Thế giới mở trong Truyện dịch Đông Tây

27/06/2006 22:21 GMT+7

Nhan đề chung của bộ sách là vậy nhưng mỗi cuốn vẫn có tên riêng như: Điều không có ở thiên đường (tập 1), Người đàn ông băng (tập 2)..., cho đến nay bộ sách đã ra đến tập thứ 7. Một nỗ lực đáng kể của Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây kết hợp với Nhà xuất bản Lao Động nhằm cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn vào toàn cảnh diện mạo truyện ngắn thế giới hiện đại.

Trước hết, đó là sự đa thanh của mọi phong cách truyện ngắn. Giữa Đông và Tây tuy có sự khác nhau về cách đặt vấn đề và kỹ thuật viết nhưng với tài năng của mình, các nhà văn đã đem đến cho người đọc sự quyến rũ và niềm rung động. Đó là truyện kinh dị của Stephen King, văn phong lạnh lẽo, tình tiết sát phạt, làm nổi da gà (Trung tâm cai thuốc lá, Nạn nhân vô tội) nhưng thông điệp tố cáo cái ác, sự băng hoại về nhân tính của xã hội hiện đại lại khiến người đọc ngẫm nghĩ.

Đó là truyện kỳ bí huyễn ảo của Haruki Murakami (Người đàn ông băng), của Peter S.Beagle (Khiêu vũ với thần chết), Calvino Italo (Con cừu đen, Người gào tên Teresa) cho thấy những cái đẹp thầm kín và sâu sắc ẩn giấu từ nghệ thuật viết. Đa dạng hơn, phơi trần từ phong cách hiện thực dưới ngòi bút Raymond Carver (Láng giềng, Thêm một điều nữa), Cao Hành Kiện (Mua cần câu cho ông tôi, Chuột rút), Enrico Morovich (Con mèo và đôi giày, Ba chú rể)... vẫn bàng bạc một triết lý nhân văn.

Các đề tài kén bạn đọc khác như khoa học viễn tưởng, hậu hiện đại từ các truyện của Vigilio Pinera (Thịt), Antonio Tabucchi (Những giọng nói), Isaac Asimov (Trò chơi mới), Henry Slesar (Ngày thi)... đều ít nhiều mang đến nét độc đáo, cần thiết của các thể loại, giúp người đọc phát hiện và hình dung mức độ cần thiết cuộc kiếm tìm của mỗi trường phái.

Một điều đáng kể nữa của bộ sách ngoài thiết kế đẹp, là cách sắp xếp thứ tự các trào lưu với những cụm tác giả tiêu biểu giúp bạn đọc dễ theo dõi. Cuối mỗi tập sách, người biên soạn còn dày công với hai bản phụ lục ngắn gọn nhưng đầy đủ về tiểu sử, tác phẩm của các nhà văn và các dịch giả rất thuận lợi cho việc tham khảo, tra cứu. Qua bản phụ lục đó đã thấy rất nhiều dịch giả trẻ dưới tuổi 40, 30 như Hồ Thị Hòa, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Kiều Diệp, Lã Việt, Phương Hoài... Đó là một thế hệ dịch giả trẻ đầy triển vọng.

Đông Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.