Hiệp hội mía đường: Chuyện nhà tự kể

02/07/2006 23:57 GMT+7

Hội nghị toàn quốc Hiệp hội mía đường Việt Nam được tổ chức tại Quảng Ngãi ngày 1.7.2006 là một hội thảo hoàn toàn "mở". Mời báo chí, các thành viên phát biểu "hết ý", không rào đón, không giấu giếm, cả không nể nang. Như thế, đứng về một hội thảo, là thành công.

Những điều các đại biểu của ngành mía đường cả nước phát biểu trong hội nghị này thực ra không mới. Không mới nhưng từ nhiều năm nay, luôn là những vấn đề "nóng". Chẳng hạn, chuyện giá mía hằng năm. Ngày trước, những nhà máy đường đặt tại địa phương nào thì đó là "hồng phúc" của địa phương ấy. Nhưng khi cả nước "xông lên làm đường" thì chuyện đã khác.

Đồng mía thì có hạn, nhà máy đường thì nhiều, đúng là "mật ít ruồi nhiều", nên xảy ra tình trạng tranh mua mía. Tranh mua mía dĩ nhiên người trồng mía, là nông dân, được lợi. Nhưng cái lợi này vô cùng phấp phỏng, vô cùng mù mờ, vì nhiều khi người hưởng lợi từ những cú đột ngột tăng giá thu mua mía không phải là người trực tiếp trồng mía mà là tư thương làm dịch vụ. Trong vụ mía 2005 đã có những địa phương nhà máy đường thu mua mía với giá 730.000đ/tấn, một cái giá mà người trồng mía "nằm mơ cũng không dám nghĩ tới". Nhưng rồi, lợi bất cập hại, người nông dân, nhất là nông dân đồng bằng sông Cửu Long, đổ ra trồng mía, phá các cây khác để trồng mía. Liệu đây có phải cây trồng "phát triển bền vững" ? Chẳng ai trả lời câu hỏi ấy. Người mua cứ ra giá, người trồng cứ trồng, còn tương lai thế nào thì… hồi sau phân giải (!).

Như ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội mía đường VN đã nói trong hội nghị, giá đường "bình thường" của thế giới cao nhất chỉ khoảng sem sém 7.000 đồng/kg, vậy mà nay giá đường ở VN đã là 11.000 đ/kg, có lúc còn hơn. Như thế là không bình thường mất rồi! Liệu cái giá "không bình thường" này kéo dài được bao lâu ? Và, nói như ông Tam, nếu cứ mua mía với giá "trên trời" hơn 700.000đ/tấn, và cứ "xông lên ép mía khi mía còn non" thì tương lai của ngành mía đường Việt Nam sẽ ra sao ? "Chuyện phá sản không còn là dự báo", ông Tam nói.

Thực ra, những nhà máy đường từ nhiều năm nay không phải quan tâm đến giá mua mía thế nào thì được cho người trồng mía, tức nông dân, mà quan tâm nhiều hơn đến giá bán đường. Nhưng muốn bán đường thì phải có mía để ép. Không ít nhà máy đường, nhất là những nhà máy "sinh sau đẻ muộn", mỗi khi giá đường trên thị trường tăng, đã "uống thuốc liều" để tranh nhau mua mía với giá "trên trời". Thực ra, trong chuyện mua mía bán đường này, người trồng mía và người tiêu dùng đều đứng ngoài cuộc. Đây là "cuộc chơi riêng" của những nhà sản xuất và buôn bán đường. Dĩ nhiên, trong cuộc cạnh tranh nhiều khó nhọc và đầy phiêu lưu này, "chỗ trút" mỗi khi có chuyện bất ổn chính là "đường nhập lậu".

Năm nay, lượng đường Bộ Thương mại cấp phép nhập và thực tế đã nhập khoảng 100.000 tấn cho tới giờ này. Nhưng lượng đường nhập lậu thì khoảng gấp hai như thế. Vì sao có đường nhập lậu ? Đơn giản, chỉ vì giá đường VN đột nhiên "nóng", đột nhiên tăng vọt. Khi có những phó giám đốc thương mại của một tỉnh có đường biên hăng hái "bán xăng dầu lậu" ra khỏi biên giới, thì trách gì đường nhập lậu cứ ùn ùn đổ về, làm đau đớn, làm ê ẩm bao nhà máy đường trong nước ? Nhưng "thù ngoài" chỉ là một yếu tố tiêu cực, còn "bạn trong" mới là cả vấn đề! Khi các nhà máy đường, đều là thành viên của Hiệp hội mía đường VN, lại chỉ mong phần lợi về cho riêng mình, tranh mua khi đường được giá, và tranh thủ "mù mờ" về chữ đường khi có thể để ép nông dân, và nếu có dịp thì sẵn sàng "ngáng chân nhau" thay vì hợp tác, thì làm sao ngành mía đường Việt Nam phát triển được ?

Không bao lâu nữa cho thời hạn VN gia nhập WTO, 37 nhà máy đường hoạt động ở thời vụ 2005-2006 trên khắp VN phải suy nghĩ thế nào cho sự tồn tại của mình ? Và không chỉ sự tồn tại của những nhà máy đường, mà sự tồn tại của 265.000 ha trồng mía trong cả nước, với hàng triệu người trồng mía hay sống nhờ vào cây mía. Một hội nghị, dù cởi mở và "tự kể" hết lòng, vẫn chưa giải quyết được vấn đề.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.