Làm sao đẩy mạnh xuất khẩu mà bớt lo bị kiện phá giá?

04/07/2006 09:07 GMT+7

Vừa qua tại Hà Nội, trước phiên đàm phán đa phương có thể là cuối cùng về việc Việt Nam gia nhập WTO, Phó trưởng đoàn đàm phán WTO Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Đa biên Bộ Thương mại và một số chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã có một buổi thảo luận bổ ích với doanh nghiệp Việt Nam.

Một trong những bài phát biểu gây được chú ý là của ông Scott Cheshier, chuyên gia kinh tế của UNDP tại Việt Nam, nói về một chủ đề gây lo ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam: các vụ kiện bán chống phá giá. Theo ông Scott Cheshier, khi gia nhập WTO, hàng rào thuế quan và phi thuế quan được cắt giảm thì các hoạt động chống bán phá giá tiếp tục tăng lên. Khó khăn càng lớn khi Việt Nam tiếp tục bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm tới.

Trong các vụ kiện chống bán phá giá, vấn đề lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu là hệ thống kế toán, sổ sách. Để giảm nguy cơ thua kiện, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chấp nhận các phương pháp và hệ thống kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế. Thứ hai các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tranh luận và đàm phán tất các các vấn đề chi tiết trong từng vụ kiện chống bán phá giá cụ thể. Cuối cùng, các Hiệp hội doanh nghiệp cần phối hợp với doanh nghiệp để cung cấp những thông tin cần thiết trong suốt quá trình điều tra. Cần có công ty luật uy tín đứng ra bảo vệ quyền lợi cho phía Việt Nam. Có nhiều cách để tác động sao cho thuế chống bán phá giá dù vẫn được áp nhưng ảnh hưởng ở mức thấp.

Chúng ta đã cắt giảm 10.689 dòng thuế (gần như tất cả mọi dòng thuế), mức thuế trung bình khoảng 13,4 – 13,6% (giảm trung bình 22% so với trước khi đàm phán). Với Trung Quốc, mức thuế trung bình là 10%.  Một số dòng thuế chúng ta công bố áp dụng cho đến gần cuối lộ trình chứ không phải cắt giảm ngay như nhiều người tưởng - Ông Trần Quốc Khánh
Liên quan đến việc trợ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Miguel Pardo de Zela, Tham tán thương mại Mỹ tại Việt Nam nói rằng: mặc dù vai trò của ông là giúp cho các doanh nghiệp Mỹ bán hàng sang Việt Nam, cơ quan của ông sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam xuất hàng sang Mỹ. Hiện nay Thương vụ Hoa Kỳ tại Việt Nam (USCS) có hai chương trình có thể trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam. Thứ nhất là hệ thống xác định và thu mua các thiết bị công nghệ, dịch vụ chất lượng cao và các dịch vụ cung cấp tài chính từ các nhà cung cấp uy tín của Hoa Kỳ, gọi tắt là USA Network. Thứ hai là hệ thống GTIM  hỗ trợ quản trị tất cả các hoạt động thương mại, đầu tư như xuất nhập khẩu, đầu tư nội địa, đầu tư nước ngoài. Đây là hai hệ thống thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Ngoài ra, khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ thiếu nghiêm trọng các nguồn đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu. USCS có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cả có tính cạnh tranh từ Hoa Kỳ, từ trang thiết bị công nghệ đến nguyên vật liệu, nguồn lực tài chính.

Trong khi đó ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Đa biên Bộ Thương mại, Phó Trưởng đoàn đàm phán WTO làm cho các doanh nghiệp an tâm khi khẳng định “mọi thái độ bị quan hay lạc quan đối với việc gia nhập WTO đều không đúng.” Ông Khánh cho rằng doanh nghiệp và người dân thực ra đã bắt đầu hội nhập từ năm 1995 khi tham gia AFTA, ký kết các hiệp định song phương về đầu tư thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Mức độ cạnh tranh hiện nay là không thể lớn hơn được nữa. Ông Khánh bày tỏ “lo ngại nhất là từ các doanh nghiệp nhà nước”.  

                                                                                                                               Xuân Danh 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.