Thực hiện Tổ nghiệp vụ hành chính công tại TP.HCM: Dân hết bị làm phiền, nhưng...

02/06/2006 20:54 GMT+7

“Qua khảo sát ý kiến của người dân và tổ chức ở một số quận về cơ chế “một cửa” theo mô hình Tổ nghiệp vụ hành chính công (NVHCC), bình quân có 85-87% ý kiến hài lòng về cách tổ chức, thủ tục, quy trình hành chính; thái độ phục vụ của cán bộ, công chức; thời gian giải quyết hồ sơ...”. Đó là một trong những thành tựu nổi bật của mô hình Tổ NVHCC sau hơn một năm thí điểm tại 4 quận: 3, 11, Tân Bình và Bình Thạnh, được công bố tại Hội nghị sơ kết sáng 2/6.

Kết quả trên càng đáng trân trọng khi hầu hết các lĩnh vực được chọn để các Tổ NVHCC xử lý đều thuộc diện “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, cấp giấy đăng ký kinh doanh hộ cá thể...

Cụ thể, sau hơn 1 năm hoạt động, Tổ NVHCC Q.3 giải quyết 43,1% hồ sơ đúng hạn và 56,4% hồ sơ trước hạn; Tổ NVHCC quận 11 giải quyết 100% hồ sơ đúng và sớm hơn hạn định; Tổ  NVHCC quận Bình Thạnh giải quyết 98,18% hồ sơ đúng hẹn và Tổ NVHCC quận Tân Bình giải quyết 98,05% hồ sơ sớm và đúng hẹn.


Dân hài lòng với cách giải quyết hồ sơ của cán bộ hành chính

Đáng lưu ý, không chỉ quan tâm giải quyết đúng thời gian quy định, các địa phương còn nghiên cứu, áp dụng các giải pháp nhằm giảm bớt phiền hà cho dân. Quận Bình Thạnh từ cuối năm 2004 đã đầu tư đưa vào hoạt động hệ thống trả lời tự động qua điện thoại, người dân ngồi nhà gọi điện đến là có thể biết hồ sơ của mình do ai giải quyết, tiến độ đến đâu...

Người dân không còn bị làm phiền, nhưng có một thực tế mà tất cả 4 đơn vị thí điểm cùng lên tiếng: đó là thu nhập của các cán bộ Tổ NVHCC quá thấp, không tương xứng với công việc. Ở Q. Bình Thạnh, Tổ NVHCC có 19 người, thường xuyên phải làm thêm giờ vì hồ sơ quá nhiều nhưng thu nhập chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Tổ NVHCC Q.11 tuy có thu nhập khá hơn nhưng cũng “không đủ sống với thời giá hiện nay”. “Cần tạo điều kiện nâng cao mức sống cho các cán bộ này, nếu không sẽ không tồn tại lâu được” – Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thế Dũng kiến nghị và được Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Văn Chiến tán đồng. Theo ông Chiến, trách nhiệm phải đi đôi với quyền lợi, còn hiện nay: “Chúng ta đang xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp thì lương công chức cũng phải chuyên nghiệp. Lương hiện nay đúng là amater!”.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thiện Nhân đồng ý với cách đặt vấn đề về thu nhập của các đại biểu và cho biết: “Thành phố đang xem xét đề án nhằm nâng cao thu nhập, hỗ trợ cán bộ hành chính làm việc tốt hơn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”. Ông Nhân cũng cam kết sẽ tiếp tục cùng 4 địa phương đang thí điểm tiếp tục triển khai sâu rộng mô hình này, đồng thời yêu cầu các quận, huyện còn lại bắt tay vào công tác chuẩn bị để đầu tháng 7.2006 chính thức triển khai hoạt động Tổ NVHCC trên địa bàn.

Minh Đức

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.