Triển khai Luật Nhà ở: Các loại giấy chủ quyền nhà đất vẫn còn giá trị

30/06/2006 09:39 GMT+7

Ngày 1/7, Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực thi hành. Ngày 29/6/2006, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) đã có buổi tập huấn về Luật Nhà ở cho các cán bộ sở, ngành, phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên-môi trường của 24 quận huyện và trên 300 phường xã trên địa bàn TP.HCM.

Thêm 2 “giấy hồng”

Theo quy định của Luật Nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở có 2 loại: chủ sở hữu nhà ở đồng thời cũng là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp 1 giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (QSHNƠ và QSDĐƠ); trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì được cấp Giấy chứng nhận QSHNƠ (còn giấy chứng nhận QSDĐƠ vẫn cấp theo giấy đỏ của các quy định cũ cho người còn lại).

Hai loại giấy chứng nhận: QSHNƠ và QSDĐƠ-QSHNƠ trên được gọi chung là Giấy chứng nhận QSHNƠ (“giấy hồng”). Như vậy, ngoài 2 loại “giấy hồng”: một theo NĐ 60/CP, một theo NĐ 95/CP thì nay có thêm 2 “giấy hồng” của Luật Nhà ở và 2 loại “giấy đỏ”: một theo Luật Đất đai 2003, một theo Luật Đất đai 2004. Như vậy, có ít nhất 6 giấy chứng nhận về nhà, đất.

Khi “giấy hồng” của Luật Nhà ở ra đời sẽ vô hiệu hóa một nửa “giấy hồng” theo NĐ 95/CP (Giấy chứng nhận QSHNƠ và quyền sở hữu công trình xây dựng) vì Giấy chứng nhận QSHNƠ sẽ được thay thế bằng “giấy hồng” của Luật Nhà ở, chỉ còn Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Để hạn chế xáo trộn, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở vẫn công nhận giá trị của các loại “giấy đỏ”, “giấy hồng” cấp theo quy định cũ. Sau ngày 1/7/2006, người dân có thể sử dụng những giấy tờ hợp lệ này để giao dịch và người mua sẽ được cấp “giấy hồng” mới. Những trường hợp tạo dựng nhà ở sau ngày 1/7/2006 sẽ được cấp “giấy hồng” mới theo Luật Nhà ở.

Theo Luật Nhà ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc diện là đối tượng được sở hữu nhà tại Việt Nam đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép 6 tháng trở lên được sở hữu 1 căn nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư. Tuy nhiên, các đại biểu thắc mắc 6 tháng trở lên là như thế nào thì ông Vũ Văn Phấn cho biết, quy định này Chính phủ đã giao cho Bộ Công an soạn nghị định hướng dẫn.

Nhà ở xã hội: cao không quá 6 tầng và tối đa 60m2

Về phát triển nhà ở, Luật Nhà ở có điểm mới là luật hóa việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH). Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây NƠXH với nhiều ưu đãi: miễn tiền sử dụng đất, thuê đất, miễn giảm các khoản thuế liên quan… NƠXH được xây dựng chủ yếu từ ngân sách nhà nước.

Tiêu chuẩn thiết kế NƠXH tại đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM) là 5-6 tầng và diện tích mỗi căn hộ không quá 60m2. Các đại biểu cho rằng: hiện nay tại các đô thị loại 1 thì đất rất hiếm nên xây dựng nhà cao tầng để tiết kiệm, thế nhưng theo quy định của luật như vậy có hợp lý?

Ông Vũ Văn Phấn lý giải: Phải quy hoạch đất để xây dựng NƠXH tại khu vực hợp lý. Lý do luật khống chế chiều cao (không lắp đặt thang máy) và diện tích là để đảm bảo giá thành phục vụ cho người thu nhập thấp. Thêm một điểm mới nữa là vấn đề “thuê mua NƠXH”: sau 1 thời gian thuê nhất định, người thuê có thể mua căn nhà để được sở hữu. Tuy nhiên, sau khi được cấp “giấy hồng”, chủ sở hữu được bán nhà ở đó nhưng giá bán không được vượt quá giá nhà ở xây dựng mới cùng loại.

* Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, mặc dù ngày 1/7 Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành nhưng TP.HCM chưa triển khai ngay do còn phải chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở. Và cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành mẫu Giấy chứng nhận QSHNƠ nên người dân tại TP.HCM vẫn được cấp “sổ đỏ” theo Luật Đất đai 2003 cho đến khi có nghị định, thông tư hướng dẫn và mẫu Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng).

Các loại giấy chứng nhận hợp lệ vẫn có hiệu lực thi hành

Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà về những thắc mắc xung quanh Luật Nhà ở.

* Thưa ông, Luật Nhà ở chỉ đề cập đến “giấy hồng”, “giấy đỏ” và không nhắc đến các loại “giấy trắng” (các loại giấy về nhà đất cấp trước năm 1975 hay trước năm 1994, do các địa phương tự đặt ra trong khi chờ hướng dẫn của Trung ương - PV) như vậy, các loại “giấy trắng” có còn giá trị không khi Luật Nhà ở có hiệu lực?

- Theo Điều 152 Luật Nhà ở quy định: các loại giấy chứng nhận về nhà, đất hợp lệ theo quy định pháp luật sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực vẫn có hiệu lực thi hành, tức là bao gồm các loại “giấy đỏ”, “giấy hồng” và những loại “giấy trắng”.

* Một số quy định về nhà ở được quy định ở một số luật khác có “vênh” so với Luật Nhà ở, ví dụ như: Luật Đất đai quy định 1 giấy thống nhất nhưng Luật Nhà ở có đến 2 giấy thì giải quyết thế nào, thưa ông?

- Theo Điều 152 của Luật Nhà ở quy định rõ, trường hợp có sự khác nhau của luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở thì áp dụng quy định theo Luật Nhà ở.

* Luật Nhà ở quy định cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở là Trung ương và cấp tỉnh, vậy cụ thể là cơ quan nào đảm trách cấp “giấy hồng” mới, thưa ông?

- Cơ quan quản lý nhà ở cấp Trung ương cụ thể là Bộ Xây dựng, cấp tỉnh cụ thể là Sở Xây dựng.

* Sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực, khi nào mới có Nghị định về Luật Nhà ở và thông tư hướng dẫn thi hành, thưa ông?

- Đa phần các điều khoản trong Luật Nhà ở đã được quy định một cách chi tiết, có thể triển khai ngay và Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ vào ngày 24-5-2006 dự thảo về Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa ký. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định, bộ sẽ nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn sớm nhất.

Theo Nhung Nguyễn/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.