Nỗi lòng phóng viên thường trú

20/06/2006 15:46 GMT+7

Là phóng viên thường trú của một tờ báo lớn như báo Thanh Niên, với tôi là một thành công ngoài sự mong đợi. Nhưng chỉ khi đứng cạnh những thời cơ mình vừa tìm được, tôi mới nhận ra rằng có quá nhiều thách thức đang ở phía trước.

Tác nghiệp… một mình!

Ở một địa bàn rộng và được giới báo chí đánh giá là “đất báo chí” với bao sự kiện nóng hổi như tỉnh Bình Thuận, tôi thật sự gặp nhiều khó khăn khi tác nghiệp. Khi thì theo dõi phiên xét xử vụ án “Vườn điều”, khi thì Vụ án Hai Chi, khi thì vụ án “gây tai nạn giao thông rồi tự chôn nạn nhân”… tất tần tật phải tự mình xoay xở. Làm sao để có được những thông tin mới nhất, nhanh nhất, chính xác nhất gửi về tòa soạn. Là phóng viên thường trú, có nghĩa là phải tự tổ chức tin bài, tự lo tìm kiếm nguồn tin, và tự xây dựng chương trình công tác.

Phóng viên thường trú là phải theo dõi tất cả mọi lĩnh vực. Từ chính trị xã hội, đến kinh tế, an ninh quốc phòng… đều phải biết. Đề tài thì rộng, địa bàn thì mênh mông. Phải biết chọn lọc những gì đưa lên mặt báo là một điều không dễ. Trong khi kiến thức của phóng viên thường trú không phải mảng nào cũng “xơi” được. Đa số phóng viên thường trú là người đang sinh sống tại tỉnh đó, cho nên việc bị “anh Ba, anh Bảy” nhắc nhở do “cứ đưa những cái chưa tốt lên báo” là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng nếu không cương quyết “đấu tranh” thì sẽ để lọt mất những sự kiện nóng hổi và vô cùng bức xúc của nhân dân và chính quyền địa phương. Thậm chí nếu báo khác dám phản ánh tiêu cực vụ này vụ kia, mà báo mình không có những thông tin bức xúc ấy, trong khi có phóng viên thường trú ở đó, coi chừng… bị kiểm điểm.

Là phóng viên thường trú còn phải tìm được nhiều mối quan hệ, không những với các “sếp” mà ngay cả với những đồng nghiệp của báo bạn cũng phải “biết người, biết ta”. Thậm chí phải xây dựng cả một đội ngũ cộng tác viên ở các ban ngành, khắp tỉnh để cập nhật thông tin một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Nếu không làm được những điều đó coi như thất bại.

Bụt nhà không thiêng!

Phóng viên thường trú có nghĩa là sẽ được chính quyền địa phương mời hội họp liên miên. Nhưng với những tờ báo lớn thì những chuyện mà địa phương cho là quan trọng không có nghĩa là quan trọng với tòa soạn của mình. Mỗi tờ báo có một tôn chỉ mục đích riêng, một đối tượng độc giả riêng. Cho nên có những thông tin của địa phương không thể cập nhật trên báo được. Gặp mãi, mời mãi mà không thấy đăng tin bài gì thì lần sau địa phương… không mời nữa.

Một nhà báo khá nổi tiếng của một tờ báo ở Trung ương thường trú cùng tôi đã vấn an các đồng nghiệp của mình là “bụt nhà không thiêng”. Bởi lẽ nhiều khi địa phương có những cuộc gặp mặt tôn vinh những đóng góp của báo chí, thậm chí những sự kiện quan trọng, lại toàn mời những nhà báo ở tận đẩu tận đâu “cả đời chả viết một chữ về địa phương mình”. Trong khi những phóng viên thường trú, hằng ngày cập nhật biết bao thông tin của địa phương, thậm chí phát hiện những vấn đề cấp thiết giúp cho địa phương thì lại bị “quên”.

Còn nhớ, mỗi khi năm hết tết đến địa phương này địa phương kia vào tận TP Hồ Chí Minh, ra Hà Nội để “gặp gỡ báo chí”. Trong khi biết bao phóng viên thường trú đang tác nghiệp tại địa phương mình trở thành “những ông bụt không thiêng”. Mặc dù là “quân số của Trung ương, nhưng là phóng viên thường trú, chẳng khác nào một phóng viên báo địa phương vì chuyên cập nhật thông tin về đời sống xã hội ở địa phương đó lên báo trung ương. Vì vậy, nếu đội ngũ phóng viên thường trú mà bị “bỏ quên” thì sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc đối với bất kỳ một vị lãnh đạo địa phương nào.

Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của báo chí và coi báo chí như một công cụ quan trọng trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật. Hiện nay, hầu như ở tỉnh nào cũng có một đội ngũ phóng viên thường trú hùng hậu của tất cả các báo. Họ là những người không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương đó.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.