Thuế chống phá giá giày mũ da của EC: Ảnh hưởng 1 triệu công nhân VN

03/06/2006 09:36 GMT+7

Tổ chức phi chính phủ vì người lao động nghèo quốc tế (Action Aid International - AAI) ngày 2/6 đã phát thông cáo báo chí cho rằng gần 1 triệu công nhân Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi quyết định áp thuế chống phá giá giày mũ da xuất xứ từ Việt Nam của Ủy ban châu u (EC).

Nghiên cứu này do Văn phòng đại diện của AAI ở Việt Nam (Action Aid Việt Nam - AAV) phối hợp với Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) tổ chức, nhận định: “Nạn nhân chính của vụ kiện chống phá giá là những lao động nữ làm việc trong ngành da giày vì ngành này thu hút trên 80% lao động nữ, chủ yếu là lao động nghèo, họ có thể sẽ bị thất nghiệp”.

Thu nhập của người lao động trong ngành sản xuất giày da giảm rõ rệt, từ mức trung bình 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng nay chỉ còn 1 triệu đồng/tháng. Riêng mức thu nhập phổ biến của công nhân tại các công ty phía Bắc dao động trong khoảng 600.000-800.000 đồng/tháng. Khoảng 500.000 công nhân sản xuất trực tiếp đối diện với nguy cơ thất nghiệp rất cao, một lượng lớn lao động khác trong các ngành phụ trợ và các ngành liên quan cũng bị liên đới ảnh hưởng.

Báo cáo kết quả nghiên cứu còn cho rằng đa số doanh nghiệp da giày Việt Nam sản xuất gia công cho nước ngoài, không tham gia quá trình thương mại, tiêu thụ sản phẩm, không quyết định giá thành và giá bán sản phẩm xuất khẩu nên không thể là đối tượng tạo ra việc bán phá giá giày mà chỉ vô tình bị rơi vào tình trạng phá giá.

Cùng ngày, kết quả nghiên cứu cùng với một lá thư tập hợp hơn 2.000 chữ ký của các công nhân giày da đã được đưa ra trong phiên điều trần về vụ kiện của EC tại Brussels (Bỉ). AAI kiến nghị EC nên xem xét lại việc áp thuế chống phá giá giày mũ da Việt Nam và bảo đảm rằng những công nhân sản xuất giày da Việt Nam không phải là đối tượng chính chịu hậu quả trực tiếp từ quyết định này.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.