Có phải mọi loại nhân sâm đều bổ?

27/06/2006 22:42 GMT+7

Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có chứa tinh chất nhân sâm. Tuy nhiên, qua khảo sát của Bộ môn Dược liệu và phòng Thí nghiệm trung tâm khoa Dược (Trường Đại học Y - Dược TP.HCM) thì nhiều loại có hàm lượng sâm rất ít, thậm chí có loại không chứa các ginsenoside (hoạt chất của nhân sâm). Trao đổi với Thanh Niên, PGS - TS Nguyễn Minh Đức - giảng viên Bộ môn Dược liệu, Trưởng ban Nghiên cứu khoa học - Thư viện khoa Dược của trường) - cho biết:

- Nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng C.A.Meyer (thuộc họ nhân sâm), được sử dụng tại châu Á từ hơn 4.000 năm nay, và được ghi vào dược điển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thị trường nhân sâm hiện nay khá đa dạng, từ viên nang sâm, hồng sâm, bạch sâm, cao sâm, rượu sâm... phải nói là từ thượng vàng đến hạ cám. Trên thực tế có rất nhiều sản phẩm được người ta gán cho từ "sâm", nhất là những "món" liên quan đến bổ dưỡng. Nếu không am hiểu, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn, không biết được đâu là tốt, đâu là xấu (thậm chí có những loại củ sâm đã được chiết lấy hoạt chất rồi đem bán, thì người mua cũng khó mà biết được). Ở Hàn Quốc,  nhân sâm từ 1 - 3 tuổi được sử dụng như rau củ trong chế biến thức ăn hằng ngày như canh sâm, gỏi sâm, kim chi sâm, chè sâm... Sâm từ 4 tuổi trở lên mới được dùng làm thuốc.

* Có phải mọi loại nhân sâm đều bổ?

- PGS-TS Nguyễn Minh Đức: Cần hiểu rằng, cả phương diện Tây y và Đông y, nhân sâm không phải là loại thuốc "thần kỳ" chữa bá bệnh. Tuy nhiên, nếu dùng sâm đúng, sâm có chất lượng sẽ tốt cho sức khỏe, nhất là những người có tuổi, thể trạng suy yếu, người có bệnh mãn tính, cần điều trị lâu dài... Nhân sâm có tác dụng bồi bổ, tăng sức bền, giảm mệt mỏi, hưng phấn thần kinh, chống stress, làm chậm quá trình lão hóa, rút ngắn thời gian phục hồi sau vận động quá mức... Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh, cao nhân sâm còn có tác động kích thích sự miễn dịch tế bào, làm giảm tần số mắc bệnh cúm, cảm lạnh. Còn ginsenosid - Rh2 trong hồng sâm ức chế sự phát triển tế bào u hắc sắc tố... Điều quan trọng là người tiêu dùng cần lưu ý đến chất lượng sâm và các chế phẩm (chất lượng tinh chất nhân sâm tùy thuộc vào vùng đất trồng, công nghệ chiết xuất, quy trình sản xuất...). Thận trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm nhân sâm, cần chọn những loại có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà sản xuất có uy tín. Nhà quản lý cũng cần quan tâm đến vấn đề chất lượng nhân sâm, chỉ nên cho lưu hành những loại có chất lượng thật sự.

T.T (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.