Người dân lúng túng
Theo quy định của Luật Nhà ở và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật, sẽ có thêm 2 loại giấy chủ quyền bao gồm một mẫu giấy chung cho cả nhà và đất, một mẫu giấy chỉ dành riêng cho những trường hợp mà chủ sở hữu chỉ sở hữu nhà. Cả hai mẫu giấy này có hình thức giống nhau nhưng nội dung xác nhận là khác nhau. Như vậy, khi luật có hiệu lực, trong thực tế sẽ tồn tại 6 mẫu giấy bao gồm 4 mẫu "giấy hồng" (2 mẫu mới theo Luật Nhà ở, 1 mẫu theo Nghị định 60/CP, và 1 mẫu giấy theo Nghị định 95/CP) và 2 mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1 mẫu giấy theo Luật Đất đai 1993 và 1 mẫu giấy theo Luật Đất đai 2003).
Điều đáng nói là trong khi Luật Đất đai 2003 quy định là kể từ ngày 1.1.2007, cả nước chỉ sử dụng chung một mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có ghi nhận về nhà ở, công trình trên đất và mọi giao dịch đều thống nhất chung trên mẫu giấy này thì Luật Nhà ở lại quy định là mọi loại giấy tờ hợp lệ về nhà ở đều được tiếp tục giao dịch. Quy định như vậy khiến cho người dân lúng túng không biết thực hiện theo luật nào.
Việt kiều được mua nhà ra sao ?
Nhiều người cho rằng Luật Nhà ở đã mở ra một cánh cửa cho Việt kiều khi muốn mua nhà trong nước. Theo quy định mới, ngoài 4 đối tượng được quy định tại NĐ 81/CP (Việt kiều về đầu tư lâu dài; Việt kiều có công với nước; Việt kiều là nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên; Việt kiều hồi hương), những Việt kiều về Việt Nam cư trú có thời hạn 6 tháng trở lên thì được phép sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc 1 căn hộ. Thế nhưng đã nảy sinh những thắc mắc xung quanh vấn đề "thời hạn 6 tháng trở lên".
Ông Hồng Lê Thọ - đại diện Công ty mỹ phẩm Đại Phú Sĩ, Việt kiều Nhật - cho biết: "Tiêu chuẩn cư trú 6 tháng trở lên gây ra nhiều rắc rối. Cần phải giải thích về thời hạn này và quy định rõ việc công nhận quyền sở hữu nhà ở cho Việt kiều như thế nào. Với 3 triệu Việt kiều, vấn đề sở hữu nhà ở trong nước là rất lớn, Luật Nhà ở chưa đáp ứng được nhu cầu này cho bà con Việt kiều". Ông Thọ cũng cho biết, từ khi ban hành NĐ 81/CP đến nay thì với tiêu chuẩn đã quy định, chỉ có khoảng xấp xỉ 100 trường hợp được mua nhà trong nước.
Ông Lê Hoàng Châu -Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng: "Phải có thông tư hướng dẫn vấn đề Việt kiều mua nhà trong nước một cách rõ ràng hơn. Các vấn đề như có thể bảo lưu quyền sở hữu nhà ở của Việt kiều khi trở lại nước mà họ cư trú cũng phải được đặt ra như thế nào". Ông Nguyễn An Bình - Chủ tịch HoREA nhận định: "Nguồn lực từ Việt kiều là rất lớn, nếu có chính sách thoáng hơn về nhà ở thì sẽ góp phần huy động được sự đóng góp của bà con vào việc đầu tư phát triển kinh tế đất nước. Trước mắt, nếu việc mua nhà trong nước được thuận lợi, Việt kiều sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển".
Huy động vốn cho các dự án nhà: Vẫn chưa thoáng !
Luật Nhà ở cũng cho phép sau khi đầu tư xong hạ tầng, doanh nghiệp (DN) có thể huy động vốn của khách hàng tối đa là 70% giá trị hợp đồng. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng một số DN chiếm dụng vốn của khách hàng rồi không chịu đầu tư hoặc thực hiện không đúng hợp đồng. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu thì vấn đề này có thể điều chỉnh bằng cơ chế tài chính và quy định tính pháp lý của hợp đồng giữa DN và người mua nhà. "Việc sử dụng vốn của khách hàng không đúng mục đích sẽ bị phát hiện bởi một cơ chế tài chính thường xuyên giám sát chặt chẽ. Nhà nước cũng có thể ban hành một loại hợp đồng mẫu và có công chứng, nếu có tranh chấp thì tòa án sẽ xử và yêu cầu nhà đầu tư bồi thường cho khách hàng (nếu nhà đầu tư vi phạm hợp đồng) theo luật định"- ông Châu nói.
Ông Hồng Lê Thọ cũng viện dẫn rằng vấn đề đầu tư tín dụng thông qua hình thức chứng khoán hóa bất động sản đã được thực hiện từ lâu ở nhiều nước trên thế giới. Việc huy động vốn của nhà đầu tư bằng hình thức này sẽ giúp cho mọi cá nhân đều có thể tham gia dễ dàng tùy theo khả năng tài chính của mình. Theo ông Thọ, vận dụng tốt mô hình chứng khoán hóa bất động sản sẽ tạo ra một kênh huy động vốn hữu hiệu cho nhà đầu tư, chứ không nên khống chế việc huy động vốn là bao nhiêu %. Một DN đã thực hiện nhiều dự án nhà ở có hiệu quả tại TP.HCM cho biết: "Vấn đề cơ bản là chất lượng nhà ở và uy tín, thương hiệu của DN. Vả lại, việc mua bán sản phẩm chưa hình thành là thỏa thuận của người mua kẻ bán, nên để cho hai bên tự quyết định".
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)