NSƯT Chí Trung: "Nhiều khi chúng ta quên nhu cầu giải trí của người dân”

15/06/2006 23:33 GMT+7

Sau hơn 60 suất diễn của chùm hài kịch Internet về làng, Đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục "thừa thắng xông lên", dựng vở hài Ai sợ ai? Đây là vở diễn đầu tiên của đoàn thực hiện theo phương thức "xã hội hóa sân khấu". NSƯT Chí Trung - Trưởng đoàn Kịch I - Nhà hát Tuổi trẻ cho biết:

- Ở vở này, chúng tôi tự đầu tư dựng ở tất cả các khâu, sau đó nhà hát nghiệm thu, đánh giá chất lượng nghệ thuật và đây sẽ là vở diễn đầu tiên của đoàn theo phương thức "xã hội hóa sân khấu". Thực chất, cần chi phí ở những khoản nào thì tôi ứng trước tiền túi, sau đó sẽ tính toán cụ thể. Anh em nghệ sĩ đều dốc sức vào làm, chưa ai nhận một đồng nào cả. Căn cứ vào doanh thu bán vé để trích thù lao hợp lý cho mỗi bộ phận, mỗi nghệ sĩ. Nghĩa là mức độ thành công của vở phụ thuộc vào chất lượng công việc của chính các thành phần tham gia và các nghệ  sĩ. Ngay cả nhuận bút kịch bản của anh Lê Bình trong TP.HCM cũng sẽ thanh toán theo hướng này.

* Theo cách này, nếu vở lỗ thì sao?

- Tôi dám khẳng định Ai sợ ai? không lỗ. Dựng một tác phẩm nghệ thuật thì có thể "chông chênh" nhưng làm một sản phẩm nghệ thuật thì không khó đo đếm mức độ thu hút khán giả. Thông thường, trước khi tung vở ra diễn chính thức, chúng tôi mời một số khán giả xem và sau đó điều chỉnh cho phù hợp hơn, hay hơn, hấp dẫn hơn. Bằng kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, tôi cũng nhận ra rằng: vở nào mà trong lúc tập, diễn viên thấy hứng thú, tập với nhau thấy "sướng" thì vở chắc chắn sẽ thành công. Vở nào mà câu thoại cứ ngắc nga ngắc ngứ, học mãi không thuộc thì khán giả chắc không mặn mà!

* Có phải vì ở Hà Nội chỉ mình Nhà hát Tuổi trẻ trung thành với "món" hài nên có vở nào mới khán giả đều lũ lượt đi xem?

- Sau những vở hài, chúng tôi đã xây dựng được thương hiệu hài của Nhà hát Tuổi trẻ gắn với tiếng cười sạch sẽ và trí tuệ. Tất nhiên cũng có cái hay và cái chưa hay nhưng nếu cả chùm hài đều dở thì khán giả chắc không ngồi lại xem. Nhiều khi chúng ta bỏ quên nhu cầu giải trí của người dân, làm những thứ quá cao siêu rồi trách khán giả không biết thưởng thức. Với các vở hài kịch, ngoài diễn ở nhà hát, chúng tôi còn tới các nhà văn hóa ở các quận, huyện... rồi đi các tỉnh. Chúng tôi diễn ở các nơi khác, giá vé chỉ 25.000 đồng, vẫn có máy lạnh hẳn hoi. Hãy nhìn các vở diễn của chúng tôi từ góc độ là một sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho nhu cầu giải trí.

*  Vở Internet về làng mặc dầu thành công về doanh thu nhưng nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Còn lần này, làm đạo diễn một vở dài, anh có… choáng ngợp?

- Hiện nay, ở Nhà hát Tuổi trẻ, Lê Khanh, Sỹ Tiến và tôi đang học đạo diễn, năm nay bước sang năm thứ 3. Tôi nghĩ, không ai trách người đang học vì chúng tôi đang hoàn thiện từng bước về mặt nghề nghiệp. Tôi bây giờ chỉ là đứa trẻ trong làng đạo diễn, có ngã chắc cũng được thông cảm (cười).

Trên cương vị đạo diễn, gặp được một kịch bản hay và mình tâm đắc thì thuận lợi rất nhiều. Rất ít trường hợp đạo diễn "biến" một  kịch bản dở thành hay. Kịch bản này đã được Nhà hát kịch TP.HCM dựng năm 2001, diễn khoảng chục suất. Mặc dù tình huống kịch không có nhiều nhưng tạo nhiều "đất" cho diễn viên diễn xuất. Trong lúc tập vở, chúng tôi liên tục gây nên những tràng cười nên hy vọng khán giả cũng sẽ cười như thế khi chúng tôi công diễn.

* Xin cảm ơn anh và chúc vở diễn thành công!

Chu Minh Vũ (thực hiện) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.