyện miền núi tỉnh Phú Thọ. Cô mường tượng tới quang cảnh của một môi trường giáo dục mô phạm như những gì cô đã được học. Nhưng thật bất ngờ, những gì cô thấy ở nơi cô đang công tác đã làm cô bị sốc.

Vừa mới vào trường, ngay buổi họp đầu tiên của hội đồng, người ta đã bắt cô đăng kí ngay chất lượng dạy của mình. Cô nghĩ, mình mới ra trường, nên sẽ chỉ dám đăng ký chưa đến một phần tư học sinh của mình từ khá trở lên. Điều đó cũng có nghĩa là cô vẫn sẽ còn có những học sinh trung bình, học sinh yếu. Vì cô nghĩ rằng, ở một huyện miền núi còn khó khăn như vậy, như thế đã là tốt lắm rồi. Nhưng cô bị hiệu trưởng mắng cho một trận. Vị lãnh đạo đó đã bắt cô phải đăng ký hơn 70% học sinh khá, giỏi và toàn bộ học sinh trên trung bình.

Cô rụt rè đặt vấn đề rằng, nếu có học sinh của cô học lực yếu thì sao. Và cô đã được chỉ đạo rằng, nếu học sinh đó yếu, thì phải làm cho điểm số của học sinh đó cao lên. Vì, họ cần những thành tích về điểm số. Và vì một vấn đề quan trọng hơn, cô sẽ được xếp loại giáo viên qua những con số về học lực của học sinh. Cô còn được nói bóng gió rằng, ai cũng cần phải làm vậy, nhất là một giáo sinh mới ra trường như cô.

Ban đầu cô nghĩ rằng do quá lo lắng nên vị hiệu trưởng nọ đã quan trọng hóa bản đăng ký. Cô tạm bằng lòng với cách nghĩ của mình. Nhưng ngay ngày hôm sau, cô cho lớp làm bài kiểm tra, và ngay lập tức, cô nhận thấy một học sinh lớp 6, lớp cô vừa nhận chủ nhiệm, không biết viết chữ.

Cô thử cho em học sinh này đọc, thậm chí, em còn không đánh vần được và không nhận được mặt chữ. Cô đành cho em học sinh đó điểm 0 trong bài kiểm tra học kỳ.

Ngay ngày hôm sau, khi bảng điểm được lên, cô lại bị gọi lên hội đồng nhà trường. Cô bị người ta mắng một trận vì đã không đồng ý cho học sinh đó đủ điểm để qua. Và cô đã khóc.

Cô khóc, vì cô được dạy rằng, học sinh như một tờ giấy trắng, người thầy vẽ nên cái gì thì nó thành như vậy. Cô khóc, vì cô không muốn mình lại là một người nữa vẽ nên sự giả dối trên em học sinh tội nghiệp không biết đọc đó. Cô khóc, vì cô là một cô giáo mới vào nghề. Cô là một tờ giấy trắng, không khác gì em học sinh nọ, nhưng người ta lại đã bắt đầu làm vấy bẩn vào nó.

Những câu chuyện mà bạn tôi chưa hề biết

Đó là câu chuyện về việc "hi sinh" 26 học sinh để cứu thành tích trong năm học 2001 - 2002 ở trường THCS xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đây là câu chuyện cũ, nhưng vì bạn tôi chưa biết nên tôi kể lại.

Đó là vì qua các học kỳ, giáo viên bộ môn và ban giám hiệu của trường đã sàng lọc ra 26 em học sinh có học lực yếu ở từng bộ môn. Nhưng số học sinh này vẫn có hạnh kiểm đủ điều kiện để thi tốt nghiệp. Vậy là người ta đã tiến hành vận động các em này không thi tốt nghiệp chính thức mà chỉ thi tốt nghiệp vào kỳ thi tốt nghiệp "đặc biệt" sẽ được tổ chức vào tháng 12 sau đó.

Chính ông hiệu trưởng của trường này giải thích rằng vì "trường sợ 26 em học sinh này thi tốt nghiệp đợt đầu sẽ không đỗ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thi tốt nghiệp của trường. Bởi trường muốn 100% học sinh thi tốt nghiệp phải đậu 100%".

Ông cho mời các phụ huynh của 26 em học sinh này tới trường để thông báo. Ông chỉ đạo vẫn lập hồ sơ tốt nghiệp cho các em và vẫn cho các em ôn thi bình thường. Nhưng sau đó, người ta không cho các em thi bằng cách không phát thẻ dự thi và phiếu báo danh, đồng thời, lập biên bản 26 học sinh đó tự ý bỏ thi. Quả là một vụ việc "hi sinh" tới mức tày trời.

Vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh này là một bằng chứng cho thấy "bệnh thành tích" đã tới mức trầm kha như thế nào.

Câu chuyện thứ hai kể với bạn tôi. Đó là mới đây thôi, ngày 13/5/2006 tại trường THCS Việt Nam - Algieri (Hà Nội), người ta xôn xao vì chuyện các em học sinh lớp 8A, nay đã lên lớp 9 mà không có cột điểm ngữ văn trong sổ điểm của mình.

Kỳ xét tốt nghiệp lớp 9 sắp bắt đầu. Chuyện gì đã xảy ra? Đó là chuyện năm học lớp 8, cô giáo bộ môn ngữ văn đã phát hiện ra rằng quyển sổ điểm của các em học sinh này đã bị thay hai trang sổ mới. Tất cả các giáo viên bộ môn khác đã lần lượt chép lại điểm vào quyển sổ điểm đó, chỉ riêng cô giáo bộ môn ngữ văn do thấy đó là vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy chế nên cô không làm.

Cô còn cho các phóng viên biết thêm, việc thay sổ điểm xảy ra thường xuyên tại trường, nhất là với các học sinh khối lớp 9. Không có lý do gì một cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng học sinh như quyển sổ điểm gốc lại bị thay thế như vậy.

Trong khi những người có trách nhiệm lại cho rằng đó là việc không mấy nghiêm trọng và chỉ để làm cho "sổ điểm được sạch sẽ" và việc không chép lại điểm vào quyển sổ điểm đã bị thay trang kia của cô giáo dạy môn ngữ văn mới là việc "vi phạm nghiêm trọng" các quy chế (Lời bà phó phòng giáo dục quận nơi quản lý trực tiếp trường THCS Việt Nam - Algieri).

Sau đó, chúng tôi nói về chuyện người ta đã phát hiện ra căn bệnh này từ rất lâu, nhưng không có phương pháp nào chữa trị được. Người ta đã nói nhiều đến nó, thậm chí, tại hội nghị tổng kết thi phổ thông năm 2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra 02/02/2003, người ta đã gay gắt và căng thẳng nhìn vào vấn đề này. Điều đó có nghĩa là người ta đã thấy sai, và đã sửa.

Tới năm 2005, sau khi diễn ra bao nhiêu cải cách, thay sách, thay luật, thậm chí thay cả cách thức tốt nghiệp, nhưng người ta vẫn không thay cách mà người ta tạo thành tích cho mình: Vẫn xét tốt nghiệp và tuyển một học sinh không biết mặt chữ lên cấp 2. Cứ vậy, vì thành tích, em học sinh này sẽ tốt nghiệp luôn cấp 3. Và không biết chừng, do thay đổi quy chế thi tuyển liên tục, có nhiều kẽ hở, em đó sẽ chui tọt vào được đại học, dù chỉ là một ngành, một khoa không "có danh có giá". Rồi bằng cách này hay cách khác, em học sinh đó vẫn học xong mấy năm đại học. Thậm chí, em còn lo đủ cho mình điểm để được viết luận văn tốt nghiệp.

Khi em muốn  làm luận văn tốt nghiệp một cách trôi chảy, em lại ra chợ luận văn và mua một cái về cho mình. Vì đã được viết luận văn, ai chẳng  tốt nghiệp với ít nhất là 8 điểm?

Và câu hỏi vẫn còn ở đó

Đến bao giờ mới hết những câu chuyện như trên? Xin thưa, còn lâu, nếu như người ta vẫn đưa các chỉ tiêu này, chất lượng nọ vào trong việc đánh giá chỉ tiêu xét chất lượng thi đua. Đã có giáo viên mạnh dạn đánh giá thực chất chất lượng học sinh của trường mình chỉ đạt từ 30-40% khá trở lên liền bị nhà trường nhắc nhở và cắt thi đua vì... dạy kém.

Vì vậy, chỉ còn mỗi cách nâng điểm cho học sinh, hoặc làm ngơ trước những hành vi gian dối trong thi cử của học sinh. Tôi chẳng biết an ủi bạn tôi, một giáo viên trẻ mới vào nghề như thế nào. Tôi chỉ biết thầm cầu mong cho bạn của mình làm sao vừa có thành tích trong sự nghiệp giáo dục, vừa không phải chảy những giọt nước mắt như thế nữa.

Dẫu sao, bạn tôi cũng mới vào nghề, xin đừng bắt bạn tôi mang căn bệnh khó chữa như thế trong cuộc đời và trong sự nghiệp giáo dục còn non trẻ của mình.

Tôi chợt chạnh lòng khi H. bạn tôi hỏi lại tôi rằng, nếu lỡ theo thời gian, theo hoàn cảnh, trót mang bệnh đó vào người, thì mình sẽ chữa như thế nào đây? Tôi lặng im. Tôi không biết cách trả lời.

Theo báo Sinh Viên Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.