Nhà sưu tập trứ danh và những kỷ lục

17/06/2006 23:23 GMT+7

Từ sáng sớm, qua song cửa sắt, những tờ báo liên tục "bay" vào nhà. Bên trong, một người đàn ông tuổi ngoại lục tuần chốc chốc nhặt nhạnh rồi trân trọng đặt các tờ báo trên mặt bàn rộng. Và, theo từng trang báo mở ra, một ngày làm việc vô cùng bận rộn của ông cũng đã bắt đầu cho đến tận đêm khuya. Công việc sưu tập thầm lặng ấy đã kéo dài 16 năm trời...

"Tiêu hóa" 20 tấn báo

Trước khi đến với công việc sưu tập, ông Đào Đăng (tên thật là Vũ Văn Đăng, sinh năm 1942, ngụ tại 860 Lê Đức Thọ, P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) là người bán kẹo kéo, bong bóng dạo. Năm 1990, một sự kiện tình cờ xảy ra đã đưa cuộc đời ông Đào Đăng rẽ ngoặt sang hướng khác. Hồi đó, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức hội thi sưu tập ảnh về ngựa với chủ đề "Cuộc chạy đua mùa xuân". Ông Đào Đăng đã tham gia với ý định "tạo kỷ niệm vui vui như món quà sinh nhật cho đứa con trai tuổi Ngọ" của ông. Không ngờ, ông đoạt giải nhất với bộ sưu tập về ngựa dày 26 trang. "Từ dạo đó, tôi bỏ luôn nghề bán kẹo kéo, bong bóng dạo và... "chạy" theo công việc này. 16 năm nay, tôi vẫn... chạy tốt!" - ông dí dỏm.

16 năm, ông Đào Đăng đã "tiêu hóa" khoảng 20 tấn báo. Những năm đầu kinh tế chật vật, vợ con lại chưa thông cảm với công việc "không giống ai" của ông nên Đào Đăng thường phải đọc báo cũ, mua lại từ cánh ve chai cho rẻ. Qua tích lũy kiến thức từ nghề sưu tập, nay ông đã có thể kiếm được chút tiền bằng cách viết một số bài báo. Trong dịp Tết Bính Tuất vừa qua, ông đã có ít nhất 4 bài báo đề cập đến... chó được đăng trên các tờ báo xuân. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, ông đọc trên 20 tờ báo, tạp chí các loại. Có điều ông không đọc thảnh thơi, đọc xong rồi bỏ như bao nhiêu người khác. Ông đọc, suy nghĩ, cắt dán, sắp xếp theo chủ đề... miệt mài từ sáng cho đến tận 1 - 2 giờ khuya. Đọc quá nhiều khiến mắt kém. Ông đã phải lần lượt đi phẫu thuật hai con mắt của mình.

Đã có không ít người căn vặn ông từ một người bán bong bóng dạo nay thành nhà sưu tập như thế nào? Cách phân loại, bố cục ra sao?... Bản tính vốn cần cù tỉ mẩn, ngày qua ngày được tiếp xúc với một kho tàng tri thức khổng lồ nên ông Đào Đăng đã từng bước hóa giải, tìm được đáp án cho những bài toán hóc búa trên đây. Trong trang đầu tiên quyển Bách khoa danh ngôn từ điển, soạn giả Hoàng Xuân Việt đã viết: "Mến tặng nhà sưu tập trứ danh Đào Đăng nhân buổi sơ ngộ văn hóa...".

Truy tìm... người sinh đôi

Trong những ngày vùi đầu vào việc sưu tập, ông Đào Đăng phát hiện nhiều điều thú vị. Trong đó, ông có hẳn những bộ sưu tập về các cặp sinh đôi trên thế giới. Ông nhận thấy ở các nước thường tổ chức những ngày hội và các hoạt động vui chơi dành cho người sinh đôi. Tại sao ở ta không có sân chơi cho người sinh đôi, tại sao không có một CLB dành cho họ. Là những câu hỏi thường trực đối với ông. Từ đó, cứ vài ba ngày, ông Đào Đăng lại lên đường rong ruổi đi tìm những người sinh đôi để chụp hình, hỏi han.

Cặp đầu tiên mà ông "chộp" được là hai chị em Trần Nguyễn Thanh Mai (gái) và Trần Nguyễn Sơn Mai (trai) mới 7 tuổi, tại quán ăn Sơn Đào (Q.12, TP.HCM). Cặp nhỏ tuổi nhất (6 tháng tuổi) là hai bé bị cha mẹ bỏ rơi, được một cơ sở xã hội nhận nuôi. Từ tháng 9/2004 đến nay, ông Đào Đăng đã sưu tầm được hơn 100 cặp sinh đôi trên địa bàn TP.HCM. 


Nhà sưu tập Đào Đăng và bộ sưu tập người sinh đôi (ảnh: N.L)

Vị thượng khách quý mến...

Sáng 16/1/2003, một niềm vui bất ngờ đến với nhà sưu tập Đào Đăng, đó là việc cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến tận nhà thăm hỏi, tìm hiểu về công việc sưu tập của ông. Trước đó, vào ngày 18/12/2002, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhờ cận vệ đem đến tặng ông Đào Đăng cuốn sách Ấn tượng Võ Văn Kiệt với bút tích: "Tặng một người chưa lần gặp - Đào Đăng, chỉ qua thư gửi và ảnh sưu tập", bên dưới có chữ ký đề "6 Dân". Ông Đào Đăng tâm sự: "Gia đình tôi vốn rất có thiện cảm với ông Võ Văn Kiệt vì ông là một trong những vị lãnh đạo có tư tưởng đổi mới. Nhờ ông mà nhiều người dân thành phố được bung ra làm ăn, đời sống dễ chịu hẳn lên...". Với tình cảm đặc biệt này, ông đã dày công sưu tầm, đóng thành quyển sách dày 370 trang, 635 bức ảnh (còn bổ sung) về cuộc đời của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ lúc ở bưng biền kháng chiến cho đến thời hòa bình làm lãnh đạo, sau làm cố vấn, rồi hậu cố vấn...

Trong quyển sách trên, ông Đào Đăng khiêm nhường bộc bạch về công việc của mình: "Tôi làm sưu tập qua mọi sự có sẵn. Tôi chỉ là một kẻ đi thâu gom, tựa như người dọn tiệc. Bây giờ, bàn tiệc đã sẵn sàng. Xin ân cần chào mừng những ai vào dự tiệc (độc giả), nhất là cụ Sáu Dân - Vị thượng khách quý mến của tôi!".

Một kỷ lục... chưa ghi vào Guinness!

Thư viện sưu tập tại gia của ông Đào Đăng hiện có trên 50 thư mục với hàng trăm ngàn tranh ảnh gắn với nhiều chủ đề, lĩnh vực: từ danh nhân Việt Nam và thế giới, lãnh đạo - nguyên thủ; nghệ sĩ trong và ngoài nước, nhiếp ảnh, mỹ thuật đến máy bay - hàng không, đường sắt, xe hơi, ẩm thực, thân mộc, 12 con giáp, tem, côn trùng...; từ nhân tình thế thái, chuyện vui chuyện lạ, những người thành đạt, thế giới người giàu cho đến... "những người ngu dại"! Chỉ tính riêng cái khoản áo dài Việt Nam, ông đã sưu tập và phân loại sơ sơ thành... 100 mục kèm theo những thông tin giới thiệu chi tiết. Bên cạnh đó, ông đã đóng thành 2 cuốn Nước Việt mến yêu với hơn 5.000 bức ảnh về địa lý, văn hóa, con người Việt Nam trên 64 tỉnh, thành. Hiện nay, ông đang dồn tâm lực để thực hiện những bộ sưu tập Địa danh mọi miền.

Nhà sưu tập Đào Đăng thổ lộ: "Tôi mong muốn làm được bộ sưu tập để giúp người ta khi nói đến bất cứ vùng đất nào đều có thể biết được các danh nhân, ngành nghề truyền thống, nét đặc trưng văn hóa nổi bật gắn liền với địa danh đó. Dẫu biết trước sẽ gặp nhiều khó khăn, song tôi vẫn muốn thực hiện bằng được ước nguyện này".

Ông Đào Đăng cho biết, vào năm 2005, có một số người làm sách Kỷ lục Việt Nam đến tìm hiểu công việc của ông. Những người này yêu cầu ông thống kê đã sưu tập bao nhiêu bức ảnh, tài liệu trong thời gian qua, song ông đành... chào thua và nói ông chỉ có thể ước tính được bằng... số tấn mà thôi!

Cảm phục việc làm của ông Đào Đăng, vào năm 2003, một người Na Uy tên là Jan Eggen đã viết một bức thư dài gửi đến ông và sau đó mày mò tìm đến tận nhà đề nghị ông hợp tác thành lập ngân hàng dữ liệu thông tin - một hình thức như Google nhưng chủ yếu cung cấp thông tin về Việt Nam, song ông chưa đồng ý. Điều khiến Đào Đăng quan tâm là vấn đề tác quyền của hàng trăm ngàn bức ảnh ông sưu tập được, mặc dù ông đã ghi lại cẩn thận tên từng tác giả dưới mỗi bức ảnh, mỗi mẩu tin. Trước mắt, ông vẫn tiếp tục hoàn chỉnh thư viện tại gia để hỗ trợ sinh viên tra cứu tư liệu được thuận tiện.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.