Kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 tại đất nước châu Á, Washington và Tehran hầu như không có mối liên lạc chính thức nào. Mỹ liệt Iran vào "trục ác" và quan điểm của cường quốc số 1 thế giới là không đối thoại trực tiếp với Iran vì làm như vậy có thể gây ngộ nhận Mỹ "hợp pháp hóa" chính thể mà nước này cho rằng đang ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Nói vậy để thấy đề xuất "muốn nói chuyện" với Tehran là một sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington. Thế nhưng, không phải tự nhiên Mỹ lại trở nên thân thiện như vậy. Quyết định này xuất phát từ việc chính quyền Tổng thống G.Bush đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh châu u và một số quốc gia khác đòi nước này phải đối thoại trực tiếp với Iran. Ngoài ra, Mỹ cũng rất biết chọn thời điểm để công bố "thiện chí" của mình, đó là ngay trước thềm cuộc gặp 6 bên (5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) diễn ra hôm qua tại Vienna (Áo), nhằm tập trung hoàn tất những đề xuất trọn gói dành cho Iran (gồm cả sự trợ giúp và biện pháp trừng phạt nếu nước này không chấp nhận chấm dứt chương trình hạt nhân của mình), đồng thời giải quyết dứt điểm bất đồng giữa Mỹ và Nga liên quan đến cách thức thuyết phục Tehran ngưng làm giàu uranium.
Dĩ nhiên trong các vấn đề nhạy cảm thì Mỹ ít khi nào cho không ai cái gì bao giờ. Đề nghị được ngồi vào bàn đàm phán với Iran nhưng Washington kèm theo điều kiện là "đối tác" (nếu có thể) phải ngưng hoàn toàn các hoạt động làm giàu uranium. Rõ ràng đây là một điều kiện chẳng có gì mới mẻ vì Liên minh châu u và LHQ cũng từng đưa ra yêu cầu tương tự nhưng đều bị Iran phớt lờ. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong phản ứng chính thức đầu tiên của mình với đề nghị từ bên kia Tây bán cầu, Ngoại trưởng Iran M.Mottaki trước hết cũng lịch sự hoan nghênh nhưng sau đó đã thẳng thừng bác bỏ khả năng nước này ngưng làm giàu uranium: "Iran hoan nghênh đối thoại theo những điều kiện hợp lý nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền (hạt nhân) của mình". Nhưng để vấn đề không đi vào ngõ cụt, ông này thòng thêm: "Chúng tôi sẽ không thương thảo về quyền hạt nhân đương nhiên của đất nước nhưng chúng tôi chuẩn bị - trong phạm vi được xác định, bình đẳng và không có sự phân biệt - tiến hành đối thoại về những mối quan tâm chung (của chúng ta)".
Xuân Anh
(Theo AP, CNN)
Bình luận (0)