Khác hẳn với dự đoán và bao kế hoạch quảng bá rầm rộ, nước chủ nhà năm nay đã để tuột mất nhiều giải thưởng lớn, trong đó có cả giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất liên tiếp độc chiếm suốt sáu kỳ LHP. Thiên Cẩu (tựa tiếng Anh: Người gác rừng, đạo diễn Thích Kiện) là bộ phim Trung Quốc duy nhất còn vớt vát lại danh dự với Giải thưởng lớn của BGK, nhưng lại bị dán mác là "đạo phim" nước ngoài.
Sáng sớm trong rừng sâu, một vụ án mạng kinh động đã xảy ra. Người gác rừng Lý Thiên Cẩu nổ súng bắn chết ba anh em họ Khổng - vốn là những kẻ quyền thế ở vùng này, được mệnh danh là "ba con rồng". Công an Mã quyết định vào thôn điều tra vì tin tưởng Thiên Cẩu vô tội. Trước khi phục viên, Thiên Cẩu từng là một chiến sĩ anh hùng. Đằng sau vụ án là một câu chuyện kinh thiên động địa, chấn động lòng người.
Bộ phim do Tập đoàn điện ảnh Thượng Hải và Xưởng phim Thượng Hải sản xuất tháng 4/2006, với sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội Trung Quốc và được dàn dựng khá nhuyễn dưới bàn tay giàu kinh nghiệm của đạo diễn Thích Kiện. Những bộ phim trước đây của ông cũng từng đoạt khá nhiều giải thưởng như Mùa hoa mùa tuyết (giải Hoa Biểu của Điện ảnh Trung Quốc, giải Kim Kê của LHP Trung Quốc lần thứ 18), Nữ soái nam binh (giải Hoa Biểu của Điện ảnh Trung Quốc), Thiếu niên đánh bóng (giải Đồng Ngưu cho Đạo diễn xuất sắc nhất).
Với đề tài bảo vệ môi trường, lại "tô điểm" bởi nhiều thông tin "đạo phim", Thiên Cẩu trở thành bộ phim Trung Quốc được quan tâm nhất tại LHP năm nay, đánh bại cả bộ phim Trung Quốc Người thợ cắt tóc cũng lọt vào vòng trong. Diễn viên Phúc Đại Long (vai Thiên Cẩu) tuyên bố: "Đây là bộ phim xuất sắc nhất mà tôi từng tham dự và Thiên Cẩu là nhân vật hay nhất mà tôi từng đóng. Tôi thấy rất thỏa mãn. Chúng tôi làm phim rất cực khổ và mục đích khi làm bộ phim này nhằm kêu gọi lương tri của mọi người trong xã hội. Chúng tôi không bắt chước, không chặt cây phá rừng để làm phim".
Bác bỏ thông tin "Thiên Cẩu giống bộ phim Pháp Khát vọng Florence được làm từ hai mươi năm trước" trên một số tờ báo Trung Quốc đã đăng tải, đạo diễn Thích Kiện cho biết Thiên Cẩu được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Hung phạm (nhà văn Trương Bình, từng đoạt giải văn học Mao Thuẫn, hiện là Phó chủ tịch Hội nhà văn TQ) với câu chuyện bắt nguồn từ người thật, việc thật tại vùng Sơn Tây thập niên 90. Trong đó câu chuyện về bốn anh em đã được sửa thành ba anh em.
Nhà văn Trương tuyên bố chưa hề được xem một bộ phim Pháp nào có nội dung tương tự và cho rằng "nếu giống nhau, chẳng qua chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên". Tuy nhiên, rất nhiều người hoạt động trong ngành điện ảnh và nhiều bạn yêu phim đều thừa nhận giữa hai bộ phim trên có quá nhiều điểm tương đồng cả về nội dung lẫn tình tiết, và bộ phim Khát vọng Florence đã từng được phát sóng nhiều lần trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc.
Thiên Cẩu kể về câu chuyện bi thương của người gác rừng Lý Thiên Cẩu, chỉ vì muốn bảo vệ rừng đã trở thành kẻ thù chung của toàn thôn với những con người vô ý thức. Cả gia đình anh bị đe dọa. Thiên Cẩu bị bức bách tới mức buộc phải phản kháng. Trong khi đó, bộ phim Khát vọng Florence kể về một trí thức tàn tật được thừa kế tại một vùng nông thôn miền Nam nước Pháp. Anh bị người ở đây áp bức, chặn nguồn nước, phá hoại mùa màng... tới mức phải chết trong đói khát.
Nhà phát hành Diên Vỹ của bộ phim Thiên Cẩu trả lời phỏng vấn: "Tuy hai bộ phim có nhiều điểm giống nhau, nhưng rất ngẫu nhiên, không hề liên quan tới nhau. Màu sắc Trung Hoa trong phim Thiên Cẩu rất đậm nét, không những giàu phong cảnh dân gian đặc sắc, mà còn mang ý nghĩa rất hiện thực. Ngoài ra, thủ pháp biểu hiện của bộ phim rất đặc biệt. Tuy kể chuyện về người gác rừng, nhưng được làm theo phong cách phim thám tử và việc cảnh sát nhập cuộc điều tra khiến bộ phim thêm gay cấn và hấp dẫn".
Nhà biên kịch kiêm giám chế Trịnh Vỹ Bình của bộ phim cũng lớn tiếng: "Chỉ có thể cho rằng hai bộ phim cùng một thể loại, đều là phim của kẻ yếu chống kẻ mạnh. Thiên Cẩu chỉ được chuyển thể sau khi được nhà văn Trương Bình chấp thuận và rất tôn trọng nguyên tác, giữ vững nội dung và tình tiết của tiểu thuyết". Luật sư Từ Hiếu Thanh cho biết: "Chỉ cần nội dung trọng tâm không giống nhau sẽ được coi là phim không sao chép". Hiện bộ phim vẫn là đề tài tranh cãi sôi nổi ở nước này.
Phương Nam
(Tổng hợp)
Bình luận (0)