“Nằm tài” đợi... cá bông lau
Phải hẹn nhiều lần, chúng tôi mới có dịp tháp tùng nhóm thợ săn cá bông lau chuyên nghiệp ở xã Vĩnh Thới huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Hơn 18h, anh Năm Hòa (Bùi Văn Hòa) giục chúng tôi xuống xuồng chạy một mạch từ Vàm Cái Mít ra sông Hậu.
Trời sụp tối, gió phảng phất mát rượi, dòng sông Hậu hiền hòa lấp lánh ánh trăng, chiếc xuồng máy chạy được hơn 30 phút thì dừng lại. Năm Hòa lấy bọc thuốc rê quấn một điếu rồi mồi lửa hít một hơi dài. Anh bảo: “Cá bông lau về sông Hậu rất nhiều, hàng trăm hộ chuyên nghề chài lưới tha hồ “săn”, sống được lắm…!”. Phương tiện đánh cá bông lau rất đơn giản, chỉ cần một xuồng máy và tay lưới dài 500-600m, dạo sâu 7-8m là có thể hành nghề. Tuy nhiên, muốn đánh được nhiều cá phải chọn thời điểm nước rong vào những ngày 14 - 15 hoặc 29 - 30 m lịch - thời điểm nước chảy mạnh, nhất là ban đêm lúc trời êm, xuồng ghe đi lại ít, cá thường đi ăn nên dễ bắt.
Bãi cá bông lau ở Vĩnh Thới dài khoảng 2km, hàng đêm quy tụ trên 50 người đánh bắt chuyên nghiệp. Dù vậy, dân trong nghề đều tuân theo quy luật “nằm tài”, ai đến trước thả trước, ai đến sau thả sau, không người nào tranh giành hay hiềm khích người nào.
Theo nhiều người lâu năm trong nghề, săn cá bông lau rất thú vị. Việc bắt được nhiều cá hay không tùy thuộc vào việc thả lưới trước hay thả sau mà chủ yếu là người đó có “tay sát cá” hay không bởi thực tế, nhiều lúc người thả trước không dính cá nhưng thả sau lại dính nhiều và ngược lại… Thông thường, nếu gặp lúc nước lớn thì nửa tiếng đồng hồ thăm lưới một lần, còn nước ít chảy thì thời gian thăm chậm hơn khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi.
Đêm nay, Năm Hòa chọn đoạn cuối cồn Tân Lộc làm nơi thả lưới bởi theo kinh nghiệm của anh đây là khu vực giáp nước nên cá thường tụ tập nhiều. Thả lưới xong Năm Hòa “hí hới” cùng năm bảy anh em xúm lại ngồi nhâm nhi vài ly rượu đế quê hương, ngân nga mấy bài vọng cổ: Tình anh bán chiếu, Ông lão chèo đò, Dòng sông quê em… rồi chốc chốc đi thăm cá. Chẳng lâu sau, kéo lưới lên chưa được 50m đã có con cá bông lau to trên 7kg đâm lưới, cách vài chục mét một con khác tiếp tục mắc lưới, rồi con thứ 3, thứ 4… đến khi Năm Hòa cuốn xong tay lưới dài 600m, bắt được tổng cộng 7 con cá bông lau - cân nặng gần 46kg. Được thương lái mua với giá 24.000đ/kg, anh có trong tay trên 1,1 triệu đồng.
Không riêng gì Năm Hòa, anh Hai Giảng thả gần đó cũng trúng được 6 con cá bông lau, cân nặng 62kg; anh Phạm Văn Nam ở bãi Tân Thành trúng 7 con; anh Bảy Tam được 4 con… Cả mùa cá dài mấy tháng, ai giỏi thì trúng được 2-3 đêm, với giá cá tại sông Hậu bình quân từ 24.000đ - 35.000đ/kg, chỉ cần xong mùa cá bông lau kiếm 7-8 triệu đồng khỏe ru.
Nguồn sống của dân nghèo
Một cặp cá bông lau rất to vừa bắt được trên sông Hậu |
Anh Hai Giảng ở xã Vĩnh Thới cho rằng: “Những năm 1976, một số Việt kiều sống ở Biển Hồ (Campuchia) về sông Hậu đánh cá bông lau, sau đó truyền nghề lại cho dân vùng này và phát triển đến ngày nay”.
Phần lớn dân làm nghề chài lưới ở sông Hậu đều nghèo, không đất đai sản xuất. Điển hình như gia đình anh Năm Hòa có 5 anh em, không có mảnh đất cắm dùi, phải sang đất đình cất nhà ở đậu. Trên 10 năm qua, vợ chồng Năm Hòa trông vào nghề câu lưới như: câu tôm, đặt lờ, lọp… mưu sinh. Trong đó, đánh cá bông lau là mùa làm ăn chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Giỏi nghề và cần cù chịu khó, sau mỗi mùa cá bông lau, Năm Hòa bỏ ống heo tích lũy dần. Nhờ đó mà anh cất được nhà lót gạch và lo cuộc sống ổn định cho vợ con. Anh Phạm Văn Nam, ấp Tân Bình, xã Tân Thành (Lai Vung- Đồng Tháp), phấn khởi: “Xong mùa cá dư được vài triệu đồng, đủ chi phí mua phương tiện để bán bánh ở chợ, lời từ 30.000đ - 40.000đ/ngày”. Do vậy, tới mùa, ngư dân sông Hậu lại xuống xuồng đi “săn” cá bông lau…
Đã có kế hoạch phát triển cá bông lau
Ai cũng nhìn nhận, thịt cá bông lau ngon hơn thịt cá tra, cá ba sa nhiều lần. Nhu cầu tiêu thụ cá bông lau trên thị trường rất lớn nhưng lượng cung cấp không đủ. Dù vậy, đến nay vẫn chưa ai nghiên cứu bảo vệ và phát triển loài cá đặc sản này. Hàng năm, cá sinh sản tự nhiên, sống tự nhiên và bị khai thác đại trà không ai quản lý... Nhiều người lo lắng, nếu kéo dài tình trạng trên thì nguy cơ cạn kiệt cá bông lau là khó tránh khỏi.
Tiến sĩ Dương Nhựt Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản, Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ, đặt vấn đề: “Cá bông lau cao cấp như vậy, tại sao ta không nuôi chúng?”. Xuất phát từ ý nghĩ đó, khoảng 4 năm nay, Bộ môn Kỹ thuật nuôi Thủy sản phối hợp cùng Trung tâm hợp tác quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp và Phát triển (CIRAD -Pháp) và Sở Khoa học - Công nghệ Sóc Trăng nghiên cứu về đặc tính và phát triển đàn cá bông lau.
Sau thời gian tìm hiểu, các nhà khoa học phát hiện: Cá bông lau thường rất nhát và khó ăn nên việc nuôi thử nghiệm không hề đơn giản. Từ 134 con cá bố mẹ được bảo vệ bằng nhiều biện pháp nhưng tỷ lệ chết rất cao, chỉ trong 3 năm lượng đàn còn lại chỉ vỏn vẹn 36 con. Dù vậy, đây cũng là thành công bước đầu cho thấy cá bông lau từ chỗ sống tự nhiên có thể nuôi được.
Hiện tại, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm cho cá bông lau sinh sản “nhân tạo”, một khi chủ động được nguồn giống thì việc nuôi cá bông lau ở ĐBSCL hoàn toàn có thể thực hiện được. “Chúng tôi đang tiến tới nuôi thử nghiệm cá bông lau trong bè, nếu thành công thì cá bông lau sẽ ăn đứt cá tra hiện nay, mở hướng nuôi thủy sản mới đầy triển vọng ở ĐBSCL...”, Tiến sĩ Dương Nhựt Long lạc quan cho biết.
Theo Huỳnh Phước Lợi/báo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)