Festival Huế 2006: “Kỳ nhân” xuất chiêu

04/06/2006 23:36 GMT+7

Một ông già 68 tuổi dùng bộ râu của mình để viết thư pháp, một nghệ nhân cắt, xé tranh chân dung nhanh như chớp, một họa sĩ với bức tranh khổng lồ, người “ăn ớt như khoai” và cả huyền thoại sống A Ma Công của núi rừng Tây Nguyên với thành tích thuần phục 297 con voi rừng... Tất cả họ đều có mặt để trổ tài phục vụ Festival Huế 2006.

Viết thư pháp bằng... râu!

Chiều 3.6, tại lễ khai mạc Vườn thư pháp Huế, trong khuôn khổ Festival Huế 2006, ở Công viên Thương Bạc, hàng trăm du khách đã vây kín một lão ông có bộ "râu tiên" dài, trắng như cước. Có điều gì kỳ lạ chăng? Đúng vậy. Người ta xúm lại để xem một màn biểu diễn thư pháp độc nhất vô nhị: Viết thư pháp bằng... râu! Bậc kỳ nhân này chính là lão nghệ nhân Đoàn Văn Tâm, một võ sư cao niên ở đường Nguyễn Thiện Thuật, TP Huế. Bức thư pháp mà ông thực hiện là 3 chữ Festival Huế 2006 để tặng một số anh em người Huế ở TP.HCM ra tham gia chương trình Huế xa. Để có thể trổ tài tại festival, ông đã tập luyện miệt mài hơn cả tháng qua. Chùm râu được dùng hai chiếc kẹp kim của con gái tết thành ngòi bút. Một dĩa mực tàu được mài sẵn và... lão nghệ nhân khoan thai chấm mực viết chữ trong tiếng vỗ tay reo hò của người xem. Mỗi con chữ là mỗi lần lão nghệ nhân già vận khí, cử động linh hoạt chiếc cổ để viết. Bình tĩnh, khoan thai với môn "khí công quyền pháp", bức thư pháp sau 15 phút đã hoàn thành.

Ông Tâm nói: "Ở Trung Hoa thời xưa có người dùng tóc để viết thư pháp. Nay tôi viết thư pháp bằng râu cũng là để... chơi cho vui". Cách đây khoảng 6 năm, ông Tâm bắt đầu để râu, chỉ với một lý do đơn giản vì râu mọc quá nhanh, cạo mãi cũng chán. Bây giờ, với đầu tóc bạc phơ, bộ râu trắng như cước, cùng với một khuôn mặt phúc hậu, ông Tâm đẹp như một ông tiên. Ngoài bức thư pháp viết trên giấy trắng, ông còn viết trên một vuông vải 0,8 x 1,0m, đây là hai bức thư pháp độc đáo nhất được biết đến tại Festival Huế 2006 này.

Cắt, xé tranh chân dung nhanh như chớp


Phú Thảo với biệt tài cắt tranh chân dung chỉ vài giây - ảnh: B.N.L

Từ TP.HCM, một nghệ sĩ trẻ cũng vừa khăn gói ra Huế để kịp có mặt phục vụ công chúng festival bằng độc chiêu cắt, xé tranh chân dung nhanh như chớp. Đó là nghệ sĩ Phú Thảo (Thanh Niên đã có bài giới thiệu). Trên shop Văn nghệ của Báo Thanh Niên, Phú Thảo đã từng được bạn đọc biết đến khi anh trổ tài xé chân dung nghệ sĩ Mạc Can, giống như hệt. Thế nhưng, tại Vườn thư pháp Huế, những ngày qua du khách cùng công chúng Huế càng ngạc nhiên hơn khi tận mắt thấy anh trổ tài. Bạn chỉ cần dừng lại ít giây, lập tức sẽ có một bức chân dung để kỷ niệm. Loại hình này rất được khách du lịch người nước ngoài ưa thích. Thế nên, Phú Thảo đắt hàng ra phết. Mỗi ngày, trừ những giờ giải lao, cơm nước, tắm rửa... chí ít cũng có tới 100 gương mặt được Phú Thảo "cắt, xé". Mỗi người một vẻ không ai giống ai và đặc biệt là qua bàn tay Phú Thảo, ai cũng có thần.

Người ăn ớt như khoai cũng trúng "sô"


Bùi Ngọc Vinh trổ tài ăn ớt - ảnh: B.N.L

Một điều lý thú là tại Festival Huế 2006 này, rất nhiều "kỳ nhân" được Thanh Niên phát hiện đều "trúng sô". Sau Phú Thảo, một nhân vật Chuyện lạ Việt Nam khác từng xuất hiện trên VTV3, và Chuyện lạ bốn phương trên VTV1 là "Người ăn ớt như khoai" Bùi Ngọc Vinh. Trong chương trình khai mạc lễ hội Bia Huế, anh đã có suất diễn ra mắt khán giả Huế. Ngoài ăn ớt, anh Vinh còn dùng một chiếc cối chày giã nhỏ ớt tươi rồi chà lên khắp cơ thể (cả cặp mắt) trước sự kinh ngạc của đông đảo bạn trẻ Huế. Anh Vinh cho biết, sau khi báo Thanh Niên đăng bài, VTV đưa lên sóng, anh đã có thêm một "nghề" mới và đã có nhiều suất diễn tại Huế, Hà Giang.

Họa sĩ với bức tranh khổng lồ

Bắt đầu từ tháng 1.2006, họa sĩ Trần Văn Mãng ở phố cổ Bao Vinh - Huế đã bắt tay vào thực hiện bức tranh Phố cổ và lễ hội. Ròng rã hơn 6 tháng, bây giờ ông Mãng đã có một bức tranh cá nhân lớn nhất từ trước đến nay tại Huế, với khuôn khổ dài 50m, rộng 1,5m, nặng gần 1 tạ. Sinh ra và lớn lên tại phố cổ Bao Vinh, chứng kiến bao cảnh thăng trầm đổi thay của phố cổ, ông đã dồn hết tình cảm của mình để vẽ bức Phố cổ và lễ hội. Bức tranh hiện đang được ông Mãng trưng bày tại nhà riêng trên đường Bao Vinh, Huế.

Thế giới này là của chúng em


Sáng qua 4.6 tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP Huế), một bức tranh lớn có chiều dài 200m đã được 200 học sinh trung học cơ sở đến từ 18 trường THCS trên địa bàn thành phố Huế cùng vẽ. Bức tranh có chủ đề Thế giới này là của chúng em đã thu hút hàng trăm thiếu nhi, khách du lịch và người dân địa phương tham dự. Bức tranh hiện đang giữ kỷ lục về chiều dài tại Festival Huế 2006. Chiều cùng ngày, tại số 15 Lê Lợi, TP Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng đã chính thức khai trương đi vào hoạt động. Đây sẽ là nơi trưng bày tác phẩm của họa sĩ dành tặng Huế và cũng là nơi sống, làm việc của ông trong suốt thời gian còn lại.

Bùi Ngọc Long - Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.