Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cư trú: Xóa bỏ những thủ tục hành chính "ăn theo" sổ hộ khẩu

09/06/2006 00:22 GMT+7

Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu tiếp tục là vấn đề được tranh luận sôi nổi tại Quốc hội hôm qua 8.6. Trong khi phần lớn các đại biểu đồng ý duy trì sổ hộ khẩu, nhiều vị cũng đòi hỏi phải chấm dứt tình trạng lạm dụng sổ hộ khẩu để hạn chế các quyền tự do của công dân.

Chuyển quản lý hộ khẩu về Bộ Nội vụ ?

Mục tiêu của dự luật Cư trú là đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân và đảm bảo sự quản lý của Nhà nước. Nhưng nhiều đại biểu cho rằng dự thảo vẫn còn nặng về chuyện quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước. Đại biểu Vũ Thanh Lịch (Đắk Lắk) bày tỏ: "Dự án Luật Cư trú do Bộ Công an soạn thảo, có lẽ vì bệnh nghề nghiệp nên theo tôi chú trọng việc quản lý chặt chẽ các hoạt động của người dân". Cụ thể hơn, ông Lê Quốc Trung (Bình Thuận) dẫn chứng: "42 điều trong dự thảo chỉ có 2 điều nói lên quyền của công dân được cư trú, tất cả số còn lại đều giải quyết vấn đề quản lý của Nhà nước".

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) mạnh mẽ nói: "Dự luật nặng về quản lý Nhà nước, nếu chỉ có một mảng thì đổi thành Luật Quản lý cư trú chứ không phải là Luật Cư trú". Ông Dũng đề xuất một ý tưởng mới: "Quản lý cư trú là công việc hoàn toàn mang tính dân sự. Trước đây thì có thể do chiến tranh, còn bây giờ có nên để công an tiếp tục quản lý hộ khẩu ?". Theo ông Dũng, người dân phàn nàn họ rất ngại khi đến gặp công an về vấn đề hộ khẩu. Đại biểu Dũng kiến nghị: "Nên chuyển cơ quan quản lý hộ khẩu từ công an sang cho một cơ quan khác như Bộ Nội vụ chẳng hạn ?".

380 cái "ăn theo" hộ khẩu

Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) cho rằng chúng ta đang lạm dụng sổ hộ khẩu để gắn với các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Bà Nga yêu cầu: "Chính phủ giải trình rằng có 380 văn bản quy định về các lĩnh vực lấy hộ khẩu làm điều kiện để quản lý Nhà nước. Những lĩnh vực nào thực sự không cần thiết, phải rà soát lại để dứt khoát loại bỏ".

Theo đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum), nếu loại bỏ được các lĩnh vực ăn theo hộ khẩu thì dù còn duy trì hay không sổ hộ khẩu, người dân cũng sẽ hết bức xúc. Để thuận tiện hơn nữa, một số đại biểu gợi ý: "Nếu như chúng ta tạo ra được một giấy để đăng ký cư trú cho người dân mà kết hợp được cả giấy tùy thân và giấy đăng ký cư trú thì chắc chắn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân".

Tạm trú, tạm vắng: đến đại biểu QH cũng không đăng ký !

Đa số các ý kiến cho rằng, các quy định về khai báo tạm trú tạm vắng, đăng ký tạm trú trong dự luật khó có tính khả thi. Trước quy định của dự thảo: "Người đủ từ mười bốn tuổi trở lên đến tạm trú tại nơi khác từ ba ngày trở lên" thì phải khai báo tạm vắng, đại biểu Lê Quốc Trung (Bình Thuận) nêu vấn đề: "Tôi xin phép được hỏi các vị đại biểu Quốc hội ở đây đi họp hơn 1 tháng ra khỏi địa phương mình thì có vị đại biểu Quốc hội nào đăng ký tạm vắng hay không ? Tôi chắc rằng sẽ rất nhiều vị đại biểu không đăng ký tạm vắng ở địa phương mình. Như vậy điều quy định như thế có hợp lý không ?". Đại biểu Vũ Thanh Lịch (Đắk Lắk) cho rằng nên quy định khi đi vắng 6 tháng liền mới phải đăng ký tạm vắng.

Nhiều đại biểu đề nghị luật không nên quy định người phải tạm trú liên tục tại một địa phương mới được đăng ký thường trú ở địa phương đó mà chỉ cần có chỗ ở ổn định là được đăng ký thường trú luôn. Quy định của dự luật là không công bằng, phân biệt các thành phần kinh tế. Đại biểu Lê Quốc Trung (Bình Thuận) đặt câu hỏi: "Vì sao chỉ có người hoạt động cho Nhà nước, ăn lương Nhà nước mới được hưởng ưu đãi khi đăng ký thường trú ? Nếu công dân kiếm được một việc làm cụ thể, ở một nơi người ta sẽ lập nghiệp lâu dài mà không phải của Nhà nước thì tại sao chúng ta không giải quyết ngay cho người ta được thường trú?".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.